Bến xe khách không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại an toàn cho người dân, đầu mối kết nối các tuyến vận tải, mà còn phản ánh mức độ văn minh, lịch sự tại địa phương
Bến xe khách không chỉ có chức năng phục vụ nhu cầu đi lại an toàn cho người dân, đầu mối kết nối các tuyến vận tải mà còn phản ánh mức độ văn minh, lịch sự thông qua chất lượng các dịch vụ hỗ trợ vận tải hành khách công cộng. Do đó, công tác quản lý hoạt động các bến xe khách cần được thực hiện chặt chẽ, phù hợp với nhu cầu vận tải đang ngày càng phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Lực lượng chức năng xử lý xe khách dừng đón, trả khách không đúng nơi quy định trên quốc lộ 20 (H.Thống Nhất). Ảnh: Võ Nguyên |
[links()]* Nâng cao chất lượng hoạt động
Theo Thông tư số 73/2015/TT-BGTVT ngày 11-11-2015 quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách năm 2015 do Bộ trưởng GT-VT ban hành thì bến xe khách được phân thành 6 loại. Thông tư 73 cũng quy định các hạng mục công trình tương ứng với từng loại bến xe khách và phải đảm bảo các yêu cầu sau: diện tích mặt bằng, bãi đậu xe ô tô chờ vào vị trí đón khách, đường dẫn từ phòng chờ cho hành khách đến các vị trí đón, trả khách, hệ thống cung cấp thông tin, hệ thống kiểm soát xe ra vào bến… Tuy nhiên, nhiều bến xe trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng đủ các tiêu chí này.
Ông Tống Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Bến xe và dịch vụ vận tải Đồng Nai cho biết, đơn vị đang quản lý 5 bến xe gồm: Bến xe Đồng Nai, Bến xe Long Khánh, Bến xe Tân Phú, Bến xe Dầu Giây và Bến xe Nhơn Trạch. Đa số các bến này có cơ sở vật chất lỗi thời, lạc hậu; mô hình hoạt động nghèo nàn nên không tận dụng được các lợi thế, dẫn đến chưa thu hút khách sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng thanh tra giao thông đã lập biên bản xử phạt đối với gần 200 trường hợp vi phạm về các lỗi: đón, trả khách không đúng nơi quy định, không đóng cửa lên xuống khi xe đang chạy, chở quá số người quy định… |
Để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động của bến xe ô tô khách không còn cách nào khác là nâng cao chất lượng của các bến xe bằng việc xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại và tiện lợi. Công ty CP Bến xe và dịch vụ vận tải Đồng Nai đang quy hoạch lại và từng bước xây dựng một số bến xe hoạt động hiện đại bao gồm: văn phòng làm việc, điều hành bến xe kết hợp với các dịch vụ thương mại tích hợp để phục vụ hành khách và phương tiện theo đúng quy định của Bộ GT-VT.
Ông Lê Văn Đức, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện Sở GT-VT cho hay, thời gian qua, hoạt động vận tải (bao gồm cả bến xe khách) chịu nhiều tác động của dịch Covid-19 cũng như trên thị trường xuất hiện các loại hình vận tải mới. Vì vậy, hoạt động của các bến xe khách còn nhiều hạn chế, bất cập.
Theo ông Đức, Sở GT-VT sẽ sớm làm việc với chủ đầu tư các bến bãi để cải thiện môi trường kinh doanh trong bến xe, đa dạng và thu hút các hoạt động dịch vụ. Đồng thời, tạo điều kiện để đấu nối các tuyến vận tải, chấn chỉnh những bất cập tại các bến, từng bước thay đổi, nâng cao chất lượng của các bến xe khách.
* Quản lý chặt chẽ
Ngày 29-5-2020, Bộ GT-VT ban hành Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, tất cả các bến xe khách phải thực hiện quản lý, áp dụng thông tin từ phần mềm quản lý bến xe khách. Theo đó, thông tin hoạt động tại bến xe khách sẽ được cập nhật liên tục giữa các bến xe và được truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Phần mềm sẽ tự động tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu, thống kê, báo cáo dữ liệu về hoạt động của từng bến cũng như toàn bộ các bến xe khách trong toàn quốc. Các đơn vị sẽ phải cập nhật về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam lịch xe xuất bến của toàn bộ các tuyến; danh sách doanh nghiệp, HTX hoạt động trên từng tuyến tại bến; biển số xe của từng loại phương tiện; giá vé và mức chất lượng dịch vụ đã đăng ký.
Tại Đồng Nai, đến nay các bến xe trong tỉnh đã tiến hành trang bị các phần mềm quản lý bến xe và truyền tín hiệu hoạt động về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Toàn bộ xe khách ra, vào bến sẽ được camera tự động chụp lại, hình ảnh được truyền về phòng dữ liệu, chuyển hóa thành số liệu. Xe khách nào không có giấy phép hoạt động ở bến, xe hết hạn kinh doanh ra vào bến sẽ được nhận diện ngay sau đó. Qua đó, góp phần ngăn chặn các vi phạm, đưa hoạt động của các bến xe vào nền nếp.
Bên cạnh quản lý chặt chẽ các bến xe khách, nhiều doanh nghiệp, địa phương cũng lo lắng về vấn nạn “xe dù”, “bến cóc” còn tồn tại sẽ gây khó khăn cho việc vận hành của bến xe. Các phương tiện xe buýt, xe taxi, hoạt động còn lộn xộn; tình trạng lái xe, phụ xe, “cò xe” tranh giành, lôi kéo khách chưa được xử lý dứt điểm khiến tình hình trật tự, an toàn giao thông trước khu vực bến xe không đảm bảo.
Liên quan đến vấn đề này, Chánh Thanh tra giao thông (Sở GT-VT) Nguyễn Phan Trong khẳng định, sẽ thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra việc xử lý phương tiện dừng, đón trả khách không đúng nơi quy định, hoạt động trá hình, từ đó hình thành “bến cóc” trên các tuyến đường.
Võ Nguyên