Sự bùng phát của dịch Covid-19 tiếp tục đặt ra bài toán khó cho việc ổn định thị trường tiêu thụ nông sản...
Sự bùng phát của dịch Covid-19 tiếp tục đặt ra bài toán khó cho việc ổn định thị trường tiêu thụ nông sản. Trong đó, những giải pháp linh hoạt để nông sản có thể lưu thông, tiêu thụ thuận lợi, thích ứng với bối cảnh dịch bệnh bùng phát được đặc biệt quan tâm.
Đóng gói chuối xuất khẩu tại HTX Dịch vụ thương mại - nông nghiệp Quyết Tiến (xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ). Ảnh: L.Q |
[links()]Ngoài ra, doanh nghiệp, HTX, nông dân cũng rất quan tâm đến các cơ chế, chính sách thúc đẩy toàn diện tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ về thuế, tín dụng cho khu vực sản xuất, bảo quản, chế biến và xuất khẩu nông sản; trong đầu tư hạ tầng logistics…
* Cần làm thông thoáng kênh xuất khẩu
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700 ngàn palet và hàng ngàn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ chủ yếu là xuất khẩu. Tuy nhiên, số lượng này chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu.
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu chính các loại nông sản của Việt Nam, nhất là mặt hàng trái cây tươi nên việc thông thương xuất khẩu vào thị trường này cần được quan tâm. Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trước đây từng xảy ra trường hợp ách tắc cục bộ các xe chở nông sản tại một số cửa khẩu ở biên giới Trung Quốc. Việc điều phối hàng hóa giữa các địa phương, các doanh nghiệp với các tỉnh biên giới để xuất khẩu sang Trung Quốc là vấn đề cần giải quyết. Hiện có những ngày có từ 300-400 xe từ các địa phương đến các cửa khẩu biên giới nên cần sự điều tiết. “Các bộ, ngành cần ngồi lại với nhau xây dựng kịch bản rất cụ thể trong việc tổ chức kết nối cũng như công tác phối hợp trong điều tiết được lượng hàng đưa lên cửa khẩu, tránh thiệt hại. Bởi, nếu đưa lên mà để chờ lâu quá thì sẽ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp” - ông Chinh nói.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ sẽ đề nghị các cơ quan chức năng của Trung Quốc có những biện pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời cũng như cùng phối hợp hỗ trợ tạo thuận lợi nhất để thúc đẩy thương mại hàng hóa; có thể thành lập đường dây nóng tại cửa khẩu Nam Ninh để kịp thời giải quyết những khó khăn khi phát sinh. Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công thương và Bộ Tài chính thành lập tổ công tác liên ngành để giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến sản xuất và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là ở các cửa khẩu biên giới.
* Cần giải pháp dài hạn
Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Bộ NN-PTNT đề xuất các địa phương, nhất là các địa phương có vùng nguyên liệu lớn sắp vào vụ thu hoạch phải bám sát chỉ đạo sản xuất, xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, nông dân, HTX và doanh nghiệp đẩy nhanh tiêu thụ nông sản, không để tình trạng ứ đọng hàng hóa cục bộ. Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao có thông tin kịp thời về thị trường tiêu thụ và những điều chỉnh mới trong các chính sách nhập khẩu ở các nước để trong nước chủ động thích ứng, nhất là trong diễn biến dịch Covid-19.
Góp ý để nông sản có thể lưu thông thuận lợi trong bối cảnh Covid-19 hiện nay, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến - phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) chỉ ra những khó khăn cần khắc phục như: cần hỗ trợ về tài chính, các gói hỗ trợ cần làm sao cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận dễ hơn; gỡ khó chi phí lưu kho, nhất là kho lạnh tăng cao do gián đoạn thương mại; hệ thống logistics và kho lạnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu về khối lượng của các địa phương; cơ chế vận hành, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ cần chặt chẽ hơn…
Chính các doanh nghiệp, HTX cũng chủ động dự báo tình hình và tìm được giải pháp vẫn ổn định sản xuất, thậm chí tăng trưởng tốt trong điều kiện thị trường nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) cho hay, năm 2020, thị trường xuất khẩu nông sản đối mặt không ít khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng HTX vẫn tăng trưởng xuất khẩu. Năm 2021, HTX Thanh Bình có nhiều đơn hàng xuất khẩu với sản lượng lớn và đã bắt đầu xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Điều quan trọng nhất giúp HTX chủ động được hoạt động kinh doanh, sản xuất trong điều kiện thị trường biến động do dịch bệnh là đã đầu tư được nhà sơ chế, chế biến và hệ thống kho lạnh bảo quản. HTX đang tiếp tục đa dạng các sản phẩm chế biến hướng đến quy trình chế biến khép kín hầu như không bỏ một bộ phận nào của cây chuối nhằm giúp tăng giá trị của cây trồng này, đồng thời HTX cũng chủ động hơn về thị trường tiêu thụ.
Lê Quyên