Thời gian qua, Đồng Nai đã thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thời gian qua, Đồng Nai đã thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong mắt các nhà đầu tư, tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển thành trung tâm dịch vụ, chế biến nông sản cấp khu vực và quốc gia, quốc tế. Tuy nhiên, thu hút đầu tư chế biến nông sản của Đồng Nai vẫn chưa xứng với tiềm năng.
Đồ họa thể hiện số lượng cơ sở chế biến, doanh nghiệp chế biến thực phẩm từ thịt động vật trên cạn hiện có trên địa bàn tỉnh. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân) |
[links()]Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, không chỉ những tập đoàn, doanh nghiệp lớn mà nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX cũng quan tâm đầu tư bảo quản, chế biến để phát triển bền vững.
* Tập trung thu hút ngành công nghiệp chế biến
Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của cả nước với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư. Đồng Nai cũng thuộc tốp đầu cả nước về lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi với khoảng 40 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt tổng công suất thiết kế trên 3 triệu tấn sản phẩm/năm. Trong đó, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này như: Tập đoàn C.P. (Thái Lan), Cargill (Mỹ), CJ (Hàn Quốc), De Heus (Hà Lan), Haid (Singapore), Emivest (Malaysia)... Các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, không chỉ đáp ứng nhu cầu về thức ăn chăn nuôi nội tỉnh mà còn cung cấp cho nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Trong nhiều chương trình làm việc về kinh tế - xã hội tại các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng định hướng, các địa phương cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nông thôn, nhất là các trục đường giao thông kết nối giữa các địa phương, các vùng chuyên canh nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện có một số doanh nghiệp có tiềm lực đang tìm hiểu với dự định đầu tư nhà máy chế biến nông sản quy mô lớn, công nghệ hiện đại tại Đồng Nai, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, chế biến sâu để có đầu ra bền vững cho nông sản. |
Tỉnh cũng thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào ngành chế biến thịt tươi cũng như các sản phẩm khác từ thịt gia súc, gia cầm. Đến nay, toàn tỉnh có 22 doanh nghiệp chế biến thực phẩm từ thịt động vật trên cạn. Trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp này chế biến, cung cấp ra thị trường khoảng 30 ngàn tấn thành phẩm, tương đương với khoảng 45 ngàn tấn nguyên liệu tươi.
Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở có sơ chế, chế biến thực phẩm đều thực hiện theo quy trình khép kín từ con giống đến chăn nuôi, giết mổ và bảo quản để chế biến. Các sản phẩm chế biến rất đa dạng như: giò chả, chà bông, xúc xích, thịt nguội, thịt xông khói... Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư các nhà máy chế biến thịt hiện đại, đạt chuẩn quốc tế với tham vọng không chỉ chiếm lĩnh được thị trường nội địa mà còn bắt đầu có sản phẩm xuất khẩu đi các nước, trong đó có cả những thị trường khó tính như Nhật Bản.
Về trồng trọt, các mặt hàng cây công nghiệp chủ lực như: cao su, cà phê, điều, hồ tiêu có diện tích lớn, hình thành được các vùng chuyên canh nên đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư chế biến sâu. Chỉ tính riêng ngành cà phê, Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước về đầu tư chế biến cà phê hòa tan nguyên chất, cà phê hòa tan phối trộn với sự góp mặt của nhiều nhà máy chế biến lớn như: Vinacafé Biên Hòa, Nestlé Việt Nam và Nhà máy Sản xuất cà phê hòa tan Tín Nghĩa...
Thu hoạch và chế biến hạt ca cao xuất khẩu tại Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán). Ảnh: B.Nguyên |
Không chỉ những tập đoàn lớn mà nhiều doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa cũng rất quan tâm đầu tư khâu chế biến. Ông Nguyễn Văn Thứ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm GC (Khu công nghiệp Giang Điền, H.Trảng Bom) chia sẻ, đầu tư chế biến sâu mới là bài toán đầu ra bền vững cho nông sản nên công ty đã nghiên cứu chế biến sâu một số loại nông sản thế mạnh của Việt Nam như: cà phê, nha đam, thạch dừa... Hiện sản phẩm của doanh nghiệp đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản... Công ty đã ký hợp đồng bao tiêu đầu ra cho nông dân với giá tốt để xây dựng vùng nguyên liệu cho chế biến.
* Vẫn còn nhiều lợi thế phát triển
Đồng Nai có vùng nguyên liệu trù phú, dồi dào các loại nông sản, đặc biệt là các loại đặc sản trái cây, rau củ nên là mảnh đất màu mỡ cho đầu tư vào chế biến. Nhưng thực tế, ngành chế biến các mặt hàng nông sản trên của Đồng Nai còn thiếu và yếu. Cục trưởng Cục Chế biến - phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Quốc Toản nhận xét, Đồng Nai có trên 2,7 ngàn cơ sở chế biến nhưng chủ yếu là các cơ sở chế biến đồ gỗ, giày da, cao su, cà phê... Đồng Nai còn có nhiều lợi thế phát triển chế biến sâu với nhiều mặt hàng nông sản khác, đặc biệt là các loại rau củ, trái cây tươi.
Ngoài ra, với lợi thế là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước, Đồng Nai phải phát triển hơn nữa về chế biến sản phẩm chăn nuôi, xây dựng được những trung tâm chế biến sản phẩm chăn nuôi cấp quốc gia, quốc tế. Đồng Nai còn có lợi thế là đã có chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) là thành viên của Liên hiệp Chợ đầu mối thế giới, nằm trong chuỗi của chợ đầu mối thế giới. Thời gian gần đây, Bộ NN-PTNT rất chú trọng thúc đẩy toàn diện lĩnh vực chế biến, từ khâu sơ chế, bảo quản đến chế biến tinh và chế biến sâu. Nhóm những nghị định, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào nông nghiệp đã khá đầy đủ, địa phương nên tập trung tổ chức triển khai để thu hút doanh nghiệp tham gia.
Góp ý cho định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, GS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam gợi ý, phát triển sản xuất gắn liền với nhà máy chế biến là lợi thế rất lớn trong phát triển nông nghiệp. Đồng Nai có nhiều lợi thế hơn những địa phương khác trong sản xuất phục vụ chế biến vì Đồng Nai có khu công nghiệp phát triển, gần các cửa sông lớn, cảng biển. Trong khi đó, những tỉnh, thành phát triển mạnh về công nghiệp như TP.HCM có diện tích đất dành cho nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Tỉnh phải tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản; gắn kết giữa các vùng trồng với các nhà máy chế biến trên cơ sở tính toán kỹ từng bước đi để tránh tình trạng “trồng rồi lại chặt”.
Thu hoạch và chế biến hạt ca cao xuất khẩu tại Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán). Ảnh: B.Nguyên |
TS Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp - đơn vị tư vấn Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế cho rằng, một trong những nội dung quan trọng của đề án là Đồng Nai phải hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp - chế biến nông sản sâu hàng đầu của Việt Nam. Tỉnh có nhiều lợi thế là nằm sát thị trường tiêu thụ lớn là TP.HCM; rất thuận lợi về vị trí địa lý để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản qua đường bộ cũng như đường biển. Để thực hiện định hướng trên, tỉnh cần nghiên cứu sâu hơn, xây dựng cơ sở dữ liệu về các nông sản chủ lực gắn với xây dựng các chuỗi liên kết nhằm đưa ra những chính sách phù hợp, tạo bệ đỡ cho các nhóm cây trồng chủ lực này phát triển toàn diện. Ngoài ra, địa phương cũng cần có những chính sách thiết thực để thu hút được những doanh nghiệp chế biến hàng đầu về địa phương; trở thành trung tâm chế biến nông sản của cả khu vực.
Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, các cấp ủy, chính quyền của Đồng Nai có một tư duy rất sớm về vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn khác với nhiều nơi vẫn giữ tư duy ỷ lại trong xây dựng nông thôn mới hoặc vẫn xem nông nghiệp là mảng phụ, chỉ cần giữ ổn định. Công nghiệp Đồng Nai phát triển mạnh, có đội ngũ công nhân có tác phong công nghiệp là lợi thế để thu hút và phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản ở tầm khu vực, quốc gia và quốc tế. |
Bình Nguyên