Chủ đề của Tháng Hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2021 là: Đảm bảo an toàn thực phẩm, chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới. Tuy nhiên, đáng tiếc là mới đây, tại H.Vĩnh Cửu lại xảy ra vụ 6 trẻ em bị ngộ độc thực phẩm,...
Chủ đề của Tháng Hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2021 (từ ngày 15-4 đến 15-5) là: Đảm bảo an toàn thực phẩm, chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới.
Một bệnh nhi bị ngộ độc thực phẩm nặng đang được lọc máu tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG |
[links()]Tuy nhiên mới đây, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận chùm ca bệnh ngộ độc thực phẩm đáng tiếc tại TT.Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu) gồm 6 trẻ bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 1 trẻ đã tử vong.
* 6 anh chị em cùng bị ngộ độc thực phẩm
BS Phạm Thị Kiều Trang, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, ngày 4-5, bệnh viện tiếp nhận chùm ca ngộ độc thực phẩm gồm 6 bệnh nhi từ 6-10 tuổi, ngụ TT.Vĩnh An.
Theo lời kể của người nhà, buổi sáng hôm nhập viện, các bé cùng ăn món bánh mì. Trong bánh mì gồm có pate, chà bông. Khoảng 12 giờ trưa, cả nhà 8 người (gồm 2 người lớn và 6 trẻ con) ăn cơm do người nhà nấu có các món: canh mồng tơi nấu tôm, thịt bò xào hành tây, bò nấu lagu. Sau ăn 15 phút, các bé lần lượt có các biểu hiện của ngộ độc thực phẩm như nôn ói. Trong số 2 người lớn cùng ăn cơm có 1 người cũng có biểu hiện nôn ói, tiêu chảy, người còn lại không có biểu hiện gì. 2 trong số 6 bé có biểu hiện co giật được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Khi đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, diễn tiến bệnh xấu, 2 bé rơi vào suy hô hấp, phải thở máy, được lọc máu, thay huyết tương. Mặc dù đã được bác sĩ dốc sức cứu chữa nhưng do tình trạng bệnh quá nặng, suy đa cơ quan, tổn thương tim, tổn thương đường dẫn truyền của tim nên bé T.A, (6 tuổi) đã tử vong vào ngày 5-5. Bé H.H.Đ. đang tiếp tục được lọc máu tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc. Trong 4 bé còn lại có 1 bé hiện nhịp tim vẫn còn chậm, 3 bé sức khỏe dần ổn định, đã được chuyển xuống trại thường để theo dõi, chăm sóc.
Theo BS Trang, từ đầu năm đến nay, đây là chùm ca bệnh ngộ độc thực phẩm nặng đầu tiên mà bệnh viện tiếp nhận, điều trị. Từ khi tiếp nhận các ca bệnh ngộ độc thực phẩm, các bác sĩ của bệnh viện liên tục hội chẩn với các bác sĩ của Trung tâm chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP.HCM, các chuyên gia đầu ngành để đưa ra hướng điều trị tốt nhất cho các bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân đang phải lọc máu.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của tỉnh kiểm tra đột xuất công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP.Biên Hòa |
Chị Lê Thúy Hương, mẹ của 2 bé 9 tuổi và 10 tuổi bị ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, các bé tập trung đến nhà ông bà chơi. Người lớn đã mua bánh mì cho các bé cùng ăn sáng. Tiệm bánh mì này đã có từ nhiều năm nay, nhiều người sinh sống trên địa bàn cùng ăn nhưng chỉ có những bé trong gia đình chị bị ngộ độc. Gia đình hiện cũng chưa thể biết chính xác nguyên nhân ngộ độc là do món ăn nào.
Liên quan đến chùm ca bệnh ngộ độc thực phẩm này, ông Nguyễn Đình Minh, Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã đến bệnh viện để nắm tình hình. Đồng thời, lấy và gửi các mẫu bánh mì, chà bông, bơ đến Viện Y tế công cộng TP.HCM để tiến hành xét nghiệm tìm nguyên nhân. Khi có kết quả, cơ quan chức năng sẽ thông báo rộng rãi để người dân được biết.
* Vẫn phát hiện lỗi vi phạm
Vừa qua, các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra đột xuất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tỉnh. Qua kiểm tra, bên cạnh những cơ sở thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm, vẫn còn có cơ sở vi phạm.
Cụ thể, đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của tỉnh do bà Hoàng Diễm Châu, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Phó trưởng đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại Công ty TNHH Bò Cạp Vàng (ấp 3, xã Phước Khánh, H.Nhơn Trạch).
Kết quả kiểm tra cho thấy, Công ty TNHH Bò Cạp Vàng đang kinh doanh dịch vụ ăn uống, bình quân phục vụ khoảng 1 ngàn thực khách/tháng. Bếp ăn của công ty được phân chia thành từng khu vực sơ chế và chế biến thực phẩm. Công ty có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống còn hiệu lực. Cơ sở hạ tầng thoáng, có trang bị đầy đủ thiết bị, dụng cụ để chế biến thực phẩm. Chủ cơ sở và nhân viên trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm được xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm.
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh khảo sát, kiểm tra các sạp hàng thực phẩm khô, tạp hóa tại chợ Long Thành trong đợt cao điểm khảo sát, kiểm tra thị trường hàng hóa đầu năm 2021 Ảnh: LAM PHƯƠNG |
Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, cơ sở chưa xuất trình được một số giấy tờ như: giấy khám sức khỏe của chủ cơ sở và nhân viên trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm; các hóa đơn và hợp đồng mua các loại thực phẩm tươi sống, nguyên liệu thực phẩm khô, gia vị đầu vào; kết quả kiểm nghiệm mẫu nước giếng khoan dùng để sơ chế, chế biến thực phẩm. Cống rãnh thoát nước thải tại khu vực chế biến thực phẩm bị ứ đọng, không được che kín.
Đoàn kiểm tra đã kiến nghị cơ sở khép kín hệ thống rãnh thoát nước tại khu vực chế biến thực phẩm để tránh ứ đọng rác thải; đồng thời, khẩn trương gửi các giấy tờ, hóa đơn còn thiếu về Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh.
Bà Hoàng Diễm Châu cho hay, trước đó, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra địa điểm kinh doanh chi nhánh Công ty CP Thương mại Bách Hóa Xanh, đóng ở xã Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch). Qua kiểm tra cho thấy, cơ sở thực hiện khá tốt các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đoàn kiểm tra đã đề nghị cơ sở thường xuyên rà soát hạn sử dụng của các sản phẩm đang kinh doanh, đặc biệt là đối với các sản phẩm có hạn sử dụng ngắn ngày để không xảy ra tình trạng bán hàng quá hạn sử dụng. Đồng thời, duy trì các điều kiện kinh doanh hiện có tại cơ sở, duy trì điều kiện bảo quản sản phẩm, xử lý và tiêu hủy sản phẩm theo quy định về môi trường.
* Sáng suốt lựa chọn thực phẩm sạch
Thời gian qua, ở một số tỉnh, thành trong cả nước ghi nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc botulinum. Trong đó, có những trường hợp nặng đã tử vong, nhiều trường hợp khác để lại di chứng lâu dài, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh bị ngộ độc do độc tố botulinum thường có những biểu hiện như buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, liệt theo trình tự bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ lan xuống hai tay, sau đó tới hai chân, liệt các cơ hô hấp; liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân gây tử vong. Loại độc tố này không bị loại bỏ dù đun sôi thông thường.
Do đó, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải lưu ý để đảm bảo an toàn, phòng ngộ độc, đặc biệt là những cơ sở sản xuất quy mô nhỏ hoặc hộ gia đình. Người dân không nên cho thực phẩm vào đóng gói kín, không đủ điều kiện tiệt trùng. Bởi khi đó, nguy cơ ngộ độc độc tố botulinum rất lớn do độc tố này được sinh ra trong môi trường yếm khí, khi dụng cụ bao gói không đảm bảo an toàn.
Người dân cần nghiêm túc thực hiện ăn chín, uống chín, chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.
BS Phạm Thị Kiều Trang, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai nhấn mạnh, người dân cần nâng cao ý thức sử dụng thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người thân trong gia đình. Với thời tiết nắng nóng như hiện nay, người dân cần lưu ý đến khâu bảo quản thực phẩm. Trước khi sử dụng thực phẩm cần kiểm tra màu sắc, mùi vị. Nếu có dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm như ói, tiêu chảy, sốt, lơ mơ, co giật, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.
Ông Nguyễn Đình Minh, Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho hay: “Theo kế hoạch thanh, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm trong Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021, đối tượng được thanh, kiểm tra trên địa bàn tỉnh là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Trong đó, các đoàn kiểm tra của tuyến tỉnh sẽ tập trung thanh, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Các đoàn kiểm tra tuyến huyện, xã thực hiện kiểm tra đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong quá trình thanh, kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành của tuyến trên sẽ làm việc với Ban chỉ đạo bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của tuyến dưới để nắm bắt tình hình công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn, triển khai các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm và công tác thanh, kiểm tra”. |
Hạnh Dung