So với quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) đến năm 2020 và kế hoạch SDĐ năm 2016-2020 của Đồng Nai đã được Chính phủ phê duyệt thì nhiều chỉ tiêu về đất đai tỉnh không đạt.
So với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm 2016-2020 của Đồng Nai đã được Chính phủ phê duyệt thì nhiều chỉ tiêu về đất đai tỉnh không đạt. Đơn cử chuyển đổi đất cây lâu năm, đất công nghiệp, thương mại dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật... đều thấp hơn chỉ tiêu quy hoạch.
Dự án Đường ven sông Đồng Nai (TP.Biên Hòa) chưa khởi công được là do vướng về đất đai. Ảnh: KHÁNH MINH |
Nguyên nhân dẫn đến Đồng Nai không hoàn thành các chỉ tiêu về đất đai theo quy hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt là do những vướng mắc trong Luật Đất đai năm 2013, các nghị định, thông tư chưa được tháo gỡ, thiếu vốn để triển khai dự án. Do đó, nhiều dự án, công trình chưa thực hiện được khiến việc chuyển đổi đất đai theo quy hoạch không đạt.
* Chưa chuyển đổi hơn 21 ngàn ha đất nông nghiệp
Chỉ tiêu quy hoạch được duyệt đến năm 2020, Đồng Nai còn 435.990ha đất nông nghiệp, nhưng đến nay, tỉnh vẫn còn 457.126ha, cao hơn 21.136ha so với chỉ tiêu.
Nguyên nhân là do nhiều dự án phi nông nghiệp dự kiến thực hiện trong kỳ quy hoạch nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện chuyển đổi xong như: dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết; dự án Khu công nghiệp (KCN) công nghệ cao Long Thành; dự án KCN Cẩm Mỹ; dự án KCN Gia Kiệm; dự án KCN Ông Kèo; dự án Cụm công nghiệp Đô Thành, Phước Tân, Bàu Trâm; dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước 2; dự án Khu du lịch sinh thái Long Tân; dự án Khu dân cư sân golf Phước Bình... Trong diện tích đất nông nghiệp chưa chuyển đổi được để làm dự án gồm có đất lúa, đất trồng cây lâu năm, cây hằng năm, nuôi trồng thủy sản, đất rừng.
Theo chỉ tiêu quy hoạch đến năm 2020, Đồng Nai sẽ còn hơn 28 ngàn ha cây hằng năm, nhưng đến nay vẫn còn 34.431ha, cao hơn 6.381ha so với chỉ tiêu được duyệt. Nguyên nhân do nhiều công trình, dự án phi nông nghiệp có sử dụng đất cây hằng năm chưa được triển khai. |
Ông Nguyễn Hồng Quế, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh cho rằng, tính liên kết, đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng, quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới, quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có sử dụng đất vẫn còn một số nội dung chưa đồng bộ, dẫn đến nhiều dự án, công trình không thể triển khai, phải mất thời gian điều chỉnh. Nguyên nhân là do việc lập quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch ngành ở những thời điểm khác nhau. Mặc dù trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất, các cơ quan đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, nhưng khi thực hiện vẫn phát sinh những bất cập cần điều chỉnh. Ngoài ra, một số ngành hằng năm đều có điều chỉnh bổ sung (điều chỉnh cục bộ) dẫn đến chưa có trong quy hoạch sử dụng đất mà quy hoạch sử dụng đất chỉ được điều chỉnh 5 năm một lần.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi đất đai chậm so với chỉ tiêu quy hoạch còn do các địa phương cân đối lại nguồn vốn, tập trung cho một số xã điểm, chưa vận động xã hội hóa để triển khai dự án. Mặt khác, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn nên thay đổi địa điểm đầu tư dẫn đến chưa thực hiện các thủ tục về đất đai.
* Dự báo chưa sát thực tế phát triển
Đồng Nai là nơi có tốc độ phát triển kinh tế nhanh trong khi quy hoạch sử dụng đất dự báo chưa chính xác, thiếu đồng bộ với quy hoạch của các ngành. Cụ thể là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dựa trên các dự báo về phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tổng hợp cân đối nhu cầu sử dụng đất của các ngành các cấp. Trong khi đó, việc dự báo nhu cầu sử dụng đất của các ngành, các cấp còn hạn chế, độ chính xác chưa cao nên việc xác định các chỉ tiêu sử dụng đất của cùng một giai đoạn không thống nhất.
Bên cạnh đó, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn thiếu các giải pháp có tính khả thi như: không cân đối đủ nguồn vốn cho xây dựng hạ tầng, sự bất cập trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất dẫn đến các công trình, dự án thường kéo dài tiến độ thực hiện hoặc một số dự án sau khi giải phóng mặt bằng còn chậm triển khai thực hiện các hạng mục tiếp theo. Do đó, trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, tỉnh dự tính sẽ khắc phục và hạn chế tình trạng vênh nhau trong quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch ngành khác.
Thời gian qua, khi làm việc với các địa phương trong tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đều nhấn mạnh, lấy quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 làm nền để cập nhật đồng nhất các quy hoạch khác. Các huyện, TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh phải rà soát lại quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành để có những điều chỉnh cho phù hợp, tránh xảy ra những trường hợp khi các công trình, dự án đưa vào triển khai không phù hợp về quy hoạch phải điều chỉnh. Có nhiều dự án đã chậm tiến độ do quy hoạch vênh nhau, chủ đầu tư mất rất nhiều thời gian chờ điều chỉnh quy hoạch cho thống nhất mới triển khai tiếp được. “Trong giai đoạn tới, các quy hoạch sẽ được cập nhật vào quy hoạch chung của tỉnh, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, những quy hoạch ngành khác rất khó khăn. Vì thế, trong quy hoạch sử dụng đất cho 10 năm tới các địa phương phải dự báo sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội để đề xuất các công trình, dự án cho phù hợp. Nếu để xảy ra các công trình, dự án có quy hoạch bị lệch nhau phải điều chỉnh UBND tỉnh sẽ xử lý nghiêm” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.
Khánh Minh