Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN (gọi tắt là Thông tư 03) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN (gọi tắt là Thông tư 03) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Đồ họa thể hiện kết quả thực hiện các chương trình hỗ trợ tín dụng cho các khách hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gồm: số khách hàng và dư nợ được hỗ trợ theo các chương trình nói trên tính đến đầu tháng 3-2021. Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai - (Đồ họa: Hải Quân) |
* Doanh nghiệp mong tiếp tục được tái cơ cấu nợ
Đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhất là các DN chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19, việc tiếp cận được vốn vay ưu đãi, được hỗ trợ tín dụng phục vụ tái đầu tư sản xuất, kinh doanh sau 1 năm phải chống chọi với những tác động không nhỏ từ đại dịch Covid-19 là vô cùng cần thiết.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, thời gian gia hạn từ 3-8 tháng theo từng sắc thuế. Nghị định có hiệu lực từ ngày 19-4-2021. Việc gia hạn này là cần thiết trong bối cảnh các DN, cá nhân cần có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021. |
Lãnh đạo một công ty ngành bao bì cho hay, trong năm 2020, có nhiều tháng đơn vị bị “đứt” nguồn thu nhưng vẫn phải chi trả lương cho người lao động và chi trả công nợ cho các đối tác. Lãnh đạo của DN này chia sẻ phải cố gắng lắm mới xoay xở được trong tình hình khó khăn, cầu cứu đối tác thì một số cho giãn công nợ nhưng chỉ được một thời gian ngắn. “Cầu cứu” ngân hàng giãn nợ thì ngân hàng khuyên nên cố gắng… cầm cự, nếu đưa vào dạng giãn nợ thì đưa DN vào đối tượng nợ xấu, mà nợ xấu thì các quyền ưu tiên phải cắt hết. “Như vậy, lại càng mau “chết” hơn, buộc chúng tôi phải tự xoay xở” - vị giám đốc này thừa nhận.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tân Seiko (TP.Biên Hòa), DN công nghiệp hỗ trợ cung cấp các sản phẩm, chi tiết từ nhựa cho hay nhiều đối tác đã biết đến DN và đặt hàng sản phẩm. Vấn đề là để có thể tận dụng được lợi thế đó thì DN phải đầu tư mạnh vào nhà xưởng, máy móc, công nghệ nhưng cần số vốn rất lớn. DN mong muốn các điều kiện để tiếp cận vốn vay ngân hàng cũng như lãi suất vay được tiết giảm mạnh hơn. Chỉ có như vậy mới kích thích được DN mạnh dạn đầu tư, vực dậy sản xuất, nếu không sẽ phải tiếp tục cầm cự, chờ thời.
Tiếp cận vốn cũng là bài toán nan giải với Công ty TNHH Dương Đăng Phát chuyên sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho ngành chế biến gỗ. Từ cuối năm 2020 đến nay, DN nhỏ này đã phải từ chối một số đơn hàng vì sản xuất không kịp. Theo anh Dương Hải Đăng, Giám đốc công ty thì việc tìm kiếm mặt bằng mở rộng quy mô sản xuất rất cấp thiết đối với DN cả trước mắt lẫn lâu dài nhưng nguồn vốn thì đang thiếu.
Công ty TNHH Giấy Minh Cường Phát là đơn vị chuyên cung ứng các mặt hàng về giấy và bột giấy cho các ngành như: in ấn, bao bì, may mặc, tiêu dùng… Sau 17 năm hoạt động, công ty đã đứng vào hàng ngũ 10 nhà cung ứng giấy và bột giấy lớn trên thị trường Việt Nam. Nguồn hàng của công ty được nhập khẩu từ các nước: Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc, Chile, Mỹ… Đầu năm 2021, DN vừa khánh thành nhà máy mới tại Khu công nghiệp Amata. Ông Nguyễn Trí Minh, Tổng giám đốc công ty cho hay sẽ nỗ lực đầu tư thiết bị máy móc hiện đại, cải tiến mô hình sản xuất, áp dụng công nghệ, kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Vấn đề khó khăn nhất hiện nay của DN là nguồn nguyên liệu giấy khan hiếm, giá cả leo thang chóng mặt. Thậm chí, trong một tuần đã gia tăng vài mức giá, bên cạnh đó, việc vận chuyển rất khó khăn do thiếu container rỗng, giá vận chuyển đội lên gấp nhiều lần. Để tiếp tục phát triển ổn định, DN mong muốn bên cạnh chính sách về tài chính thì cần có tác động tích cực đến thị trường, thậm chí có giải pháp cấp bách nhằm bình ổn lại, giúp DN có điều kiện phát triển.
* Nhiều điểm mới trong Thông tư 03
Đối với ngành ngân hàng, trong thời gian qua, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh dòng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có các gói tín dụng, phương án hỗ trợ các DN, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, gói tín dụng hỗ trợ các khách hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong ảnh: Hoạt động kiểm đếm tiền mặt tại một chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Quân |
Mới đây nhất, vào đầu tháng 3-2021, NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đã có Văn bản số 327/ĐNA-TH yêu cầu giám đốc các TCTD trên địa bàn triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định…
Theo số liệu từ NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai về kết quả tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tính đến đầu tháng 3-2021, trên địa bàn tỉnh có 1.306 khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất vay với số tiền là 2.277 tỷ đồng. Trong đó, các TCTD trong tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 939 khách hàng với dư nợ 666 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất vay cho 379 khách hàng với dư nợ hơn 1,6 ngàn tỷ đồng.
Ngoài ra, các TCTD trong tỉnh còn cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23-1-2020 đến cuối tháng 2-2021 đạt hơn 121,9 ngàn tỷ đồng cho trên 27,6 ngàn khách hàng, lãi suất thấp hơn mức phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19.
Đặc biệt, với việc Thông tư 03 mới được NHNN ban hành trong tháng 4 vừa qua sẽ tiếp tục mở ra nhiều cơ hội để các DN có thể tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất phù hợp, tái cơ cấu thời hạn trả nợ… Thông tư này có nhiều điểm mới so với Thông tư số 01/2020/TT-NHNN trước đó vốn vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Thông tư 03 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17-5-2021.
Theo ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, Thông tư 03 có nhiều điểm mới. Trong đó, các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư của khoản nợ phát sinh trước ngày
10-6-2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến 31-12-2021.
Đồng thời, các TCTD được quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10-6-2020 từ hoạt động cấp tín dụng mà khách hàng phải trả trong 2 năm 2020-2021 nhưng không có khả năng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng được thực hiện đến ngày 31-12-2021.
Về việc giữ nguyên nhóm nợ, theo thông tư này, các TCTD được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định tại thời điểm gần nhất trước ngày 23-1-2020 đối với số dư của khoản nợ phát sinh trước ngày 23-1-2020 thuộc diện được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, bao gồm cả phần dư nợ đã cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và điều chỉnh nhóm nợ theo quy định trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày 29-3-2020. Ngoài ra, các TCTD cũng được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi của khoản nợ phát sinh từ ngày 23-1-2020 đến trước 10-6-2020 theo quy định.
“Đặc biệt, Thông tư 03 còn bổ sung quy định trích lập dự phòng rủi ro. Các TCTD phải trích lập số tiền dự phòng cụ thể đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại đối với phần được giữ nguyên nhóm nợ và kết quả phân loại đối với dư nợ còn lại của khách hàng. Trường hợp số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung dương thì TCTD phải trích bổ sung theo lộ trình trong 3 năm và đến cuối năm 2023, trích đầy đủ 100%” - ông Phạm Quốc Bảo nhấn mạnh.
Hải Quân - Vương Thế