Hàng loạt chợ truyền thống trên địa bàn TP.Biên Hòa tạm ngưng hoạt động để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, khiến người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc mua lương thực, thực phẩm. Một số nơi có xảy ra tình trạng tăng giá cục bộ,…
Hàng loạt chợ truyền thống trên địa bàn TP.Biên Hòa tạm ngưng hoạt động để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc mua lương thực, thực phẩm. Một số nơi có xảy ra tình trạng tăng giá cục bộ, nhất là với một số mặt hàng thiết yếu như: rau củ, thịt…
Đồ họa thể hiện sản lượng nông sản toàn tỉnh dự kiến thu hoạch trong tháng 7 và tháng 8-2021. Nguồn: Sở NN-PTNT. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân) |
[links()]Tuy nhiên, các vùng sản xuất của Đồng Nai vẫn rất dồi dào nguồn cung lương thực, thực phẩm. Các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương đang đồng loạt triển khai nhiều giải pháp điều tiết, tăng cường lượng hàng hóa nhằm đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân trong đợt dịch, đặc biệt là ở các vùng bị cách ly, phong tỏa.
* Dồi dào nguồn cung
Theo tính toán của Sở NN-PTNT, sản lượng nông sản toàn tỉnh thu hoạch trong 2 tháng 7 và 8-2021 là 504 ngàn tấn. Trong đó, sản phẩm trồng trọt ước khoảng 367 ngàn tấn; sản phẩm chăn nuôi gồm thịt heo, gà, bò ước khoảng 130,6 ngàn tấn; sản phẩm thủy sản ước 6,4 ngàn tấn. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu tại 30 doanh nghiệp kinh doanh, chế biến, xuất khẩu nông sản lớn với tổng sản lượng khoảng 150 ngàn tấn nông sản (chiếm 30% sản lượng thuộc mặt hàng trồng trọt và chăn nuôi). Các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh dự kiến tiêu thụ khoảng 30 ngàn tấn nông sản. Nguồn cung còn rất dồi dào cung cấp vào hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại cũng như đi các tỉnh, thành và xuất khẩu.
Ngày 14-7, Sở NN-PTNT đã mở 7 điểm bán rau củ 0 đồng tại các phường bị phong tỏa trên địa bàn TP.Biên Hòa với sản lượng hàng hơn 5 tấn rau củ các loại. Sau ngày đầu triển khai thí điểm, Sở NN-PTNT sẽ rút kinh nghiệm, nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để tổ chức hoạt động của các quầy hàng này tốt hơn trong thời gian tới. Sở NN-PTNT tiếp tục kêu gọi hỗ trợ từ các mạnh thường quân, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh để duy trì hoạt động của các điểm bán hàng 0 đồng trên. |
Là tỉnh có tổng đàn chăn nuôi thuộc tốp đầu cả nước, tổng đàn heo của tỉnh hiện đạt hơn 2,4 triệu con; tổng đàn trâu, bò trên 89,5 ngàn con; tổng đàn gia cầm trên 25,6 triệu con đều đạt mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái, đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu.
Riêng mặt hàng rau xanh, theo số liệu khảo sát mới nhất của Sở NN-PTNT, tổng sản lượng rau ăn lá và rau ăn trái sản xuất trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 227,6 tấn/ngày, không chỉ đảm bảo cung cấp cho địa bàn tỉnh mà còn cung cấp đi thị trường nhiều nơi. Hiện nay, mặt hàng rau xanh đang có giá tốt nên nông dân các địa phương tiếp tục đẩy mạnh sản xuất.
Xuân Lộc là địa phương có nhiều vùng trồng rau lớn với nhiều HTX liên kết nông dân hình thành những vùng chuyên canh cây rau ăn lá, rau ăn trái cung cấp ra thị trường khoảng 39 tấn rau/ngày trong thời điểm hiện tại.
Người dân đến lấy các phần rau 0 đồng tại quầy hàng nông sản giá 0 đồng phía trước mặt tiền trụ sở Sở NN-PTNT (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) vào sáng 14-7. Ảnh: Lam Phương |
Bà Lê Thị Hiệp, Trưởng phòng NN-PTNT H.Xuân Lộc cho biết, nguồn cung rau củ quả, nấm, thịt heo, thịt gia cầm… tại địa phương rất dồi dào. Hiện mặt hàng rau xanh tăng giá so với trước do nhu cầu tiêu thụ tăng cao, nhưng vẫn đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ của địa phương và cung cấp cho các thành phố lớn như: TP.Biên Hòa, TP.HCM. Giá rau tăng nên nông dân trồng rau đang tập trung đẩy mạnh sản xuất vụ mới, không lo xảy ra tình trạng đứt nguồn cung.
* Siêu thị, doanh nghiệp tăng nguồn hàng
Tuy các chợ truyền thống trên địa bàn TP.Biên Hòa tạm ngưng hoạt động để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhưng nguồn cung lương thực, thực phẩm cho các địa phương, trong đó có TP.Biên Hòa vẫn được đảm bảo vì các siêu thị, doanh nghiệp thực phẩm đang đẩy mạnh việc cung ứng hàng hóa.
Bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa chia sẻ, siêu thị sẽ chủ động tăng cường nguồn hàng thiết yếu, nhất là các loại sản phẩm rau củ quả, thực phẩm để đảm bảo nhu cầu của khách. Riêng đối với mặt hàng rau củ quả, mỗi ngày siêu thị có thể nhập về tối đa khoảng 20 tấn. Siêu thị sẽ có phương án cung ứng hàng hóa đến các khu vực phong tỏa, trong đó sẽ tổng hợp các đơn hàng, mua hàng rồi sẽ giao hàng đến chốt kiểm soát của phường đang phong tỏa, rồi từ đó phường chủ động phân phối hàng hóa đến người dân trong khu vực phong tỏa…
Cùng quan điểm, ông Trần Đình Quyền, Giám đốc MM Mega Market Biên Hòa cho hay, siêu thị chủ động kế hoạch về chuẩn bị nguồn hàng liên kết với các kho trung chuyển hàng hóa lớn trong hệ thống MM Mega Market. Mỗi ngày, siêu thị nhập về khoảng 9 tấn rau củ quả các loại, cao điểm có thể lên tới 13 tấn. Nguồn thực phẩm như thịt, cá hiện khá dồi dào; trứng gia cầm siêu thị nhập về từ 12-15 ngàn quả/ngày…
Theo ông Nguyễn Trọng Trí, Giám đốc phụ trách kinh doanh của Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), trong dịp này, 38 điểm bán porkshop sẽ tăng cường nguồn hàng nhập về để phục vụ nhu cầu của người dân. Trong đó, lượng heo đã giết mổ được đưa vào các điểm bán của toàn hệ thống này mỗi ngày khoảng 50-60 con (khoảng 5-6 tấn). Đối với trứng gà, lượng trứng cung ứng cho mỗi cửa hàng vào khoảng 1-3 ngàn quả/ngày, để đảm bảo số lượng cung ứng, hạn chế tình trạng găm hàng, tích trữ quá nhiều, mỗi cửa hàng quy định mỗi người chỉ được mua không quá 2 vỉ trứng trong 1 lần mua ở cửa hàng.
* Đảm bảo thực phẩm trong vùng cách ly
Nỗi lo lớn nhất của người dân tại các phường trên địa bàn TP.Biên Hòa bị phong tỏa để phòng dịch Covid-19 lây lan là thiếu lương thực, thực phẩm. Chính quyền các địa phương đều có phương án, giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân trong vùng dịch.
Ông Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch UBND P.Tân Biên (TP.Biên Hòa) chia sẻ, hiện nay nhu cầu đặt mua hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm, thực phẩm của người dân trong phường bắt đầu tăng lên. Nguồn cung về rau xanh của phường vẫn được đảm bảo từ các nguồn như: nguồn “tự cung tự cấp” tại chỗ với khoảng 6-7ha trồng rau tại phường, các nguồn hỗ trợ từ mạnh thường quân… Phường còn phối hợp với các giáo xứ trên địa bàn triển khai các chương trình phân phối thực phẩm, rau xanh, hàng hóa thiết yếu… đến người dân, nhất là những người dân nằm trong khu cách ly liên quan đến ca F0.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao 50 phần quà tại chốt phong tỏa ở P. Hiệp Hòa. Ảnh: H.Anh |
Chủ tịch UBND P.Hóa An Huỳnh Thu Hà cho biết, để đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, phường đã thành lập 4 tổ hậu cần gồm: Trưởng khu phố, Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh ở các khu phố để lấy các phiếu đăng ký mua hàng từ người dân, sau đó đăng ký số lượng nhu yếu phẩm mà người dân cần mua đưa lên phường tổng hợp, mua hàng giùm người dân. Hiện phường đã kết nối với nguồn hàng rau củ quả ổn định, các nguồn lương thực gạo, mì cũng được chủ động, người dân chung nhau chia sẻ…
Hằng ngày, khi có hàng hóa thiết yếu được đưa về, phường linh động bố trí 2 xe chuyên dụng của trật tự đô thị phường đưa đi phân phối ngay về các khu phố, trong đó tập trung, ưu tiên những khu vực đang có tình hình dịch bệnh phức tạp có nhiều ca F0 như: KP.An Hòa, khu vực tập trung đông công nhân, lao động ở nhà trọ…
Theo đại diện UBND P.Phước Tân, hiện nay tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các khu vực phong tỏa của phường vẫn đảm bảo. Phường đã phối hợp với Bách hóa Xanh, các nguồn hỗ trợ từ các mạnh thường quân để đảm bảo phân phối hàng hóa thiết yếu đến người dân. Phường đã triển khai phương án “đi chợ hộ” cho người dân trong khu vực phong tỏa. Hàng hóa sẽ được giao đến từng tổ dân phố cho người dân, các tổ dân phố sẽ thu tiền hàng hóa mà người dân đăng ký mua rồi chuyển về phường để thanh toán cho đơn vị cung ứng...
Lãnh đạo nhiều phường cho biết, địa phương sẽ chủ động huy động các lực lượng để phấn đấu đảm bảo phân phối đủ nguồn nhu yếu phẩm, thực phẩm cho người dân trong những ngày tới…
Bà Nguyễn Ngọc Liên, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa chia sẻ, đối với các phường, khu vực bị phong tỏa, thành phố đã triển khai nhiều hình thức kết nối, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục kết nối với các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các đơn vị đã đăng ký tham gia bình ổn giá của địa phương, các nguồn hỗ trợ từ mạnh thường quân… để đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt là những người dân ở các phường, khu vực bị phong tỏa. Ngoài ra, một số phường trên địa bàn TP.Biên Hòa hiện còn khu vực trồng rau, góp phần tăng thêm lượng rau cung ứng cho địa phương.
Theo Phó giám đốc Sở Công thương LÊ VĂN LỘC, Sở và UBND TP.Biên Hòa đã tiến hành khảo sát các địa điểm để dự kiến mở một số điểm bán rau củ quả, thực phẩm nhằm thay thế tạm thời cho các chợ truyền thống đang tạm đóng cửa cũng như góp phần giảm tải cho các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm, hạn chế tập trung đông người tại các khu vực mua sắm… Ngoài ra, Sở Công thương sẽ phối hợp với Tỉnh đoàn hỗ trợ các siêu thị trong việc tiếp nhận hàng và giao các đơn hàng trên địa bàn TP.Biên Hòa do các tổ chức, cá nhân đặt online. Sở phối hợp với Sở NN-PTNT, kết nối với doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong tỉnh có phương án chuẩn bị nguồn cung nông sản, nhất là các mặt hàng thịt, trứng, cá, rau… đáp ứng nhu cầu của người dân. |
Hải Quân - Bình Nguyên