(ĐN) - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, đối với dự án Nút giao thông ngã tư Dầu Giây (TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất), tỉnh sẽ thực hiện tạm ứng nguồn vốn hoàn thành thi công dự án khi Bộ GT-VT có đề nghị hỗ trợ đối với dự án.
(ĐN) - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, đối với dự án Nút giao thông ngã tư Dầu Giây (TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất), tỉnh sẽ thực hiện tạm ứng nguồn vốn hoàn thành thi công dự án khi Bộ GT-VT có đề nghị hỗ trợ đối với dự án.
Dự án Nút giao thông ngã tư Dầu Giây có hạng mục chính là xây dựng cầu vượt (cầu vượt Dầu Giây) dọc theo quốc lộ 1, mặt cắt ngang cầu là 16m với 4 làn xe cơ giới. Phần nút giao được mở rộng cả trên quốc lộ 1 và quốc lộ 20. Ngoài ra, một đoạn quốc lộ 20 dài 1,5km được mở rộng từ nút giao Dầu Giây về hướng TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Dự án do Công ty CP BT 20 - Cửu Long làm chủ đầu tư, được khởi công vào đầu năm 2017 với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành thi công sau 1 năm xây dựng, tuy nhiên do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và nguồn vốn nên đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thành thi công. Theo chủ đầu tư, nguyên nhân chính khiến dự án bị chậm tiến độ là do đội vốn. Cụ thể, ban đầu kinh phí cho công tác giải phóng mặt bằng được phê duyệt là 17 tỷ đồng nhưng sau đó bị đội vốn lên 134 tỷ đồng. Để bù vào số tiền đội lên, chủ đầu tư đã yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thuế VAT dự án Nâng cấp quốc lộ 20 và vốn đối ứng, nhưng đến nay vẫn chưa có. Hiện nay, chủ đầu tư chỉ còn nguồn vốn khoảng 14 tỷ đồng cho dự án nhưng để hoàn thành toàn bộ cần có nguồn vốn khoảng 80 tỷ đồng.
Việc chậm tiến độ của dự án đã khiến người dân trong khu vực rất bức xúc vì đời sống bị xáo trộn. Đồng thời, việc thi công kéo dài cũng khiến tình trạng mất an toàn giao thông qua khu vực gia tăng. Hiện nay, chủ đầu tư đang huy động các nguồn vốn để cố gắng thông xe hạng mục cầu vượt Dầu Giây trước Tết Nguyên đán 2021.
Lê Văn