Báo Đồng Nai điện tử
En

Muốn viết tốt phải đọc nhiều

04:12, 21/12/2020

Năm 2019, với 46 công bố khoa học, Trường đại học Lạc Hồng nằm trong tốp 50 trường đại học tại Việt Nam có nhiều công bố khoa học quốc tế. Năm nay, nhà trường vẫn tiếp tục duy trì đều đặn công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) này.

PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng. Ảnh: T.VI
PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng. Ảnh: T.VI

Năm 2019, với 46 công bố khoa học, Trường đại học Lạc Hồng nằm trong tốp 50 trường đại học tại Việt Nam có nhiều công bố khoa học quốc tế. Năm nay, nhà trường vẫn tiếp tục duy trì đều đặn công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) này.

PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, để có được kết quả đó, bản thân các giảng viên trong trường phải có nhiều cố gắng. Nhà trường cũng có chiến lược và chính sách phù hợp để thúc đẩy hoạt động NCKH.

Công bố quốc tế tập trung vào khối ngành kỹ thuật

 Trường đại học Lạc Hồng có hoạt động NCKH khá sôi nổi. Đâu là yếu tố khích lệ để cán bộ, giảng viên nhà trường tích cực tham gia hoạt động này, thưa ông?

- Đối với trường đại học, hoạt động đào tạo và NCKH là không thể tách rời. Trường chúng tôi quy định mỗi giảng viên có 280 giờ chuẩn giảng dạy và 150 giờ làm NCKH trong 1 năm học. Như vậy, hoạt động NCKH chiếm hơn 1/3 thời gian so với giờ chuẩn giảng dạy. Bên cạnh đó, nếu giảng viên phải tập trung cho hoạt động NCKH thì cũng có thể quy đổi số giờ này cho nhau.

Xác định hoạt động NCKH là quan trọng và góp phần tạo nên uy tín cho nhà trường, ngay từ năm 2014, trường chúng tôi đã ban hành Quy chế về hoạt động KHCN của giảng viên Trường đại học Lạc Hồng và Quy chế khen thưởng bài báo khoa học. Theo đó, các công trình CNKH được công bố trong nước và quốc tế đều được khen thưởng, tùy theo chất lượng. Hiện nay, mức thưởng cao nhất dành cho bài công bố khoa học quốc tế là 180 triệu đồng.

Việc khen thưởng trong công tác NCKH được nhà trường duy trì ổn định, mức tiền thưởng chỉ có tăng chứ không giảm. Đây chính là một yếu tố khuyến khích giảng viên nhà trường tham gia NCKH.

 Thưa ông, hiện nay, số lượng bài báo khoa học quốc tế của Trường đại học Lạc Hồng chủ yếu thuộc khối ngành nào?

- Hiện nay, khối ngành kỹ thuật của trường gồm các ngành như: cơ điện tử, điện điện tử, tự động hóa, hóa thực phẩm, dược, công nghệ thông tin, xây dựng… đang có số lượng công bố khoa học nhiều hơn so với khối ngành kinh tế, xã hội. Riêng khối ngành kinh tế, chúng tôi có thầy Nguyễn Văn Lâm, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế thường xuyên có bài báo quốc tế.

Đối với khối ngành xã hội, trường chúng tôi có ngành Đông Phương học, đào tạo tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Nhật… Giảng viên của những ngành này rất giỏi ngoại ngữ nhưng tiếng Anh lại không phải là thế mạnh của họ. Trong khi đó, công bố bài báo quốc tế bắt buộc phải viết bằng tiếng Anh. Vì vậy, hiện nay khối ngành này chúng tôi vẫn chưa có bài báo quốc tế.

Muốn đi xa phải đi cùng đồng đội

 Theo tôi được biết, đa phần các công bố khoa học quốc tế của giảng viên Trường đại học Lạc Hồng đều là các công trình viết chung. Đây liệu có phải là “chiến lược” của nhà trường?

- Để thúc đẩy hoạt động NCKH, nhất là trong việc công bố các bài báo khoa học quốc tế, nhà trường phải dựa vào đội ngũ cán bộ, giảng viên có năng lực nghiên cứu tốt. Đó hầu hết là những người được đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài về. Họ chính là đầu tàu dẫn dắt thế hệ tiếp theo, là thuyền trưởng chỉ đạo các nhóm nghiên cứu, giúp nhóm nghiên cứu mạnh hơn.

Người ta vẫn nói rằng “muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”. Theo tôi, trong hoạt động NCKH điều này là rất chính xác. Bởi vì nếu làm theo nhóm thì các thành viên có thể hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Mỗi người phụ trách một phần việc, như vậy sẽ nhanh có kết quả hơn. Còn nếu làm việc một mình thì sẽ phải tự xoay xở. Nếu giỏi lắm, một người cũng chỉ có thể thực hiện được 1-2 bài nghiên cứu/năm.

Ngoài phối hợp cùng giảng viên trong trường, chúng tôi còn liên kết với các trường bạn (cả trong nước lẫn quốc tế) trong hoạt động NCKH. Hợp tác quốc tế trong NCKH giúp đội ngũ giảng viên nhà trường nâng cao trình độ. Lĩnh vực hợp tác này thường thông qua mối quan hệ của các tiến sĩ đã đi du học ở nước ngoài. Họ thường hợp tác với các giáo sư hoặc bạn bè, đồng nghiệp ở trường được đào tạo. Thông qua các hội thảo quốc tế, chúng tôi cũng có thể gặp được những người có cùng chung hướng nghiên cứu và chủ động liên hệ với nhau để lập nhóm nghiên cứu. Khi đủ tốt, các cá nhân trong nhóm có thể tách ra để thành lập nên nhóm nghiên cứu khác.

  Là tác giả có nhiều bài báo công bố quốc tế, ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm của ông trong hoạt động này?

- Tôi học đại học và cao học  ở Việt Nam. Thời điểm đó, ngay cả giảng viên hướng dẫn của tôi cũng chưa quen với việc viết bài báo khoa học quốc tế. Gần đây, khi quan hệ hợp tác quốc tế mở rộng, chúng ta có nhiều nhà khoa học đi du học đã đưa kiến thức, cách thức NCKH theo chuẩn quốc tế về Việt Nam.

Bản thân tôi, năm 2010 tham gia làm nghiên cứu sinh ở Đài Loan (Trung Quốc). Khi đó, tôi mới biết được những tiêu chuẩn viết bài báo khoa học quốc tế. Tôi cũng may mắn gặp được giáo sư hướng dẫn là người rất chuyên tâm NCKH. Ông có rất nhiều bài báo quốc tế. Tôi đã tìm đọc tất cả các bài báo đó của thầy. Từ đó rút ra kinh nghiệm cho mình. Tôi cũng tìm đọc các cuốn sách hướng dẫn viết bài báo khoa học. Sau đó tôi tập viết các bài báo cho hội thảo khoa học. Ban đầu, để có được một bài báo đăng trên tạp chí quốc tế rất gian nan. Nhưng dần dần, tôi nâng được kiến thức và kỹ năng viết bài.

Theo tôi, nếu như yêu cầu cao nhất của đề tài chuyển giao công nghệ là tính ứng dụng thì yêu cầu quan trọng của một bài báo khoa học chính là tính mới của đề tài nghiên cứu. Muốn vậy, người viết bài phải làm rõ tổng quan tính hình nghiên cứu, nêu rõ ưu, nhược điểm của các công trình đi trước. Với khối ngành kỹ thuật của chúng tôi, nhiều khi tính mới chính là chỉ ra được nhược điểm của vấn đề nghiên cứu và cách khắc phục nhược điểm đó.

Tóm lại, theo tôi, muốn viết được một bài công bố khoa học quốc tế, việc đầu tiên chính là phải đọc nhiều công trình nghiên cứu quốc tế. Ngay cả những người đã có nhiều công trình công bố rồi thì vẫn phải thường xuyên đọc. Có như vậy mới cập nhật được xu hướng nghiên cứu mới để tìm ra hướng đi cho mình.

Xin cảm ơn ông!

Tường Vi (thực hiện)

Tin xem nhiều