Trong bối cảnh hội nhập, việc phát triển thương hiệu, xây dựng các kênh quảng bá, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm đang trở thành một khâu quan trọng, thiết yếu trong chuỗi sản xuất và cung ứng hiện nay.
Trong bối cảnh hội nhập, việc phát triển thương hiệu, xây dựng các kênh quảng bá, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm đang trở thành một khâu quan trọng, thiết yếu trong chuỗi sản xuất và cung ứng hiện nay.
Một số mục tiêu về phát triển thương mại điện tử của Đồng Nai trong năm 2021 (theo Kế hoạch số 2670/KH-UBND của UBND tỉnh về phát triển thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai năm 2021) - Đồ họa: Hải Quân |
Nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có nhiều DN, nhất là các DN nhỏ và vừa đang loay hoay tìm đường mở rộng các kênh tiếp thị, phân phối sản phẩm một cách hiệu quả.
* Thiếu kinh phí marketing, bán hàng…
Hiện nay, các chi phí về quảng bá thương hiệu, mở rộng các kênh phân phối sản phẩm chiếm tỷ lệ ngày càng cao so với lợi nhuận thu được. Trong khi đó, tình hình sản xuất trong thời gian qua lại gặp nhiều khó khăn do phải chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19. Điều này khiến cho các DN địa phương phải tính toán, xây dựng phương án kinh doanh, cũng như đầu tư phát triển các kênh phân phối phù hợp, có trường hợp phải cắt giảm các chi phí về tiếp thị, quảng bá sản phẩm…
Đại diện mảng marketing của một DN chuyên sản xuất các sản phẩm đồ uống, nước giải khát ở TP.Biên Hòa chia sẻ, tác động của dịch Covid-19 buộc công ty phải cân đối lại các khoản chi phí, trong đó có kinh phí dành cho hoạt động marketing sản phẩm. Trong đó, công ty chủ yếu hỗ trợ nhà phân phối, đại lý các loại sản phẩm dùng thử, vật dụng tiếp thị như: thùng đá, dù..., quảng bá theo hướng truyền thống và một số chương trình quảng bá trên mạng xã hội. Mặt khác, hoạt động trưng bày sản phẩm ở các gian hàng trưng bày, mặt tiền ở các kệ hàng siêu thị, tạp hóa… vẫn chưa thể triển khai.
Theo nhiều chuyên gia, hiện nay đối với phần lớn các DN nhỏ và vừa ở địa phương, bộ máy nhân sự về tiếp thị, marketing chưa đủ mạnh, chuyên nghiệp. Nhiều DN tiết kiệm tối đa nguồn kinh phí dành cho tiếp thị, thiếu các kênh phản hồi, đánh giá của khách hàng. Trong khi đó, các DN “ngoại” vốn có tiềm lực tài chính mạnh nên họ có nhiều điều kiện để quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu, xây dựng chiến dịch kích cầu, giới thiệu sản phẩm mới…
Bà Nguyễn Thị Bích Lệ, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (H.Nhơn Trạch), một trong những đơn vị chủ thể sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) ở Đồng Nai chia sẻ, các sản phẩm của HTX phần lớn được bán ở địa phương và một số khu vực lân cận. Thời gian gần đây, việc được hỗ trợ kết nối vào các siêu thị, khu du lịch… đã tạo thêm cơ hội quảng bá cho sản phẩm của HTX dù sức mua chưa nhiều. Bên cạnh đó, vấn đề về phát triển thương hiệu, tìm kiếm các nhà phân phối để vừa quảng bá sản phẩm, vừa để có kênh tiêu thụ ổn định hơn là vấn đề mà HTX phải tính toán lâu dài, cũng như dành thêm các khoản chi phí cho hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm trong tương lai.
* Nhiều DN còn thụ động
Hiện nay, nhiều DN còn gặp khó khăn về nguồn kinh phí để tham gia các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại. Hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm còn mang tính tức thời, kiêm nhiệm nên khi tham gia các chương trình xúc tiến thương mại chưa có sự chuyên nghiệp từ khâu thiết kế, tư vấn giới thiệu sản phẩm dẫn đến hiệu quả mang lại chưa cao.
Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết, đơn vị sẽ thường xuyên giữ liên hệ với các tham tán thương mại, hiệp hội DN của Việt Nam ở nước ngoài để cập nhật các thông tin về thị trường, nhất là các cơ hội tham gia các hội nghị kết nối giao thương trực tuyến giữa DN Việt Nam và các DN nước ngoài tại các thị trường trọng điểm để cung cấp cho các DN trong tỉnh biết và chủ động đăng ký tham gia. |
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, việc kết nối giao thương, tìm đầu ra cho các sản phẩm trong nước, nhất là các sản phẩm địa phương cần được triển khai một cách linh hoạt, phù hợp. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, DN địa phương vẫn thụ động trong việc tham gia các chương trình xúc tiến thương mại.
Một số chuyên gia cho rằng, nhiều DN tham gia hoạt động xúc tiến thương mại chủ yếu với mục đích bán hàng, ít đầu tư về khâu quảng bá, tìm kiếm bạn hàng lâu dài cũng như nghiên cứu thị trường, cũng như chưa triển khai công tác tham vấn khách hàng về sản phẩm để cải tiến, bám sát nhu cầu của khách hàng. Có trường hợp DN còn trông chờ quá nhiều vào nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn.
Điều này vô hình trung khiến cho hoạt động kết nối, quảng bá sản phẩm với các thị trường mới, tiềm năng còn nhiều tồn tại, hạn chế; số lượng DN tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại chưa đúng như kỳ vọng.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành Công thương năm 2021, bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) chia sẻ, trong hoạt động xúc tiến thương mại, nhiều DN chưa chuẩn bị kỹ lưỡng về thông tin sản phẩm, phương pháp tiếp thị, quảng bá để thu hút sự quan tâm của thị trường nên thường bị động, thiếu tính chuyên nghiệp… Đồng thời, một số DN chưa có bộ phận phát triển thị trường hay dành một khoản kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Do đó, khi tham gia các chương trình xúc tiến thương mại còn thiếu sự chuyên biệt từ khâu thiết kế, tư vấn đến giới thiệu sản phẩm.
* Khai thác tiềm năng, lợi thế
Hiện nay, câu chuyện xây dựng thương hiệu càng được DN chú ý nhiều hơn. Bởi đây là vấn đề quan trọng để củng cố niềm tin của người tiêu dùng trong nước với hàng Việt trước sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường. Trong đó, các DN trong nước, nhất là các DN địa phương cần chú trọng nâng tầm, tập trung quảng bá các thế mạnh, giá trị đặc trưng, cốt lõi của sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh, thu hút người tiêu dùng.
Hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp địa phương bên lề hội nghị Thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản, tận dụng cơ hội xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới do UBND tỉnh phối hợp với Hiệp hội Trang trại - doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại TP.HCM tổ chức vào cuối tháng 4-2021. Ảnh: HẢI QUÂN |
Bà Trương Lý Hoàng Phi, một chuyên gia về đổi mới sáng tạo, nhà sáng lập kiêm Giám đốc chiến lược của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) chia sẻ, trước đây khi nhắc đến giá trị lõi, các DN thường trả lời một cách chung chung, thì nay trước những khó khăn, thử thách từ dịch Covid-19, các DN cần có câu trả lời cụ thể về giá trị cốt lõi, thế mạnh cạnh tranh của mình. Có như vậy mới có thể định hướng, xây dựng phương án kinh doanh phù hợp, “đúng và trúng” với xu thế của thị trường.
Ông Nguyễn Văn Tuệ, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ nấm linh chi Minh Dũng (TP.Long Khánh) chia sẻ, công ty luôn chủ động áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như: công nghệ phơi sấy hiện đại, hệ thống tưới nấm bằng quy trình tự động hóa, lập trình sẵn… nhằm hướng tới quy trình sản xuất khép kín, an toàn. Một trong những yếu tố quan trọng là làm sao để quảng bá, giới thiệu có hiệu quả giá trị về công nghệ, đặc trưng riêng của các loại sản phẩm này. Từ đó, góp phần mở rộng thị trường, nâng cao giá trị cho các sản phẩm nấm của công ty nói riêng và của địa phương nói chung.
Hiện nay, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại như hệ thống BigC Đồng Nai, BigC Tân Hiệp, MM Mega Market, Lotte Mart Đồng Nai… đã có các gian hàng dành riêng cho đặc sản của các địa phương trên cả nước, trong đó có Đồng Nai nhằm kết nối các loại đặc sản này với người tiêu dùng.
Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc BigC Đồng Nai cho biết, đơn vị hiện bố trí một gian hàng dành riêng cho sản phẩm OCOP của Đồng Nai nhằm phục vụ người dân có thêm lựa chọn khi mua sắm tại BigC Đồng Nai. Đây là kênh kết nối, quảng bá và phân phối các sản phẩm đặc sản của địa phương, sản phẩm OCOP của Đồng Nai nói riêng và của cả nước nói chung…
Hải Quân