Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng quy hoạch khai thác khoáng sản giai đoạn tới

11:05, 26/05/2021

Theo lãnh đạo tỉnh, quy hoạch khai thác khoáng sản tới đây phải thống nhất với quy hoạch xây dựng, đất đai và do địa phương đề xuất...

Tại cuộc họp báo cáo kết quả thực hiện và những khó khăn, vướng mắc trong cấp giấy phép thăm dò, khai thác và đăng ký thu hồi vật liệu san lấp mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, quy hoạch vùng, khu vực khai thác khoáng sản (KTKS) giai đoạn tới phải thống nhất với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và do địa phương đề xuất.

Khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp tại H.Nhơn Trạch. Ảnh: B.Mai
Khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp tại H.Nhơn Trạch. Ảnh: B.Mai

[links()]* Bổ sung các mỏ vật liệu san lấp

Theo đánh giá của Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam, trữ lượng khai thác đá xây dựng ở Đồng Nai hiện rất lớn, không những đáp ứng nhu cầu sử dụng trong tỉnh mà còn cung cấp cho các khu vực lân cận như TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Riêng đất sét làm gạch ngói, đất sét làm vật liệu san lấp chưa được khai thác hiệu quả. Điều này dẫn đến tình trạng khai thác trái phép, thiếu hụt vật liệu.

Để đảm bảo tiến độ các công trình đang triển khai, tháng 3-2021, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính cấp phép hoạt động khai thác vật liệu san lấp để phục vụ thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Theo văn bản, hiện nay các mỏ khai thác đá trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nguồn vật liệu xây dựng, tuy nhiên, nhu cầu vật liệu san lấp rất lớn và có nguy cơ thiếu hụt. Do đó, tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan rà soát bỏ bớt các thủ tục không cần thiết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nhưng vẫn đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên.

Cùng với việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ban hành quyết định bổ sung 13 khu vực không đấu giá quyền KTKS với tổng diện tích hơn 94ha để kêu gọi nhà đầu tư. Trong đó, có 1 mỏ đá xây dựng tại TP.Long Khánh và 12 khu vực khoanh định khai thác vật liệu san lấp tại các huyện: Thống Nhất, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ.

Tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các khu vực quy hoạch KTKS làm vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng; khu vực KTKS không thông qua đấu giá để giới thiệu cho các nhà đầu tư.

* Thống nhất các quy hoạch

Từ năm 1998, Đồng Nai đã có quy hoạch KTKS. Quy hoạch này liên tục được cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn, trữ lượng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do có sự chồng chéo giữa Luật Đất đai và Luật Khoáng sản; chưa đồng bộ khu vực KTKS với các quy hoạch giao thông, xây dựng, đất đai nên việc cấp phép, quản lý khai thác và bảo vệ môi trường đối với một số dự án còn bất cập.

Mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chỉ đạo Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố rà soát các mỏ KTKS tỉnh đã phê duyệt. Các dự án KTKS hết hiệu lực, dự án gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không còn phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đề xuất loại bỏ, thu hồi hoặc không đưa vào quy hoạch giai đoạn tới.

Theo lãnh đạo tỉnh, quy hoạch KTKS tới đây phải đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch xây dựng, đất đai và do địa phương đề xuất để tránh tình trạng quy hoạch xong không phù hợp. Việc làm này sẽ góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí và hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.

Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu Sở TN-MT phối hợp Cục Thuế Đồng Nai đánh giá, đôn đốc việc nộp tiền cấp quyền KTKS của các tổ chức, cá nhân. Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động KTKS, công tác bảo vệ môi trường tại các mỏ.

Đồng Nai có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn nhưng nếu không quản lý khai thác hiệu quả thì vừa lãng phí vừa gây hậu họa cho môi trường. Việc xây dựng quy hoạch KTKS thay thế cho Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030; quản lý các mỏ theo quy hoạch, giấy phép gắn với bảo vệ và phục hồi môi trường vùng khai thác là yêu cầu đặt ra hiện nay.

Ban Mai

Tin xem nhiều