Hiện nay, các doanh nghiệp vận tải đang nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19, đưa vận tải hoạt động trở lại, từng bước hồi phục sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, các doanh nghiệp vận tải (DNVT) đang nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19, đưa vận tải hoạt động trở lại, từng bước hồi phục sản xuất, kinh doanh.
Kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Bến xe Biên Hòa. Ảnh: V.Nguyên |
[links()]* Đẩy mạnh kinh doanh gắn với phòng, chống dịch
Trước những khó khăn gặp phải, các DNVT đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục trước mắt như giảm bớt các chi phí phát sinh.
Theo Ga Biên Hòa, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn vừa dừng hàng loạt các đoàn tàu chặng ngắn đi các địa phương vì quá vắng khách gồm: đôi tàu SPT2/SPT1 Sài Gòn - Phan Thiết, SNT1/SNT2 Sài Gòn - Nha Trang, SE22/SE21 Sài Gòn - Đà Nẵng. Còn đối với tàu Thống nhất chạy suốt Sài Gòn - Hà Nội và ngược lại, thay vì chạy 5 đôi tàu hằng ngày như trước đây sẽ cắt giảm 3 đôi, chỉ còn 2 đôi. Hành khách có vé tàu những ngày bị tạm dừng, liên hệ nhà ga trước giờ tàu chạy để trả vé không thu phí hoặc đổi sang đoàn tàu khác.
Bộ GT-VT vừa có văn bản về việc tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm yêu cầu 5K (trước hết là đeo khẩu trang, trong đó tăng cường sử dụng khẩu trang vải), không tụ tập đông người, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch tại công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… Bộ GT-VT giao Cục Y tế GT-VT chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan của Bộ Công thương, Bộ Y tế ban hành ngay quy chế bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong hoạt động vận tải qua lại, đi đến vùng, khu vực, địa điểm có dịch. |
Ngoài ra, ngành Đường sắt sẽ áp dụng chương trình giảm giá vé tàu cho hành khách mua vé trước ngày đi tàu nhiều ngày tùy theo số ngày và cự ly vận chuyển. Đối với các tàu SE mức giảm từ 5-50%/vé tùy theo cự ly chuyến đi và thời gian đặt vé trước. Đối với các tàu TN thì mức giảm giá vé sẽ thấp hơn từ 5-30% so với tàu SE.
Trong khi đó, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở GT-VT) Đỗ Thị Hải Phương cho biết, do sản lượng vận chuyển hành khách giảm dẫn đến doanh thu, hiệu quả hoạt động của các tuyến xe buýt thấp. Tuy nhiên, trong thời gian qua phía Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng đã triển khai nhiều biện pháp, yêu cầu các doanh nghiệp, HTX tăng cường công tác bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp phương tiện hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt.
Ngoài việc nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ, thu hút người dân quay trở lại lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại thì công tác phòng, chống dịch bệnh cũng tiếp tục được tăng cường. Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Các nhà xe phải thực hiện nghiêm việc yêu cầu nhân viên phục vụ, lái xe, hành khách đeo khẩu trang khi lên xe, nếu không chấp hành sẽ không được vận chuyển. Mỗi người cần nâng cao ý thức vệ sinh phòng dịch trên xe buýt để tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng
* Chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Theo Bộ GT-VT, ngay từ đợt bùng phát dịch năm 2020, Bộ đã ban hành hơn 100 văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong ngành GT-VT; tổng hợp, báo cáo Chính phủ về những thiệt hại do dịch Covid-19 và kiến nghị những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành GT-VT.
Đối với đường bộ, Bộ GT-VT chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị vận tải thực hiện việc cắt giảm số chuyến/lượt hoặc đề xuất tạm dừng hoạt động để giảm thiểu thiệt hại; kịp thời tiếp thu, thống kê những khó khăn, vướng mắc của địa phương, đơn vị vận tải, bến xe kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhằm tháo gỡ. Với đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa, Bộ cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ tương tự.
Thời gian tới, Bộ GT-VT sẽ tiếp tục nghiên cứu bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, giảm chi phí logistics; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong các năm trước. Tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia. Đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Đồng thời, lắng nghe, tiếp thu ý kiến về lĩnh vực quản lý chuyên ngành, đề xuất kiến nghị xử lý các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, Phó giám đốc Sở GT-VT Dương Mạnh Hưng cho hay, đến thời điểm hiện tại các biện pháp hỗ trợ DNVT vẫn được thực hiện theo giải pháp của năm 2020. Cụ thể là các chính sách miễn, giảm thuế cho các đơn vị vận tải hành khách, nhất là các HTX, hộ kinh doanh cá thể; ngân hàng thực hiện việc giãn nợ, gia hạn nợ và miễn, giảm lãi suất đầu tư phương tiện của các đơn vị vận tải hành khách như: xe buýt, xe taxi, tuyến cố định, xe hợp đồng đưa đón công nhân, học sinh.
Võ Nguyên