Báo Đồng Nai điện tử
En

Chia sẻ áp lực với giao thông đường bộ

08:06, 04/06/2021

Trong khi giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh ngày càng chịu nhiều áp lực do quá tải thì giao thông đường thủy lại bị đánh giá là chưa phát triển xứng tầm.

Trong khi giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh ngày càng chịu nhiều áp lực do quá tải thì giao thông đường thủy (gồm cả vận chuyển hàng hóa lẫn vận chuyển hành khách) lại bị đánh giá là chưa phát triển xứng tầm. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ chính trên địa bàn Đồng Nai hiện đang “gồng gánh” sản lượng hành khách và hàng hóa quá khả năng cho phép, chẳng hạn như: quốc lộ 51, quốc lộ 20 và một số tuyến đường tỉnh khác. Sự quá tải đó vừa gây ùn tắc giao thông, vừa làm tăng chi phí, giảm hiệu quả, vừa gây hư hại đường sá.

Do đó, bên cạnh việc triển khai thêm các dự án hạ tầng giao thông đường bộ để chia sẻ bớt áp lực thì việc khai thác hiệu quả hệ thống giao thông đường thủy cũng được tỉnh đặt ra một cách nghiêm túc. Xét về giao thông đường thủy, Đồng Nai được cho là có đầy đủ các tuyến kết nối trong tỉnh cũng như với các địa phương như: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Tuy nhiên, vướng mắc chính nằm ở chỗ sự kết nối về giao thông đường thủy phục vụ vận chuyển hành khách giữa Đồng Nai với các địa phương trên chưa có. Cụ thể, mạng lưới giao thông đường thủy phục vụ vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có các bến đò ngang chứ chưa có bất kỳ tuyến buýt đường thủy, tàu cao tốc hay các phương tiện khác để khai thác. Trên thực tế, giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu là vận chuyển cát, đá, đất san lấp từ Đồng Nai đi các tỉnh, hầu như chưa có tuyến giao thông đường thủy nào chuyên dùng phục vụ vận chuyển hành khách.

Theo số liệu thống kê mới nhất, hiện tổng sản lượng hành khách vận chuyển bằng đường thủy bình quân hằng năm chỉ bằng khoảng 6% so với sản lượng vận chuyển hành khách bằng đường bộ, cho thấy một sự chênh lệch lớn và rõ ràng, Đồng Nai có thể khai thác tốt hơn tiềm năng sẵn có của giao thông đường thủy.

Số liệu thống kê của Công ty CP Phát triển đô thị bền vững (TP.Hà Nội), đơn vị tư vấn lập quy hoạch GT-VT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2025-2030 cũng cho thấy, trong 5 năm (2013-2018), tốc độ gia tăng trong hoạt động vận tải hành khách của tất cả các loại hình trên địa bàn tỉnh đạt mức 8,4%/năm thì riêng vận tải hành khách bằng đường thủy chỉ tăng 2,3%/năm.

Với hàng trăm cây số đường thủy có thể khai thác cùng với các tiềm năng có sẵn khác, định hướng phát triển giao thông đường thủy đang được tỉnh tập trung nghiên cứu thực hiện bởi trong thời gian tới, áp lực giao thông đường bộ vẫn sẽ gia tăng do việc thực hiện các dự án giao thông mới cần khá nhiều thời gian và công sức. Trong khi đó, khai thác giao thông đường thủy được cho là đỡ tốn kém hơn do đã có sẵn luồng, tuyến và không mất chi phí, thời gian giải phóng mặt bằng hay xây dựng. Tuy nhiên, cũng cần phải có sự kết nối thuận tiện giữa giao thông đường bộ và giao thông đường thủy để tạo thuận tiện cho hành khách và để cả 2 có thể bổ sung, chia sẻ áp lực lẫn nhau.

Vi Lâm

Tin xem nhiều