Báo Đồng Nai điện tử
En

Thu hút vốn FDI trong năm 2021: Kỳ vọng nhiều khởi sắc

03:12, 24/12/2020

Năm 2021, nhiều chuyên gia dự báo dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Đồng Nai sẽ có nhiều khởi sắc. Nhiều DN FDI đang chờ dịch bệnh Covid-19 được khống chế, các đường bay quốc tế khơi thông sẽ đến tỉnh tìm hiểu thực tế để ký kết đầu tư.

Năm 2021, nhiều chuyên gia dự báo dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Đồng Nai sẽ có nhiều khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp (DN) FDI đang chờ đợi dịch bệnh Covid-19 được khống chế, các đường bay quốc tế khơi thông sẽ đến tỉnh tìm hiểu thực tế môi trường, đất đai để ký kết đầu tư.

Đồ họa thể hiện số lượng các khu công nghiệp được thành lập trên địa bàn tỉnh và các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện số lượng các khu công nghiệp được thành lập trên địa bàn tỉnh và các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Mục tiêu của Đồng Nai là năm 2021 đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư FDI vào tỉnh trên các lĩnh vực.  Với các lợi thế từ hạ tầng kỹ thuật như: cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết..., Đồng Nai dễ dàng thu hút được nhiều dòng vốn FDI chất lượng cao.

* Công nghiệp vẫn được chú ý

Đồng Nai là nơi có các ngành công nghiệp phát triển nhất cả nước với 32 khu công nghiệp được thành lập, trong đó 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, 1 khu công nghiệp đang trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng. Các DN trên địa bàn tỉnh sản xuất hơn 50 nhóm hàng để tiêu thụ ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Tỉnh đã xác định 6 mặt hàng xuất khẩu chủ lực bao gồm: giày dép; dệt may; sản phẩm gỗ; xơ sợi dệt; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng; máy tính, điện tử và linh kiện.

Trên lĩnh vực công nghiệp, các DN Hàn Quốc muốn đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể là sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, thiết bị máy móc, linh kiện điện tử. Đồng Nai cũng như cả nước đang ưu tiên mời gọi các ngành trên nhằm nâng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Đồng Nai cũng là nơi sản xuất, xuất khẩu nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nên các DN FDI đặt nhà máy sản xuất ở Đồng Nai dễ dàng tìm được đối tác cung ứng sản phẩm cho nhau. Những DN FDI đầu tư vào tỉnh muốn tìm nguồn nguyên liệu trong nước để đáp ứng yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, khi xuất khẩu vào những nước Việt Nam có ký kết các hiệp định thương mại tự do có thể hưởng các ưu đãi về thuế quan.

Ông Watanabe Nobuhiro, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM nhận xét: “Năm tới, sẽ có nhiều DN Nhật Bản dự tính đầu tư vào Đồng Nai trên lĩnh vực công nghiệp. Vì Đồng Nai là trung tâm công nghiệp của Việt Nam, giao thông thuận lợi, hàng hóa sản xuất ra đưa đi các tỉnh, thành khác tiêu thụ hoặc xuất khẩu rất thuận lợi. Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn của Nhật Bản đang muốn dời bớt nhà máy từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực ASEAN và Việt Nam là nơi được chọn lựa nhiều nhất bởi chính trị ổn định, phòng chống dịch bệnh Covid-19 khá tốt. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam luôn cải cách các chính sách theo hướng có lợi cho DN FDI”. Cũng theo ông Watanabe Nobuhiro, Đồng Nai lập ra Bàn Kansai chuyên hỗ trợ các DN Nhật Bản về thông tin, thủ tục đầu tư nên giảm bớt thời gian đi lại và chi phí.

* Mở ra nhiều lĩnh vực mới

Bên cạnh lĩnh vực công nghiệp thì dòng vốn FDI năm 2021 có khả năng sẽ đổ vào những lĩnh vực khác của tỉnh như: hạ tầng kỹ thuật, bất động sản, logistics, thương mại dịch vụ. Tỉnh đã quy hoạch phát triển khu vực quanh cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ là thành phố sân bay. Như vậy những vùng lân cận có rất nhiều tiềm năng để phát triển các dự án ở những ngành nghề khác hỗ trợ cho công nghiệp phát triển.

Sản xuất thịt gà xuất khẩu tại Công ty TNHH Koyu& Unitek ở Khu công nghiệp Loteco (TP.Biên Hòa). Công ty dự tính sẽ mở rộng sản xuất và xuất khẩu. Ảnh: Hương Giang
Sản xuất thịt gà xuất khẩu tại Công ty TNHH Koyu& Unitek ở Khu công nghiệp Loteco (TP.Biên Hòa). Công ty dự tính sẽ mở rộng sản xuất và xuất khẩu. Ảnh: Hương Giang

Ông Hardy Diec, Giám đốc điều hành FedEx Express khu vực Đông Dương cho hay: “Tập đoàn FedEx rất muốn đầu tư dự án về kho bãi giao nhận hàng hóa trong cảng hàng không quốc tế Long Thành, bởi đây là sân bay lớn có quy mô vận chuyển 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm”. Tập đoàn FedEx có mặt tại Việt Nam từ năm 1994, là công ty chuyển phát nhanh đầu tiên vận hành các chuyến bay riêng đến và đi. DN này đã đầu tư vào nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và vận hành 18 chuyến bay mỗi tuần.

Trong giai đoạn 5 năm tới, Đồng Nai dự tính sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông để kết nối với các khu công nghiệp, khu đô thị. Đồng thời, phát triển những dịch vụ đi kèm như: logistics, cảng, thương mại dịch vụ, du lịch. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, DN thì những lĩnh vực trên của Đồng Nai còn nhiều tiềm năng và sẽ được các DN FDI chú ý khai thác trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

PGS-TS Nguyễn Tiến Hoàng, giảng viên Trường đại học Ngoại thương TP.HCM cho rằng, với 14 hiệp định thương mại tự do đã ký kết, Việt Nam trở thành quốc gia tham gia vào hội nhập sâu nhanh so với các nước trên thế giới. Điều này giúp cho Việt Nam mở rộng xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài tốt hơn. Đồng Nai là nơi có những điều kiện thuận lợi để DN FDI đầu tư vào các dự án và khả năng thành công cao.

Tỉnh dự tính sẽ thành lập mới và mở rộng nhiều khu công nghiệp để đón “sóng” đầu tư FDI trong những năm tới. Công nghiệp phát triển sẽ thu hút các chuyên gia nước ngoài, lao động từ những tỉnh, thành khác trong cả nước về làm việc, sinh sống, nhu cầu về nhà ở sẽ rất cao nên những DN FDI chú ý đến các dự án bất động sản về căn hộ. Thời gian qua, một số tập đoàn FDI đến từ Singapore, Thái Lan đã đầu tư vào bất động sản ở Đồng Nai với những dự án lên đến hàng trăm triệu USD. Hiện nhiều DN Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước trong khu vực ASEAN cũng quan tâm đến lĩnh vực bất động sản nhà ở trên địa bàn tỉnh. Hàng loạt những thương vụ mua bán, chuyển nhượng dự án bất động sản lớn tại Đồng Nai đang diễn ra và có sự tham gia của các DN FDI.

Lĩnh vực thương mại dịch vụ cũng được các DN FDI chú ý và dự tính sẽ đầu tư các siêu thị, trung tâm mua sắm trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, một số tập đoàn bán lẻ lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, châu Âu đã đến tỉnh tìm những vị trí đất gần những khu vực đông dân cư để thực hiện dự án. Tỉnh đã quy hoạch gần 80 dự án trung tâm thương mại, siêu thị, khu thương mại - dịch vụ cho giai đoạn 2021-2025 để thu hút nhà đầu tư trong nước và FDI.

Du lịch cũng quy hoạch trên 20 dự án lớn ở những khu vực có nhiều tiềm năng để mời gọi các DN FDI rót vốn vào và các DN đang đợi quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 10 năm tới được phê duyệt, sẽ tiến hành các thủ tục tiếp theo để đầu tư.

Một số tập đoàn của Hàn Quốc dự tính năm 2021 sẽ “tăng tốc” trong đầu tư vào tỉnh và tiếp tục dẫn đầu trong các quốc gia, vùng lãnh thổ. Ông Park Hyun Bae, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Đồng Nai đánh giá: “Thời gian qua, các DN Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh tương đối hiệu quả, những khó khăn, vướng mắc được kịp thời tháo gỡ. Do đó, qua năm mới sẽ có những DN Hàn Quốc mở rộng, đầu tư mới vào tỉnh trên lĩnh vực công nghiệp và một số lĩnh vực khác. Vừa qua, nhiều DN thông qua hiệp hội tìm hiểu trước môi trường, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh nhưng vướng đại dịch Covid-19 nên đành chậm lại”.

Hương Giang

Tin xem nhiều