Từ lâu nay, Đồng Nai được đánh giá là một trong những địa phương có trữ lượng khoáng sản lớn ở Đông Nam bộ, với chủng loại khá phong phú về đá xây dựng, đất sét, vật liệu san lấp...
Từ lâu nay, Đồng Nai được đánh giá là một trong những địa phương có trữ lượng khoáng sản lớn ở Đông Nam bộ, với chủng loại khá phong phú về đá xây dựng, đất sét, vật liệu san lấp...
Theo đánh giá của Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam, trữ lượng đá xây dựng ở Đồng Nai hiện rất lớn, không những đáp ứng nhu cầu sử dụng trong tỉnh mà còn có thể cung cấp cho các khu vực lân cận như TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Chỉ xét riêng mặt hàng đá xây dựng của Đồng Nai cũng đã nhiều năm tạo được thương hiệu trên thị trường, đóng góp khá lớn vào triển khai các dự án lớn, đem lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, Đồng Nai còn có tiềm năng lớn về các loại đất sét trong sản xuất gạch ngói, đất làm vật liệu san lấp, cát xây dựng…
Tuy nhiên, việc khai thác một cách hợp lý và hiệu quả nguồn khoáng sản tại Đồng Nai là rất cần thiết, thậm chí là khá bức thiết trong bối cảnh nhiều dự án lớn của tỉnh và quốc gia đang được triển khai rộng rãi tại nhiều địa phương trong tỉnh, cần đến các nguồn cung ứng lớn về đá xây dựng, cát, vật liệu san lấp. Điển hình như dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hiện đang có nguy cơ chậm tiến độ do nguồn cung ứng vật liệu của địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là đất đắp nền đường. Tháng 3-2021, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính cấp phép hoạt động khai thác vật liệu san lấp để phục vụ thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan rà soát bỏ bớt các thủ tục không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nhưng vẫn đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên.
Thực tế, từ năm 1998 đến nay, tỉnh đã xây dựng quy hoạch khai thác khoáng sản và các dự án được cấp phép dựa trên quy hoạch rõ ràng. Quy hoạch này liên tục được cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa để phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn, phù hợp với trữ lượng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do có sự chồng chéo giữa Luật Đất đai và Luật Khoáng sản; do chưa đồng bộ khu vực khai thác khoáng sản với các quy hoạch như: giao thông, xây dựng, đất đai nên việc cấp phép, quản lý khai thác và bảo vệ môi trường đối với một số dự án còn bất cập. Chưa kể, nhiều mỏ khai thác đá trên địa bàn tỉnh đa phần vẫn đang áp dụng các công nghệ khai thác truyền thống, khai thác lộ thiên, khai thác hở, nổ mìn khai thác đá…, gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí, nước, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân quanh vùng khai thác.
Chính vì vậy, trong giai đoạn tới, việc xây dựng quy hoạch khai thác khoáng sản và quản lý khai thác vật liệu san lấp cần phải được nghiên cứu kỹ càng, nhằm mục đích khai thác một cách bền vững, khai thác đi đôi với phục hồi môi trường. Có như thế mới đạt được sự hài hòa giữa khai thác khoáng sản, giữ gìn môi trường sống và phát triển kinh tế.
Vi Lâm