Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếp tục mở rộng thị phần ở các nước

04:04, 21/04/2021

Ngành Gỗ Việt Nam mặc dù đã xuất khẩu sản phẩm sang hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhưng lại tập trung vào một vài thị trường, mức độ rủi ro rất lớn...

Ngành Gỗ Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm sang hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu lại tập trung vào một vài thị trường, dẫn đến mức độ rủi ro rất lớn. Do đó, mở rộng thị phần tại các nước sẽ giúp các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu bền vững hơn.

Công ty TNHH Hố Nai (TP.Biên Hòa) chuyên sản xuất các loại bàn ghế xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Ảnh: Khánh Minh
Công ty TNHH Hố Nai (TP.Biên Hòa) chuyên sản xuất các loại bàn ghế xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Ảnh: Khánh Minh

Theo Bộ Công thương, 5 thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Trung Quốc. Các thị trường trên chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành Gỗ, riêng thị trường Hoa Kỳ chiếm gần 60%.

* Tập trung cho thị trường Hoa Kỳ

Gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu vào Hoa Kỳ và đây cũng là thị trường có mức tăng trưởng cao trong năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021. Với Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ vào Hoa Kỳ trong quý I-2021 là 319,5 triệu USD, chiếm gần 72%, tăng 46,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vào Hoa Kỳ cao hơn bình quân chung cả nước gần 12%.

Theo các chuyên gia kinh tế, hàng hóa xuất khẩu tập trung quá lớn vào một thị trường mức độ rủi ro sẽ cao hơn. Vì khi xảy ra những sự cố, hàng hóa không xuất khẩu được sẽ bị tồn đọng số lượng lớn, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh của DN.

Ông Lục Văn Thủy, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết: “Đồng Nai đã bán hàng qua hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhưng vẫn tập trung vào một vài thị trường lớn. Hiện Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của Đồng Nai, chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Riêng gỗ và sản phẩm gỗ có đến gần 2/3 sản lượng xuất khẩu được bán qua Hoa Kỳ. Tỉnh hỗ trợ DN đa dạng thị trường xuất khẩu và mở rộng thị phần ra các nước, tránh lệ thuộc vào một vài thị trường”.

Sản phẩm gỗ của Đồng Nai được các đối tác Hoa Kỳ nhập khẩu nhiều chứng tỏ năng lực của DN trên địa bàn tỉnh khá cao, vì  thị trường này đòi hỏi mẫu mã, chất lượng sản phẩm tương đối khắt khe. DN xuất được gỗ và sản phẩm gỗ vào Hoa Kỳ sẽ dễ dàng đáp ứng được những đơn hàng của các nước khác.

Ông Nguyễn Thành Nhân, chủ Cơ sở Gỗ mỹ nghệ Thành Nhân ở xã Bình Minh (H.Trảng Bom) chia sẻ: “Trước đây, sản phẩm gỗ mỹ nghệ của cơ sở có hơn 90% bán cho các đối tác tại Hoa Kỳ. Sau đó, cơ sở đã mở rộng tiêu thụ sang hơn 10 nước khác rất thuận lợi, vì khách hàng thấy cơ sở đã từng thực hiện nhiều đơn hàng cho DN ở Hoa Kỳ nên tin tưởng hơn”. Vừa qua, Cơ sở Gỗ mỹ nghệ Thành Nhân phải từ chối bớt đơn đặt hàng của DN nước ngoài vì không đủ khả năng đáp ứng do thiếu lao động có tay nghề.

* “Xóa bỏ” nhiều cách trở, giữ chuỗi liên kết thông suốt

Sở dĩ, hơn 1 năm qua, ngành Gỗ Việt Nam vượt qua được khó khăn và có sự bứt phá mạnh mẽ là do các DN kịp thời chuyển đổi từ hình thức giao thương trực tiếp sang giao thương trực tuyến. Do đó, ngành Gỗ trong nước và thế giới vẫn giữ được sự liên thông, ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự cách trở do dịch bệnh, địa giới hành chính dần được xóa bỏ, các tập đoàn đa quốc gia thông qua phương thức trực tuyến tìm được các DN cung ứng gỗ và sản phẩm gỗ tại Việt Nam.

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn, các DN ngành Gỗ Việt Nam đã dần xóa bỏ được địa giới hành chính trong giao thương với các nước nhờ trao đổi trực tuyến. Do đó, dù dịch bệnh Covid-19 xảy ra, nhưng ngành Gỗ trong nước ít phải chịu tác động tiêu cực, dự tính năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 15 tỷ USD. “Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do với nhiều nước trên thế giới, các DN ngành Gỗ nên chú ý đến lộ trình xóa bỏ thuế quan để có kế hoạch tăng thị phần ở những thị trường trên. Bên cạnh đó, DN chú ý đến nguồn gốc hợp pháp của nguyên liệu gỗ để tránh những rủi ro, do nhiều nước nhập khẩu sản phẩm gỗ yêu cầu rất nghiêm ngặt về nguồn gốc gỗ” - Thứ trưởng thường trực Bộ
NN-PTNT Hà Công Tuấn lưu ý.

Trong cơ cấu ngành Gỗ, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm tỷ lệ từ 60-70% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Các DN nước ngoài trên lĩnh vực gỗ, sản phẩm gỗ thường tiếp cận, ứng dụng khá nhanh các tiến bộ khoa học trong sản xuất, kinh doanh, góp phần giúp ngành Gỗ trong nước phát triển. Đồng thời, thúc đẩy những DN gỗ có vốn đầu tư trong nước, tái cơ cấu bắt kịp tình hình phát triển chung để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, việc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các đối tác quốc tế rất khó khăn. Vì thế, Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với các hiệp hội ngành hàng trong nước, thế giới xúc tiến thương mại trực tuyến để cung - cầu hàng hóa không gặp trở ngại.

Khánh Minh

Tin xem nhiều