Những diễn biến khó lường của dịch Covid-19 đã tác động rất lớn tới lĩnh vực thương mại, dịch vụ - một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất.
Những diễn biến khó lường của dịch Covid-19 đã tác động rất lớn tới lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Đây là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất.
Xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững ngày càng được người tiêu dùng quan tâm sau những tác động của dịch Covid-19. Trong ảnh: Người dân chọn mua các sản phẩm thịt đạt chuẩn VietGAP tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân |
Tuy nhiên, trong “nguy” lại có “cơ”, dịch bệnh đã “buộc” nhiều đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phải chủ động thay đổi hình thức kinh doanh, có kế hoạch điều tiết nguồn vốn, nhân sự phù hợp để có thể thích nghi với tình hình thực tế.
* Sẵn sàng kịch bản ứng phó
Theo nhiều chuyên gia, các mô hình kinh doanh dịch vụ, nhất là các mô hình kinh doanh theo chuỗi, kinh doanh nhượng quyền đòi hỏi người quản lý cần có kiến thức, kế hoạch về tài chính, cũng như xác định được rõ phân khúc, thị trường tiềm năng để có định hướng phát triển phù hợp, cũng như cần chuẩn bị phương án chủ động ứng phó trước những diễn biến bất ngờ của thị trường, đơn cử như những biến động vì dịch Covid-19 trong thời gian qua. Trong đó, bên cạnh việc đảm bảo chất lượng, thái độ phục vụ một cách chuyên nghiệp là yếu tố then chốt để thu hút và giữ chân khách hàng, mở rộng đối tác kinh doanh.
Ông Huỳnh Thanh Vạn, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, một tổ chức của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, thực tế hiện nay, nhiều thương hiệu, chuỗi hệ thống, cũng như nhiều mô hình dịch vụ khởi nghiệp bị ảnh hưởng khá nặng nề từ đại dịch Covid-19. Dịch bệnh còn diễn tiến phức tạp, khó lường, do đó, các doanh nghiệp, chuỗi cửa hàng dịch vụ, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này cần có sự chuẩn bị, kịch bản ứng phó trước những rủi ro và chủ động đổi mới sáng tạo, tái cấu trúc kinh doanh mới có thể tồn tại, đứng vững trong tình hình mới.
Dịch Covid-19 vừa là thách thức, khó khăn cho các chuỗi dịch vụ, cửa hàng nhưng cũng vừa là cơ hội để doanh nghiệp nắm bắt thời cơ, tìm ra hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường. Điều này đòi hỏi, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thay đổi tư duy, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm, chú trọng đến chất lượng dịch vụ, tạo dấu ấn thương hiệu riêng... cũng như thường xuyên cập nhật những thị hiếu của người tiêu dùng để tồn tại và tạo ra những lợi thế cạnh tranh nhất định trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.
Ông Nguyễn Hoàng Trung, phụ trách mảng dự án hỗ trợ DN chuyển đổi số của sàn thương mại điện tử Tiki chia sẻ, các DN, cơ sở sản xuất tại địa phương, nhất là các DN, cơ sở sản xuất nhỏ cần xây dựng kế hoạch phù hợp để từng bước có các kênh bán hàng online, phát triển các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử. Điều này sẽ giúp tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng trên cả nước, nhất là các đô thị lớn.
* Hướng tới các hình thức mua sắm, tiêu dùng hiện đại, bền vững
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hành vi mua hàng của người tiêu dùng. Trong đó, những sản phẩm từng là nhu cầu cơ bản trở thành nhu cầu ưu tiên tập trung hướng tới chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng và thanh toán không dùng tiền mặt… Người tiêu dùng còn chú trọng tới yếu tố trải nghiệm trong quá trình mua sắm khi bất kỳ khách hàng nào cũng có thể thoải mái lựa chọn các mặt hàng trong một không gian tự do với các hình thức thanh toán dễ dàng, nhanh chóng. Điều này đòi hỏi các kênh bán lẻ phải thích nghi và thay đổi để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai nhận định, dưới tác động của dịch Covid-19 trong năm vừa qua đã khiến cho thói quen tiêu dùng của người dân có nhiều chuyển biến. Người dân ngày càng quan tâm hơn tới các hình thức mua sắm, thanh toán trực tuyến. Điều này góp phần thúc đẩy các kênh thanh toán, giao dịch trực tuyến phát triển, nâng cao tỷ lệ người sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Mới đây, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2021. Kế hoạch đề ra các nội dung triển khai, thực hiện. Trong đó, các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan và các cơ quan báo chí trong tỉnh cần tăng cường thực hiện tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cấp, ngành, địa phương, cơ sở sản xuất công nghiệp, các siêu thị, trung tâm thương mại và cộng đồng dân cư. Đồng thời, địa phương sẽ triển khai hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác sản xuất và tiêu dùng bền vững, sản xuất sạch hơn trên địa bàn tỉnh…
Lam Phương