Hiện nhiều loại trái cây xuất khẩu chủ lực có tính chất mùa vụ trên cả nước như: vải, nhãn, thanh long, sầu riêng... đang và sắp vào vụ thu hoạch. Vụ trái cây hè năm nay gặp nhiều khó khăn, áp lực về thị trường tiêu thụ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Hiện nhiều loại trái cây xuất khẩu chủ lực có tính chất mùa vụ trên cả nước như: vải, nhãn, thanh long, sầu riêng... đang và sắp vào vụ thu hoạch. Vụ trái cây hè năm nay gặp nhiều khó khăn, áp lực về thị trường tiêu thụ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Đồ họa thể hiện diện tích một số loại cây ăn trái thế mạnh của Đồng Nai hiện nay (Nguồn: Sở NN-PTNT) - Thông tin: BÌNH NGUYÊN - Đồ họa: HẢI QUÂN |
[links()]Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương có vùng nguyên liệu lớn cây ăn trái đang và sắp cho thu hoạch đều đang tập trung xây dựng kế hoạch, giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19.
* Vụ trái cây mùa hè nhiều thách thức
Đồng Nai có nhiều loại trái cây có thị trường tiêu thụ chính là xuất khẩu như: chuối, xoài, sầu riêng, thanh long, mít… Dịch Covid-19 là nguyên nhân khiến nhiều loại trái cây xuất khẩu thường đứng ở mức giá cao rơi vào cảnh rớt giá, khó tiêu thụ.
Cụ thể, vụ xoài năm nay, người trồng gặp khó khăn vì hầu như suốt vụ thu hoạch, giá loại trái cây này thường đứng ở mức thấp. Bà Nguyễn Thị Toàn, nông dân trồng xoài tại xã Phú Cường (H.Định Quán) chia sẻ: “Hiện cuối vụ thu hoạch, sản lượng xoài còn rất ít nhưng giá rớt xuống mức thấp kỷ lục từ trước đến nay. Cụ thể, xoài Đài Loan chuyên xuất khẩu bán tại vườn chỉ còn từ 3-4 ngàn đồng/kg; xoài ba mùa mưa còn 1-2 ngàn đồng/kg mà có khi gọi thương lái còn chậm mua”.
Lý giải nguyên nhân giá nhiều mặt hàng trái cây giảm mạnh thời gian qua, bà Đặng Thị Nga, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (xã Xuân Định, H.Xuân Lộc) cho biết, không chỉ xoài mà giá mít hiện nay cũng giảm sâu, như mít lá bàng chỉ còn từ 1-2 ngàn đồng/kg, mít Thái siêu sớm còn từ 4-5 ngàn đồng/kg. Nguyên nhân khiến giá nhiều loại trái cây xuất khẩu thường có giá tốt nay đứng ở mức thấp chưa từng thấy đều vì thị trường xuất khẩu gặp khó khăn.
Đóng gói chuối xuất khẩu tại HTX Dịch vụ thương mại - nông nghiệp Quyết Tiến (xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ). Ảnh: Lệ Quyên |
Bà Nga dự báo thêm: “Thị trường xuất khẩu vụ trái cây hè năm nay rất khó lường và có thể còn khó khăn hơn mọi năm do diễn biến của dịch Covid-19 vẫn phức tạp. Chính vì vậy, một số loại trái cây như: sầu riêng, chôm chôm vừa chớm đầu vụ có giá cao nhưng chỉ đôi ba tuần sau đã hạ nhiệt rất nhanh và rủi ro xuất khẩu bị đình đốn do dịch bệnh là rất lớn”.
Mùa hè cũng là mùa thu hoạch của nhiều loại trái cây, nông sản có vùng nguyên liệu lớn ở các tỉnh miền Bắc và Nam Trung bộ như: xoài, vải thiều, nhãn... Cụ thể, theo tính toán của 3 tỉnh trồng vải lớn nhất nước là Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, sản lượng vải thiều năm 2021 ước đạt khoảng 250 ngàn tấn; thời gian thu hoạch từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7.
Sản lượng vải thiều tiêu thụ qua xuất khẩu chiếm khoảng 50% và tập trung chủ yếu xuất quả tươi sang thị trường Trung Quốc. Các tỉnh trên kiến nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo, định hướng thúc đẩy liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ khi hàng loạt các mặt hàng trái cây tươi vào vụ thu hoạch với sản lượng lớn.
* Vẫn có “cơ” trong “nguy”
Suốt thời gian qua, sau các đợt dịch Covid-19 tại Việt Nam, các tỉnh, thành trong cả nước đã chủ động và có nhiều sáng kiến để vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua các cửa khẩu vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh như: thành lập đội lái xe trung chuyển chuyên biệt để thông quan nông sản, hàng hóa tại cửa khẩu; tích cực trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc để nới rộng thời gian thông quan; khuyến cáo doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nắm tình hình và giãn đưa hàng về cửa khẩu, tăng lượng hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường sắt…
Mặt hàng sầu riêng lo xuất khẩu gặp khó khăn. Trong ảnh: Vựa thu mua sầu riêng tại xã Phú An, H.Tân Phú. Ảnh: B.Nguyên |
Nhờ đó, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn được ổn định và có sự tăng trưởng. Theo Báo cáo của Bộ NN-PTNT, trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu nông sản đạt trên 17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong điều kiện dịch Covid-19, việc đẩy mạnh và tăng cường các kênh tiêu thụ tại thị trường nội địa có vai trò rất quan trọng. Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng trong điều kiện này, các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ tiêu thụ nông sản ở thị trường trong nước càng cần được chú trọng. Thời gian tới, Vụ Thị trường trong nước sẽ phối hợp với sở công thương các tỉnh, thành đánh giá sản lượng trái cây, nông sản ngay từ đầu vụ để có cơ sở tính toán kế hoạch tiêu thụ. Bộ Công thương cũng đã phối hợp với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan để hướng dẫn trong công tác vận chuyển, tiêu thụ nông sản trong vùng dịch, đảm bảo việc lưu thông hàng hóa của các vùng trồng, đặc biệt là các vùng nông sản có diện tích lớn, thu hoạch tập trung. “Thời gian qua, UBND các tỉnh, thành cũng chỉ đạo rất sát sao trong xây dựng kế hoạch, giải pháp tiêu thụ nông sản trong dịch Covid-19 vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa đảm bảo đầu ra cho nông sản, hạn chế tình trạng ùn ứ cục bộ như đã từng xảy ra” - ông Tuấn đánh giá.
Tại hội nghị trực tuyến Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện Covid-19 do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 14-5, bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc thường trực của Công ty CP Thương mại dịch vụ tổng hợp VinCommerce (TP.HCM) đã đưa ra kế hoạch của doanh nghiệp trong hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành tiêu thụ nông sản. Theo bà Phương, doanh nghiệp hiện có hơn 2,5 ngàn cửa hàng tiện lợi và các siêu thị trải dài trong cả nước. Nhằm hỗ trợ nông dân, HTX tại các tỉnh, thành tiêu thụ nông sản trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19, doanh nghiệp có các cơ chế, chính sách hỗ trợ mua nông sản cho các địa phương và cũng mong muốn kết nối với các địa phương trong tiêu thụ trái cây, thủy - hải sản được nhanh hơn.
Giá xoài tiếp tục giảm sâu do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn vì Covid-19. Trong ảnh: Nông dân tại xã Phú Cường (H.Định Quán) thu hoạch xoài cuối vụ |
Doanh nghiệp rất hoan nghênh chính sách của Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương là tập trung vào thị trường trong nước với 100 triệu dân sẽ giải quyết một phần rất lớn trong tiêu thụ nông sản. “Nhằm giảm giá thành vận chuyển, các siêu thị của chúng tôi ở tỉnh nào thì mua nông sản của tỉnh đó, tiêu thụ tại chỗ. Để cùng đồng hành với bà con nông dân, chúng tôi đang áp dụng không chiết khấu với các mặt hàng nông sản, đây là chính sách rất tốt mà lãnh đạo tập đoàn đã ban hành trong thời gian gần đây” - bà Phương nói.
Ngoài ra, từ địa phương đến Trung ương cũng đang tập trung xây dựng, triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ trái cây nói riêng, nông sản nói chung trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19. Cụ thể, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo và phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp chủ động, sáng tạo, linh hoạt điều chỉnh sản xuất, phương thức kinh doanh để vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản, vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Công thương và các địa phương theo dõi, bám sát tình hình giá cả, lưu thông hàng hóa, kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp, kế hoạch để vừa đẩy mạnh sản phẩm bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong nước, vừa thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu cả ở thị trường truyền thống lẫn thị trường mới, nhiều tiềm năng; trong đó, đặc biệt quan tâm việc xuất khẩu, lưu thông hàng hóa nông sản qua cửa khẩu biên giới Việt - Trung.
Tại hội nghị trực tuyến Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện Covid-19 diễn ra vào ngày 14-5, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cảnh báo, hiện dịch Covid-19 trên thế giới hết sức phức tạp, trong nước cũng đang tái xuất hiện. Thời điểm này, nhiều loại nông sản có tính thời vụ, nhất là mặt hàng trái cây tươi có sản lượng lớn sẽ tập trung thu hoạch trong thời gian ngắn. Theo đó, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ vào tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ NN-PTNT chủ trì phối hợp với Bộ Công thương và các bộ, ngành, địa phương phải đề ra các phương án, giải pháp thúc đẩy thương mại nông sản, tránh tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sự lưu thông và thị trường cả trong nước và xuất khẩu nông sản. |
Bình Nguyên
Giá xoài tiếp tục giảm sâu do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn vì Covid-19 Trong ảnh: Nông dân tại xã Phú Cường (H.Định Quán) thu hoạch xoài cuối vụ