Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng chất lượng cho hệ thống đô thị

09:02, 23/02/2021

Sau gần 7 năm thực hiện chương trình phát triển đô thị, Đồng Nai đã hoàn thành mục tiêu về phát triển số lượng đô thị trên địa bàn. Tuy nhiên, chất lượng đô thị, nhất là hệ thống hạ tầng và một số tiêu chí xếp loại đô thị vẫn còn những hạn chế.

[links()]Sau gần 7 năm thực hiện chương trình phát triển đô thị, Đồng Nai đã hoàn thành mục tiêu về phát triển số lượng đô thị trên địa bàn. Tuy nhiên, chất lượng đô thị, nhất là hệ thống hạ tầng và một số tiêu chí xếp loại đô thị vẫn còn những hạn chế.

Đồ họa thể hiện xếp loại các đô thị trên địa bàn tỉnh hiện nay (Thông tin: Phạm Tùng - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện xếp loại các đô thị trên địa bàn tỉnh hiện nay (Thông tin: Phạm Tùng - Đồ họa: Hải Quân)

* Đủ lượng, chưa đủ chất

Theo Nghị quyết 116 ngày 11-7-2014 của HĐND tỉnh về chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2030, đến năm 2020, tỉnh sẽ có 11 đô thị. Trong đó, có 1 đô thị loại I (TP.Biên Hòa), 1 đô thị cơ bản đạt tiêu chí của đô thị loại II (đô thị Nhơn Trạch), 1 đô thị loại III ( TP.Long Khánh), 2 đô thị loại IV (đô thị Long Thành, Trảng Bom) và 6 đô thị loại V (đô thị Định Quán, Tân Phú, Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao, Vĩnh An).

Sau gần 7 năm thực hiện chương trình, đến năm 2020, theo Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh đã có 11 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I (TP.Biên Hòa), 1 đô thị loại III (TP.Long Khánh), 2 đô thị loại IV (đô thị Long Thành, Trảng Bom) và 7 đô thị loại V (đô thị Định Quán, Tân Phú, Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao, Vĩnh An và Hiệp Phước).

Theo Nghị quyết 116 ngày 11-7-2014 của HĐND tỉnh về chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2030, Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 17 đô thị. Trong đó có 1 đô thị loại I (TP.Biên Hòa), 2 đô thị loại II (Long Khánh, Nhơn Trạch), 2 đô thị cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại III (Long Thành, Trảng Bom), 7 đô thị loại IV (đô thị Bình Sơn, Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao, Vĩnh An, Định Quán, Tân Phú) và 5 đô thị loại V (đô thị Phước Thái, Thạnh Phú, Phú Lý, Phú Túc, La Ngà).

Đối chiếu với mục tiêu của chương trình phát triển đô thị, Đồng Nai đã hoàn thành mục tiêu phát triển về số lượng đô thị. Tuy nhiên, về xếp loại đô thị, mục tiêu đặt ra đã không được hoàn thành. Cụ thể, đến năm 2020, đô thị Nhơn Trạch đã “lỡ hẹn” với việc trở thành đô thị loại II. So với tiêu chí của một đô thị loại II, hiện nay, đô thị Nhơn Trạch còn thiếu hụt khá nhiều chỉ tiêu như: dân số, kiến trúc, cảnh quan đô thị.

Ông Nguyễn Thế Phong, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch cho biết, theo mục tiêu, đến năm 2020, đô thị Nhơn Trạch sẽ có dân số khoảng 350 ngàn người. Tuy nhiên, đến thời điểm trên, dân số trên địa bàn mới chỉ đạt khoảng 260 ngàn người. “Vắng dân” khiến cho việc thu hút các dự án đầu tư về thương mại dịch vụ, các công trình tạo điểm nhấn đô thị cũng trở nên khó khăn.

Tương tự, đô thị Biên Hòa, đô thị trung tâm của tỉnh dù đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn còn một số tiêu chí chưa hoàn thành, nhất là về phát triển hệ thống hạ tầng đô thị. Nguyên nhân của thực trạng này là do đô thị Biên Hòa phải “đối mặt” với sự biến động dân số cơ học lớn khiến hệ thống hạ tầng không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tình trạng ngập nước, kẹt xe, ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra đối với đô thị Biên Hòa.

Đồng Nai là địa phương phát triển mạnh sản xuất công nghiệp, do đó lực lượng lao động ngoài tỉnh đến sinh sống và làm việc trên địa bàn rất lớn. Chính vì vậy, thực trạng hạ tầng đô thị “hụt hơi” so với tốc độ tăng dân số cơ học là thực trạng chung của hầu hết các đô thị trên địa bàn tỉnh. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc nâng “chất” các đô thị hiện nay. Ông Đỗ Thành Phước, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng cho rằng, tốc độ tăng dân số cơ học cao đang gây áp lực lên hệ thống hạ tầng của các đô thị trên địa bàn tỉnh.

* Tập trung cho công tác quy hoạch

Ông Đỗ Thành Phước cho rằng, trong xây dựng, phát triển đô thị, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng có vai trò mang tính chiến lược và phải đi trước một bước. “Quy hoạch xây dựng là cơ sở để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình chỉnh trang, phát triển đô thị. Đồng thời là một trong những giải pháp chủ yếu để quản lý xây dựng đô thị, phát triển đô thị theo hướng văn minh” - ông Phước nhấn mạnh.

Đường Hà Huy Giáp là một trong những tuyến đường đã được thực hiện chỉnh trang, hạ ngầm hệ thống cáp viễn thông, điện lực để tạo mỹ quan của đô thị Biên Hòa
Đường Hà Huy Giáp là một trong những tuyến đường đã được thực hiện chỉnh trang, hạ ngầm hệ thống cáp viễn thông, điện lực để tạo mỹ quan của đô thị Biên Hòa. Ảnh: P.TÙNG

Theo Sở Xây dựng, đối với 11 đô thị trên địa bàn tỉnh hiện nay, đô thị Biên Hòa và Nhơn Trạch đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung đô thị. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000 TT.Tân Phú, H.Tân Phú đến năm 2030 và phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000 đô thị Long Giao, H.Cẩm Mỹ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Hiện nay, Sở Xây dựng đang tiếp tục hướng dẫn UBND các huyện: Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Định Quán và Trảng Bom thực hiện lập hồ sơ quy hoạch chung xây dựng đô thị.

Đối với công tác phát triển đô thị, hiện nay UBND tỉnh cũng đã phê duyệt các đề án đề nghị công nhận khu vực dự kiến thành lập TT.Long Giao, H.Cẩm Mỹ đạt tiêu chuẩn loại V; đề cương chương trình phát triển đô thị TT.Gia Ray, H.Xuân Lộc giai đoạn đến năm 2025 và giai đoạn 2026-2030; đề cương chương trình phát triển đô thị Dầu Giây, H.Thống Nhất giai đoạn đến năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 và đề cương hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị khu vực I và khu vực II, TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom.

Đánh giá về công tác lập quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn tỉnh thời gian qua, ông Đỗ Thành Phước cho rằng, công tác quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại. Việc lập quy hoạch đô thị chưa đồng bộ, chất lượng một số đồ án quy hoạch đô thị chưa cao, chưa khả thi.

Chính vì vậy, để thực hiện nâng chất lượng các đô thị trên địa bàn tỉnh hiện nay, cần phải tập trung cho công tác lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch cũng như huy động nhanh, đồng bộ các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng các khu dân cư đô thị theo quy hoạch. Cụ thể, cần tập trung cho công tác quản lý quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu xây dựng, công tác lập quy hoạch chi tiết đô thị để cụ thể hóa quy hoạch chung. Các đồ án quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt nhưng chưa được triển khai thì cần được triển khai toàn diện. Rà soát những nội dung bất cập trong các đồ án quy hoạch, có kế hoạch thực hiện cho từng giai đoạn các đồ án quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt, các địa phương cần triển khai thực hiện công bố, công khai quy hoạch xây dựng để nhân dân biết thực hiện và giám sát thực hiện. “Cần sớm ban hành quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị làm cơ sở để cấp phép quản lý xây dựng, tăng cường quản lý quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch đặc biệt đối với các đô thị mở rộng như: Biên Hòa, Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch” - ông Đỗ Thành Phước cho biết.

Riêng đối với đô thị Biên Hòa và đô thị Nhơn Trạch, hiện nay các cơ quan chức năng cũng đang đẩy nhanh tiến độ lập, trình phê duyệt quy hoạch xây dựng phân khu theo quy hoạch chung đã được phê duyệt. Đây là cơ sở để đề xuất thực hiện hồ sơ phát triển đối với 2 đô thị này. Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đối với các đô thị từ loại III trở lên như đô thị Biên Hòa và Nhơn Trạch phải có quy hoạch phân khu thì mới có thể triển khai lập hồ sơ đề xuất phê duyệt chương trình phát triển đô thị. “Đây là khung cứng quy định của Chính phủ” - ông Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều