So với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, Đồng Nai có hệ thống y tế ngoài công lập phát triển khá mạnh với 6 bệnh viện, hơn 70 phòng khám đa khoa và hàng trăm cơ sở khám chữa bệnh, dịch vụ y tế tư nhân do bác sĩ, dược sĩ đứng tên ở khắp các địa phương trong tỉnh.
So với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, Đồng Nai có hệ thống y tế ngoài công lập phát triển khá mạnh với 6 bệnh viện, hơn 70 phòng khám đa khoa và hàng trăm cơ sở khám chữa bệnh, dịch vụ y tế tư nhân do bác sĩ, dược sĩ đứng tên ở khắp các địa phương trong tỉnh. Điều này đã góp phần rất lớn trong việc chia sẻ gánh nặng với hệ thống y tế công lập trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân song cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý.
Thực tế hoạt động của các cơ sở hành nghề y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, hầu hết các cơ sở chấp hành khá tốt các quy định của pháp luật. Đặc biệt, các bệnh viện tư nhân ngày càng có nhiều cải tiến, đổi mới trong quy trình khám chữa bệnh, trang bị thiết bị y tế hiện đại, tay nghề bác sĩ nâng cao đã và đang tạo được uy tín, trở thành lựa chọn của người dân khi chăm sóc sức khỏe. Nhiều phòng khám đa khoa tư nhân có lượng bệnh nhân đông đảo do tạo dựng được thương hiệu riêng từ chính hiệu quả hoạt động của mình. Ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, các cơ sở y tế tư nhân đã góp phần quan trọng trong công tác khám và điều trị ban đầu cho người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở hoạt động đúng quy định vẫn còn không ít cơ sở thường xuyên mắc những lỗi vi phạm, thậm chí bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn "chứng nào tật nấy". Lỗi dễ thấy nhất là hoạt động không có giấy phép hành nghề, thậm chí “treo đầu dê bán thịt chó” khi quảng cáo hàng loạt bác sĩ nổi tiếng nhưng khi khám chữa bệnh lại không hề có bác sĩ đó. Nhiều cơ sở cũng không quan tâm đến việc niêm yết giá dịch vụ, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, bán giấy khám sức khỏe không đúng quy định, cấp giấy nghỉ bệnh hưởng bảo hiểm xã hội dễ dãi. Qua công tác thanh kiểm tra, Sở Y tế còn phát hiện một số cơ sở kinh doanh mỹ phẩm không có hóa đơn, chứng từ, chất lượng sản phẩm không được phép lưu hành…
Cũng theo Sở Y tế, trong quý I-2021, qua kiểm tra 12 cơ sở hành nghề y tế tư nhân thì có đến 9 cơ sở vi phạm. Điều này cho thấy, vi phạm trong hoạt động hành nghề y tế tư nhân là khá phổ biến và cần phải chấn chỉnh, không thể để những cơ sở vi phạm “lờn thuốc”, tiếp tục coi thường pháp luật. Bên cạnh đó, cũng cần đặt ra vấn đề trong công tác quản lý, dù đã được phân cấp nhưng vẫn bộc lộ khá nhiều bất cập. Việc phối hợp trong thanh kiểm tra lĩnh vực hành nghề y tế tư nhân chưa thực sự chặt chẽ dẫn đến nơi thực hiện thường xuyên, hiệu quả, nơi lơ là, thậm chí còn xảy ra tình trạng nể nang, cho qua khi thanh kiểm tra cơ sở.
Siết chặt quản lý hành nghề y tế tư nhân nhằm đưa hoạt động này vào nền nếp, hạn chế xảy ra sai phạm đáng tiếc là việc cần làm ngay. Tuy nhiên, nếu không có sự vào cuộc đồng bộ từ tỉnh xuống địa phương, rất khó để công tác này đạt được hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, bên cạnh tăng cường kiểm tra, việc xử lý nghiêm vi phạm đồng thời hạn chế tối đa tình trạng nể nang, bao che cho cơ sở sẽ có tác dụng răn đe mạnh mẽ để công tác quản lý trên lĩnh vực này tạo chuyển biến thực chất trong thời gian tới.
Minh Ngọc