Cùng với dự án Sân bay quốc tế Long Thành và hệ thống hạ tầng đồng bộ đang được triển khai, lại có sẵn thế mạnh về công nghiệp, dịch vụ, nên nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước đã và đang đến Đồng Nai để tìm hiểu đầu tư.
Cùng với dự án Sân bay quốc tế Long Thành và hệ thống hạ tầng đồng bộ đang được triển khai, lại có sẵn thế mạnh về công nghiệp, dịch vụ nên nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước đã và đang đến Đồng Nai để tìm hiểu đầu tư.
Đồ họa thể hiện một số tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư vào Đồng Nai trong những năm tới (Thông tin: Đào Lê - Đồ họa: Hải Quân) |
Các hạng mục mà những doanh nghiệp (DN), tập đoàn trong và ngoài nước đến Đồng Nai tìm hiểu thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó những hạng mục liên quan đến sân bay, xây dựng đô thị thông minh, xây dựng khu dân cư, phát triển du lịch, khu công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ tài chính… được quan tâm.
* Điểm đến của nhiều DN, tập đoàn lớn
Những năm qua, Đồng Nai trở thành tâm điểm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, riêng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 5 năm qua đã đạt hơn 7 tỷ USD. Hiện tại, có gần 1.600 dự án FDI còn hiệu lực. Các dự án FDI trải rộng trên địa bàn toàn tỉnh, nhưng vốn đầu tư lại tập trung tại các địa bàn có nhiều khu công nghiệp như: TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch và Trảng Bom.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sovico cho biết ngoài hãng hàng không Vietjet sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư các hạng mục phụ trợ sân bay Long Thành thì Sovico còn quan tâm các lĩnh vực khác. “Chúng tôi có địa ốc Phú Long chuyên lĩnh vực phát triển hạ tầng bất động sản nhà ở và du lịch nghỉ dưỡng. Phú Long đang hợp tác làm dự án lớn ở H.Nhơn Trạch. Bên cạnh đó, HD Bank cũng mong muốn là nhà tài trợ, sắp xếp vốn cho các dự án hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh” - ông Nguyễn Thanh Hùng cho hay. |
Nói về sự phát triển khu công nghiệp phải kể đến một DN lớn đến từ Thái Lan là Tập đoàn Amata. Sau khi đầu tư Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) thành công, Tập đoàn Amata tiếp tục đầu tư Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành và Khu đô thị - dịch vụ (H.Long Thành) với diện tích trên 1 ngàn ha. Khi Việt Nam nói chung cũng như Đồng Nai nói riêng có chủ trương xây dựng khu đô thị thông minh, tập đoàn này đã xin phép chuyển diện tích xây dựng khu đô thị - dịch vụ nói trên trở thành khu đô thị thông minh.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Amata, họ đã đầu tư xây dựng một số dự án thành phố thông minh tại Thái Lan, Nhật Bản, Hong Kong... Hiện tại ở Việt Nam, xu hướng xây dựng đô thị thông minh đang diễn ra mạnh mẽ nên Amata dự tính đầu tư thành phố thông minh để phù hợp với xu thế phát triển. Khu đô thị - dịch vụ Long Thành với định hướng xây dựng đô thị thông minh sẽ phục vụ chuyên gia, cư dân lao động trong Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành cũng như lân cận và đón đầu sự phát triển của sân bay Long Thành.
Từ phát triển công nghiệp, khu công nghiệp lan tỏa sang các lĩnh vực khác. Hàng loạt tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước tiếp tục đến Đồng Nai tìm hiểu đầu tư. Hiện nay, xu hướng đầu tư của các DN là tận dụng sức hút từ sân bay Long Thành cũng như mang đến Đồng Nai những ngành nghề, dịch vụ chất lượng cao. Trong đó, vùng H.Long Thành được định hướng theo mô hình thành phố sân bay, lấy dịch vụ vận chuyển hàng không làm trung tâm để hình thành và phát triển nhiều ngành, nhiều tầng dịch vụ với khả năng mở rộng không ngừng như: logistics, vận tải, công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến, kinh doanh - khai thác bất động sản, hệ thống giao thông, dịch vụ thương mại, cơ sở y tế, nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí…
Khi sân bay chính thức được xây dựng, DN lại càng rốt ráo hơn. Ngày 14-1 vừa qua, Tập đoàn LG Việt Nam đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh. Tập đoàn LG cho biết đang liên kết với một số tập đoàn lớn trên thế giới sản xuất, cung ứng công nghệ 4.0 để triển khai các dự án lớn về thành phố thông minh cho một số quốc gia trên thế giới. Đồng Nai đang triển khai thành phố thông minh nên Tập đoàn LG muốn tham gia một số hạng mục như: khu công nghiệp thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh, nhà máy thông minh, logistics thông minh...
Mới đây nhất, một tập đoàn tư nhân lớn trong nước là Sovico cũng đã đề xuất nhiều ý tưởng để đầu tư vào Đồng Nai. Sovico hoạt động kinh doanh trên các lĩnh vực hàng không, tài chính - ngân hàng, bất động sản, du lịch… với các thương hiệu nổi tiếng như: Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HD Bank), hãng hàng không Vietjet, địa ốc Phú Long… Hiện Sovico đang hoạt động rất tốt trên địa bàn Đồng Nai ở lĩnh vực ngân hàng và các dự án bất động sản.
* Bám sát quy hoạch địa phương để tìm kiếm cơ hội đầu tư
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhận định, lâu nay Đồng Nai đã là cứ điểm sản xuất công nghiệp của cả nước. Chính phủ cũng vừa đồng ý cho Đồng Nai quy hoạch thêm 6,5 ngàn ha đất công nghiệp phân bố tại một số địa phương trong tỉnh nên đây sẽ là cơ hội rất lớn để các DN, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục đến tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Phát triển khu công nghiệp công nghệ cao đang được Đồng Nai cũng như các doanh nghiệp triển khai thực hiện. Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp Dầu Giây (H.Thống Nhất). Ảnh: Đ.LÊ |
Bên cạnh phát triển khu công nghiệp và thu hút DN sản xuất thì sức hút mạnh mẽ nhất của Đồng Nai hiện nay là hạ tầng. Cùng với dự án sân bay đã được khởi công, hàng loạt tuyến đường cao tốc được xây dựng; địa phương cũng đã quy hoạch, định hướng phát triển lâu dài nên trong quá trình tìm hiểu đầu tư, DN cần bám sát mục tiêu của địa phương để có những đề xuất phù hợp.
Đồng Nai đã định hướng quy hoạch và nâng cấp đô thị Long Thành và đang thuê tư vấn làm quy hoạch. Khi định hướng rõ quy hoạch mới thu hút đầu tư để khai thác hết tiềm năng của thành phố sân bay. Là địa phương đi sau, muốn xây dựng đô thị sân bay thì phải học hỏi, tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Đồng Nai đã đi nghiên cứu một số sân bay ở nước ngoài thì nhận thấy họ tích hợp vùng xung quanh sân bay các vị trí xuất nhập hàng hóa bằng hàng không, cảng biển, đồng thời kết nối hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ. Cùng với đó là các loại hình dịch vụ nảy sinh từ lợi thế của sân bay. Tỉnh sẽ tính toán, chuẩn bị các vị trí quy hoạch phù hợp nhất để đón các nhà đầu tư nhằm hiện thực hóa các dự án hồ sơ quy hoạch đã được tính toán.
Đối với vấn đề xây dựng đô thị thông minh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho hay, trước đây đã có các DN đề xuất xây dựng đô thị thông minh trên các dự án mà mình được cấp. Trong số đó có Công ty CP đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành cũng như Đồng Nai nghiên cứu. Theo đó, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai xem xét cụ thể để tổ chức thực hiện lập quy hoạch chung xây dựng đô thị (khu đô thị thông minh), trong đó đảm bảo đấu nối cơ sở hạ tầng chung của quy hoạch vùng, phát huy tối ưu sức lan tỏa từ cảng hàng không quốc tế Long Thành, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; căn cứ quy mô khu đô thị thông minh và thẩm quyền quy định của pháp luật để báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương đầu tư.
Cũng theo lãnh đạo tỉnh, ngoài trục Long Thành, Nhơn Trạch thì một trục phát triển mới được Đồng Nai rất quan tâm là khu vực xung quanh đô thị Dầu Giây và TP.Long Khánh. Nơi đây sẽ trở thành đầu mối giao thông đường bộ, đường cao tốc lớn bậc nhất cả nước. Trong khi khu vực Long Thành - Nhơn Trạch dư địa để các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đã bị hạn chế thì khu vực này còn rất nhiều tiềm năng. “Cần nắm bắt các định hướng, quy hoạch của địa phương cũng như tiềm năng phát triển để đề xuất các dự án phù hợp với chủ trương của tỉnh” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng trao đổi như trên tại buổi làm việc với Tập đoàn Sovico diễn ra mới đây.
Đào Lê