Năm học 2021-2022, học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước sẽ thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK). Hiện nay, các trường tiểu học, THCS trong toàn tỉnh đã thực hiện xong việc lựa chọn SGK để gửi danh sách lên cấp trên.
Năm học 2021-2022, học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước sẽ thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK). Hiện nay, các trường tiểu học, THCS trong toàn tỉnh đã thực hiện xong việc lựa chọn SGK để gửi danh sách lên cấp trên.
Hôi đồng chọn sách giáo khoa của Trường THCS Trảng Dài (TP.Biên Hòa) tổ chức cuộc họp bình chọn sách vào sáng 8-3-2021. Ảnh: H.YẾN |
Cùng với đó, việc đề xuất chọn SGK lớp 1 cũng được các trường tiểu học thực hiện. Bước tiếp theo sẽ là công việc ở cấp Sở và Hội đồng chọn SGK cấp tỉnh.
* Quy trình chặt chẽ
Theo quy định, việc lựa chọn SGK phải thực hiện đúng quy trình tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông. Từ đầu tháng 3, trên cơ sở các bộ SGK từng môn học đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt, các trường tiểu học, THCS đã tổ chức nghiên cứu, lựa chọn SGK theo tiêu chí phù hợp với thực tiễn giáo dục địa phương.
Tất cả giáo viên trong các trường đều phải thực hiện nghiên cứu, thảo luận và bỏ phiếu kín đề xuất lựa chọn bộ SGK tại tổ chuyên môn. Trên cơ sở này, hội đồng cấp trường (có sự tham gia của trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh) tổ chức cuộc họp nghiên cứu, bình chọn và gửi danh sách lên phòng GD-ĐT. Trong biên bản về việc chọn SGK các trường đều ghi những ưu điểm, hạn chế của các bộ sách được chọn, đồng thời đưa ra kiến nghị, đề xuất riêng.
Phòng GD-ĐT có nhiệm vụ tổng hợp, báo cáo danh mục SGK lớp 1, lớp 2, lớp 6 được các trường đề xuất, sắp xếp theo thứ tự SGK được lựa chọn nhiều nhất đến SGK được lựa chọn ít nhất và gửi về Sở GD-ĐT trước ngày 12-3.
Thành viên hội đồng cấp sở (bao gồm cả đại diện phòng GD-ĐT, cơ sở giáo dục, giáo viên trực tiếp giảng dạy) có nhiệm vụ thảo luận, bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số SGK cho mỗi môn học. SGK được lựa chọn phải đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn. Sau đó, các thành viên báo cáo bằng văn bản về chủ tịch hội đồng. Sở GD-ĐT sẽ tổng hợp kết quả lựa chọn của các hội đồng và gửi văn bản trình UBND tỉnh phê duyệt.
Trước đó, cũng trong đầu tháng 3, các nhà xuất bản (NXB) đã giới thiệu tổng quát về các bộ SGK lớp 2, lớp 6 bằng hình thức trực tuyến đến các trường. Trong đó, đơn vị giới thiệu sách nhấn mạnh những nội dung chính để thuận lợi cho giáo viên trong quá trình nghiên cứu, bình chọn sách như: những quan điểm biên soạn, ý tưởng chủ đạo xây dựng bộ sách; tính ưu việt từng bộ sách, từng cuốn sách; điểm mới về nội dung, cấu trúc, phương pháp tiếp cận...
Cô Đặng Nhật Kim Ngọc, Phó hiệu trưởng Trường THCS Trảng Dài (TP.Biên Hòa) cho biết: “Theo công văn của cấp trên thì chỉ giáo viên dự kiến trực tiếp dạy lớp 6 mới bắt buộc phải tham gia các buổi giới thiệu sách. Tuy nhiên, chúng tôi đã yêu cầu đến buổi giới thiệu sách môn nào thì toàn bộ giáo viên bộ môn đó đều dự. Trước đó, chúng tôi cũng đã gửi đường link tài liệu giới thiệu sách để cho giáo viên nghiên cứu. Việc thảo luận, đưa ra ưu điểm, khuyết điểm của từng bộ sách được các tổ chuyên môn thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm”. Sáng 8-3, hội đồng chọn sách của Trường THCS Trảng Dài đã tổ chức cuộc họp và thống nhất đề xuất chọn bộ sách Chân trời sáng tạo.
Ông Võ Văn Minh, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa cho hay: “Sau khi các trường gửi biên bản cuộc họp đề xuất lựa chọn bộ SGK thì bộ phận chuyên môn cấp tiểu học, THCS của Phòng GD-ĐT sẽ tổng hợp lại theo số lượng bộ sách được lựa chọn và theo ý kiến nhận xét, kiến nghị của các trường để gửi lên Sở GD-ĐT. Qua đó, Phòng GD-ĐT cũng nắm được tình hình thực tế”.
* Thời gian tìm hiểu, nghiên cứu còn ít
Năm ngoái, chương trình lớp 1 có 5 bộ SGK để các trường tiểu học lựa chọn. Năm nay, SGK của lớp 1, lớp 2 và lớp 6 chỉ còn 3 bộ. Theo đó, ngoài bộ sách Cánh diều của NXB Đại học sư phạm TP.HCM, NXB Giáo dục đã tập trung biên soạn 2 bộ sách là Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống. Vì vậy, công tác đọc, nghiên cứu để đề xuất lựa chọn sách của các trường được giảm nhẹ hơn so với năm ngoái.
Ngày 9-2-2021, Bộ trưởng GD-ĐT đã phê duyệt danh mục SGK lớp 2 và lớp 6 sử dụng trong năm học 2021-2022. Danh mục này gồm 32 SGK lớp 2 của 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc cùng SGK môn tự chọn tiếng Anh; 40 SGK lớp 6 của 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Theo lộ trình, việc lựa chọn SGK của các địa phương phải hoàn thành trước khai giảng năm học mới tối thiểu 5 tháng. Việc phát hành SGK phải được hoàn thành trước ngày 31-7-2021. |
Cô Dương Thị Ngoan, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An (H.Xuân Lộc) cho biết, năm nay, thay vì nhận sách mẫu về trường, giáo viên phải lên mạng đọc file PDF của các cuốn sách. Việc đọc sách trên máy tính như vậy không được thuận tiện bằng đọc sách giấy. Mặt khác, thời gian để giáo viên đọc, nghiên cứu và so sánh các bộ sách còn ít.
Cô Ngoan cho hay, sau khi tìm hiểu, bỏ phiếu kín theo quy trình, kết quả, Trường tiểu học Chu Văn An đã đề xuất chọn bộ sách Cánh diều. Đây cũng là bộ sách mà nhà trường đã chọn để dạy lớp 1
trong năm học này.
Ngoài việc lựa chọn theo tính kế thừa, cô Ngoan cho rằng việc lựa chọn trên là căn cứ từ thực tế dạy - học ở trường. Đầu năm học, sách Cánh diều đã được chỉ ra một số hạn chế, thậm chí là khuyết điểm. Tuy nhiên, giáo viên của trường đều khắc phục được những hạn chế đó.
“Cứ 2 tuần/lần, tổ chuyên môn của trường đều cùng nhau nghiên cứu để điều chỉnh bài dạy cho phù hợp. Đến cuối học kỳ 1, kết quả học tập của các em học sinh rất khả quan. Vì vậy, trường chúng tôi thống nhất đề xuất chọn bộ sách Cánh diều cho cả lớp 1 và lớp 2. Tất nhiên, việc chọn bộ sách nào thì vẫn phải chờ sự quyết định của hội đồng cấp tỉnh” - cô Ngoan chia sẻ thêm.
Tài liệu giáo dục địa phương là một phần quan trọng trong chương trình mới và sẽ được Bộ trưởng GD-ĐT phê duyệt. Theo quy định, việc biên soạn và thẩm định tài liệu này thuộc trách nhiệm của UBND các tỉnh/thành phố. Vì vậy, UBND các tỉnh/thành phố chịu trách nhiệm cao nhất về chất lượng, nội dung tài liệu. Được biết, hiện nay, Đồng Nai đã hoàn tất việc biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương. UBND tỉnh đang trình Bộ GD-ĐT phê duyệt. |
Còn tại Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (TP.Biên Hòa), sau thời gian nghiên cứu, thảo luận, trường này đã thống nhất đề xuất chọn bộ sách Chân trời sáng tạo. Cô Lý Thị Sâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sở dĩ nhà trường chọn bộ sách này vì sau 1 năm triển khai dạy lớp 1, giáo viên của trường đều nhận thấy bộ sách rất phù hợp với điều kiện thực tế của trường. Sau hơn 1 học kỳ học theo sách lớp 1 Chân trời sáng tạo, học sinh của trường đều tiến bộ so với cùng kỳ năm ngoái, kỹ năng đọc của học sinh lớp 1 năm nay tốt hơn.
“Năm ngoái, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ cả 5 bộ sách và phân vân giữa 2 bộ là Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống. Sau đó, chúng tôi quyết định chọn bộ Chân trời sáng tạo. Quan điểm của chúng tôi không phải là năm trước chọn bộ nào thì năm nay chọn bộ đó mà phải nghiên cứu, so sánh kỹ giữa các bộ sách. Thực tế dạy học thời gian qua chúng tôi thấy bộ Chân trời sáng tạo là phù hợp nên năm nay chúng tôi tiếp tục đề xuất cho bộ sách này” - cô Sâm chia sẻ.
Cô Sâm cũng cho rằng, trong quá trình biên soạn các bộ sách chắc chắn sẽ có những hạn chế, thiếu sót mà chỉ có qua thực tiễn dạy học mới bộc lộ ra. Vì vậy, dù là bộ sách nào sẽ được chọn thì trong quá trình dạy học, giáo viên sẽ là những người chủ động để điều chỉnh cho phù hợp.
Có ít thời gian để đọc, tìm hiểu và so sánh kỹ các bộ sách là ý kiến chung của nhiều giáo viên, cả tiểu học và THCS. Một giáo viên THCS ở TP.Biên Hòa cho biết: “Thời gian để tham khảo các bộ sách còn ngắn nên chúng tôi chủ yếu đánh giá về hình thức, cách thiết kế nội dung bài học, tiến trình có thuận tiện cho việc thực hiện, có phù hợp với điều kiện của trường hay không. Chúng tôi không có đủ thời gian đọc kỹ để đánh giá được hết nội dung của sách. Do vậy, nếu trong sách có “sạn” thì chúng tôi cũng không đủ thời gian để “soi” hết được”.
* Phụ huynh không nên lo lắng về tính liên thông
Một số phụ huynh có con đang học lớp 1 tỏ ra lo lắng khi năm sau có thể con của họ sẽ phải học bộ SGK khác bộ sách hiện nay. “Năm ngoái con mình là lứa đầu học bộ sách mới là mình đã lo rồi. Năm nay lại phải hồi hộp đợi xem con sẽ học bộ sách nào. Không biết bộ sách mới sẽ được chọn có liền mạch với bộ sách hiện nay của con hay không” - chị Phạm Thị So (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) băn khoăn.
Giáo viên Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (TP.Biên Hòa) thảo luận để đề xuất chọn sách giáo khoa lớp 2 mới |
Ông Võ Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, phụ huynh không nên lo lắng về điều này. Vì dù là bộ sách nào thì cũng được thiết kế, biên soạn theo khung chương trình chung với lượng kiến thức như nhau. “Tất nhiên, cách biên soạn sách, xây dựng chủ đề của mỗi bộ sách có thể khác nhau. Điều này cũng tương tự như với cùng một bài học nhưng mỗi giáo viên lại có phương pháp giảng bài khác nhau vậy. Dù với cách nào thì nội dung, kiến thức của bài học cũng không thay đổi” - ông Thạch cho biết.
Theo quy định tại Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, mỗi môn học sẽ có một hội đồng chọn sách riêng. Hội đồng chọn SGK cấp tỉnh phải có ít nhất 15 thành viên, trong đó tối thiểu phải có 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên trực tiếp giảng dạy thuộc các khu vực khác nhau trên địa bàn tỉnh. Giáo viên tham gia hội đồng này phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm.
Ông Võ Ngọc Thạch cho biết, sau khi có báo cáo của các phòng GD-ĐT về kết quả đề xuất chọn sách ở cơ sở, hội đồng chọn sách cấp tỉnh sẽ dành thời gian cho các thành viên đọc lại, sau đó tiếp tục thảo luận rồi mới tiến hành bỏ phiếu kín. Sau khi có kết quả, hội đồng sẽ trình UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt bộ sách được chọn. Dự kiến đến cuối tháng 3, công việc này sẽ hoàn thành. Đến nay, cấp cơ sở đã thực hiện xong phần việc của mình, Sở GD-ĐT cũng không nhận được phản ánh của các cơ sở về những khó khăn trong quá trình thực hiện.
Cũng theo ông Thạch, các giáo viên tham gia hội đồng chọn SGK cấp tỉnh năm nay sẽ tiếp tục tham gia những năm tiếp theo.
Hải Yến
Ông Lê Văn Cường, Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THCS Trảng Dài (TP.Biên Hòa):
Mong học sinh có cơ hội vừa học vừa chơi khi học bộ sách mới
Tôi đã được Ban giám hiệu Trường THCS Trảng Dài mời tham gia hội đồng đề xuất chọn SGK lớp 6 mới. Để chuẩn bị cho cuộc họp, nhà trường có gửi cho tôi tài liệu về các bộ sách để đọc. Tuy nhiên, tôi không thể đọc để đưa ra nhận xét, bình chọn sách dưới góc độ chuyên môn như các thầy cô giáo mà chỉ có thể trông cậy vào các thầy cô.
Khi tham gia cuộc họp, tôi thấy các thầy cô ở tổ bộ môn đã nêu ra nhận xét, đánh giá riêng với từng bộ sách. Trong đó, bộ sách Chân trời sáng tạo nhận được nhiều đánh giá tích cực. Theo nhận xét chung của các thầy cô, bộ sách mới được thiết kế một cách sinh động hơn, ngắn gọn hơn, tiến trình bài học cũng giúp học sinh dễ hiểu bài hơn. Bên cạnh đó, một số hạn chế, khuyết điểm nhỏ của bộ sách cũng đã được các tổ trưởng bộ môn nêu ra.
Ở góc độ phụ huynh, tôi mong muốn rằng năm học tới, các cháu học sinh sẽ được học bộ sách mới phù hợp với điều kiện thực tế, giảm lượng kiến thức hàn lâm, tăng thời lượng thực hành để các cháu có cơ hội vừa học vừa chơi.
Một mong muốn nữa là bộ sách mới được chọn sẽ là bộ sách tốt nhất để không bị rơi vào tình trạng khi đi vào giảng dạy rồi mới nhận được các phản ứng tiêu cực như bộ sách lớp 1 năm vừa rồi.
Bà Lâm Ngân (phụ huynh ngụ P.Xuân An, TP.Long Khánh):
Tránh chọn sách mang nhiều yếu tố vùng miền
Năm học tới, con gái của tôi bước sang lớp 6, là lứa học sinh đầu tiên học bộ SGK lớp 6 mới nên bản thân tôi cũng không tránh khỏi hồi hộp. Từ thực tế chọn sách năm trước, tôi mong muốn hội đồng cấp tỉnh sẽ chọn được bộ sách mang tính phổ thông, gần gũi với học sinh của tỉnh, tránh chọn bộ sách có nhiều yếu tố vùng miền như tình trạng bộ sách lớp 1 đã được phản ánh trên báo chí.
Tôi chưa có cơ hội tiếp cận các bộ SGK lớp 6 mới nên chỉ có thể nêu lên mong muốn của mình. Tôi nghĩ rằng kiến thức của các bộ sách là như nhau vì phải tuân thủ theo khung chương trình. Vì vậy, tôi mong muốn các thầy cô sẽ chọn được bộ sách có cách trình bày sinh động, trực quan hơn để tạo sự hứng thú, hấp dẫn đối với học sinh.
Cá nhân tôi rất tin tưởng ở đội ngũ giáo viên ở TP.Long Khánh. Năm học vừa rồi, tôi thấy nhiều nơi phản ánh khó khăn trong dạy học lớp 1 nhưng tôi theo dõi thấy tình hình ở Long Khánh đều yên ổn. Theo sát hành trình học tập của con, tôi thấy các giáo viên ở đây đều rất giỏi, chịu khó tìm tòi, dạy học theo phương pháp mới. Tôi hy vọng với bộ sách mới, các thầy cô sẽ phát huy được năng lực chuyên môn của mình, giúp học sinh học tập hiệu quả hơn.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Liễu (phụ huynh ngụ xã Xuân Hiệp, H.Xuân Lộc):
Cần chỉnh những hạn chế đã được phản ánh
Con gái tôi hiện đang học lớp 1 bộ sách Cánh diều. Năm sau con lên lớp 2 không biết bé sẽ được học bộ sách nào, vì vậy, bản thân tôi thấy khá hồi hộp.
Là người theo dõi sát quá trình học của con, tôi thấy SGK tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh diều bị nhiều phản ứng vì có nhiều từ ngữ vùng miền, một số văn bản không phù hợp là đúng. Nhưng bộ sách cũng có những mặt tích cực. Ví dụ như tuy nhiều văn bản trong sách không dễ đọc, dễ nhớ nhưng như vậy thì các con không thể học vẹt được. Do đó, con nắm mặt chữ tốt, khả năng đọc cũng tốt hơn, gặp những chữ khó thì có thể tự đánh vần để đọc. Hiện nay, ngoài đọc các bài học trong sách thì con gái tôi có thể tự đọc những cuốn sách truyện khác. Nếu bộ sách Cánh diều tiếp tục được chọn thì tôi mong là NXB sẽ điều chỉnh những hạn chế đã được phản ánh.
Trong chương trình mới, tôi thấy môn Tiếng Việt còn khá nặng. Vì vậy, tôi mong sao kiến thức trong bộ sách lớp 2 mới có thể nhẹ nhàng hơn, bớt áp lực cho các con. Có như vậy thì các con mới có được nhiều thời gian để vui chơi, không phải đi học thêm.
Hải An (ghi)