Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyển giao kỹ thuật cao trong y tế: Phục vụ người bệnh tốt hơn

03:12, 23/12/2020

Những năm gần đây, các bệnh viện ở Đồng Nai đã tiếp nhận và thực hiện thành công nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao do các bệnh viện lớn ở TP.HCM chuyển giao.

Những năm gần đây, các bệnh viện ở Đồng Nai đã tiếp nhận và thực hiện thành công nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao do các bệnh viện lớn ở TP.HCM chuyển giao.

BS Huỳnh Mạnh Nhi, Phó trưởng khoa Chỉnh hình nhi Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM (bìa phải) thăm khám cho một bệnh nhi đã và đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG
BS Huỳnh Mạnh Nhi, Phó trưởng khoa Chỉnh hình nhi Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM (bìa phải) thăm khám cho một bệnh nhi đã và đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG

Nhờ làm chủ nhiều kỹ thuật cao mà ngày càng nhiều bệnh nhân bị bệnh nặng ở Đồng Nai được cứu chữa thành công, không phải tốn nhiều chi phí, công sức, thời gian chuyển lên tuyến trên. Các bệnh viện ở TP.HCM vì thế cũng giảm nhiều áp lực.

* Làm chủ kỹ thuật mổ tim hở

Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai vừa thanh lý hợp đồng chuyển giao kỹ thuật mổ tim hở với Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.

Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Đặng Hà Hữu Phước cho biết, để được Bộ Y tế cho phép thực hiện mổ tim hở, từ năm 2015, bệnh viện đã chuẩn bị các yếu tố cần thiết như: đội ngũ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc.

Tháng 3-2018, sau khi được Bộ Y tế phê duyệt đề án Mổ tim hở, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã ký hợp đồng chuyển giao kỹ thuật mổ tim hở với Bệnh viện Chợ Rẫy. Đây là kỹ thuật cao trong điều trị bệnh lý về tim mạch mà trước đây chỉ những bệnh viện tuyến trung ương mới làm được.

TS-BS Nguyễn Thế Luyến (nguyên Phó chủ nhiệm bộ môn Chấn thương chỉnh hình Trường đại học Y dược TP.HCM, chuyên gia phẫu thuật cột sống Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM) chia sẻ: “Từ tháng 4-2018, tôi cùng với một số chuyên gia đầu ngành ở TP.HCM đã gắn bó với Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Hơn 2 năm qua, mặc dù đường sá xa xôi nhưng động lực lớn nhất để chúng tôi gắn bó với nơi này chính là sức khỏe của người dân. Tôi được biết có những người dân trước đây phải lặn lội từ 2-3 giờ sáng bắt xe ô tô, thậm chí đi xe máy lên các bệnh viện ở TP.HCM để chờ được khám bệnh, tốn nhiều thời gian, chi phí, công sức. Từ ngày có các phòng khám chuyên gia do các bác sĩ ở TP.HCM về, người dân không còn phải đi xa nữa…”.

TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - một trong những bác sĩ trực tiếp tiếp nhận kỹ thuật mổ tim hở cho biết, từ tháng 3-2018 đến nay, bệnh viện đã thực hiện tổng cộng 48 ca phẫu thuật tim hở. Trong đó, ngoài 19 ca do bác sĩ của bệnh viện tự thực hiện, còn lại là nhờ các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đến chuyển giao kỹ thuật và hướng dẫn các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thực hiện. Các bệnh nhân được phẫu thuật đa dạng về tuổi đời, nhỏ nhất là bệnh nhi 9 tuổi, lớn nhất là 69 tuổi. Các loại phẫu thuật được thực hiện bao gồm: tật tim bẩm sinh (thông liên nhĩ, thông liên thất); bệnh van tim (sửa/thay van hai lá, thay van động mạch chủ, sửa van ba lá) và các kỹ thuật khác như: bắc cầu động mạch vành, y nhầy nhĩ trái, bóc nội mạc động mạch cảnh, phẫu thuật Maze.

PGS-TS Trần Quyết Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, thời gian qua, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chuyển giao kỹ thuật mổ tim hở cho Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và thực hiện đề án Bệnh viện vệ tinh với Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Việc 2 bệnh viện trong một tỉnh có thể triển khai thành công kỹ thuật mổ tim hở được xem là thành công lớn đối với ngành Y tế tỉnh Đồng Nai.  Bởi lẽ, mổ tim hở là kỹ thuật cao trong điều trị bệnh lý về tim mạch, đòi hỏi các bệnh viện phải đáp ứng được yêu cầu gắt gao về nhân sự có trình độ tay nghề, chuyên môn cao; phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Đặc biệt, phải có sự định hướng, chỉ đạo, tạo điều kiện từ lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo các bệnh viện.

* Điều trị dị tật bẩm sinh ở trẻ

Mới đây, ThS-BS Huỳnh Mạnh Nhi, Phó trưởng khoa Chỉnh hình nhi Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM đã tới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để chuyển giao kỹ thuật kéo dài gân cơ khoeo và gân gót cho bệnh nhân bị bại não. Tác dụng của kỹ thuật này là giúp bệnh nhân có thể đi đứng với tư thế dễ dàng, đỡ tốn sức hơn, gia đình chăm sóc các em cũng thuận tiện, đỡ vất vả hơn.

Theo BS Nhi, tiến bộ của y học hiện nay đã cứu giúp nhiều trường hợp em bé sinh non, sinh ngạt. Tuy nhiên, việc sinh non, sinh ngạt để lại di chứng bại não khiến trẻ bị co rút gân cơ ở vùng chi khiến trẻ không thể đi lại bình thường được. Có trường hợp trẻ chỉ bò và lết khiến trẻ mất sức, mau mệt hoặc chỉ phải nằm một chỗ. Thậm chí, nếu trẻ bị khép khớp háng nhiều, lâu ngày sẽ dẫn đến trật khớp háng gây khó khăn lớn trong chăm sóc và điều trị.

Một ca phẫu thuật kéo dài gân cơ khoeo và gân gót cho bệnh nhân bị bại não tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
Một ca phẫu thuật kéo dài gân cơ khoeo và gân gót cho bệnh nhân bị bại não tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai

“Để có thể thực hiện được kỹ thuật này, yêu cầu trước tiên là bệnh viện phải có đội ngũ nhân lực có tay nghề cao, phải có bác sĩ gây mê nhi, bác sĩ phẫu thuật phù hợp, có đội ngũ kỹ thuật viên vật lý trị liệu hợp tác tốt. Chúng tôi rất an tâm khi chuyển giao kỹ thuật này cho Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai vì bệnh viện có đội ngũ bác sĩ gây mê tốt, có thể gây mê em bé trong tư thế nằm sấp, có đội ngũ bác sĩ chỉnh hình năng động, ham học hỏi, tay nghề tốt” - BS Nhi chia sẻ.

Trong ngày đầu chuyển giao kỹ thuật, đích thân BS Nhi đã thực hiện một ca phẫu thuật chỉnh hình cho nam bệnh nhi M.V.L., 6 tuổi, ngụ H.Xuân Lộc. Cùng thực hiện ca phẫu thuật với BS Nhi có BS CKII Phạm Văn Khương, Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai và các bác sĩ trong khoa.

BS CKII Phạm Văn Khương cho biết, bé M.V.L. bị bại não từ nhỏ, được người nhà đưa đi điều trị nhiều lần tại một số cơ sở ở TP.HCM nhưng chưa thành công. Cách đây ít lâu, gia đình đưa bệnh nhân về Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thăm khám, chữa trị. Tại đây, các bác sĩ nhận thấy bé L. bị co rút bàn chân rất nặng, từ nhỏ đến nay không đi lại được, chỉ bò và lết. Để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã hội chẩn với các chuyên gia của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM và đưa ra kết luận cần cắt cơ gót và cơ ở vùng khoeo để điều trị cho bé.

Trong hơn 2 giờ thực hiện ca phẫu thuật, các bác sĩ đã tiến hành can thiệp ở các vị trí trên cơ thể bệnh nhân như: háng, khoeo chân, gót chân, cẳng chân, cơ vùng chân. Sau ca phẫu thuật, bàn chân của bệnh nhân gấp tốt, được bó bột 3 tuần từ đùi xuống đến bàn chân, được dùng kháng sinh trong 3-4 ngày đầu, sau đó cho xuất viện rồi hẹn tái khám. Các y, bác sĩ sẽ cắt bột, tập vật lý trị liệu và hướng dẫn cho bé đi lại.

Theo BS Khương, cách đây 6 tháng, anh cũng đã thực hiện một ca phẫu thuật tương tự cho một bệnh nhân bị bại não, trước kia chỉ bò và lết. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân đã đi được khiến gia đình vô cùng vui mừng. Tuy nhiên, trường hợp bé L. khá phức tạp, cần phải can thiệp ở nhiều vị trí trên cơ thể nên bệnh viện đã mời các chuyên gia ở TP.HCM về để chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao kỹ thuật.

Được biết, từ đầu năm đến nay, các bác sĩ bệnh viện tuyến trên ở TP.HCM đã về và chuyển giao cho các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai 3 kỹ thuật gồm: kỹ thuật kéo dài gân cơ khoeo và gân gót cho bệnh nhân bị bại não; điều trị di chứng trật khớp háng bẩm sinh; bàn chân khoèo loại nặng.

Việc chuyển giao kỹ thuật đem lại ý nghĩa lớn về nhiều phía. Trước hết, bệnh nhân khi được điều trị ở Đồng Nai sẽ không phải di chuyển lên các bệnh viện tuyến trên, gia đình đỡ nhiều công sức, chi phí đi lại, ăn ở, chờ đợi được điều trị. Ngoài chuyển giao kỹ thuật về chấn thương chỉnh hình cho trẻ bại não, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cũng tiếp nhận kỹ thuật cao thuộc lĩnh vực Ngoại thần kinh. Do đó, trong những trường hợp bệnh nhân bị chấn thương sọ não, nếu được điều trị ngay ở Đồng Nai, bệnh nhân sẽ có cơ hội sống sót, bình phục lớn. Ngược lại, nếu phải tốn 1-2 giờ để di chuyển lên TP.HCM sẽ mất đi thời gian vàng của bệnh nhân. Khi đó, tỷ lệ được cứu sống và bình phục thấp hơn rất nhiều. Riêng trong lĩnh vực chỉnh hình, do phải điều trị lâu dài, trước mổ và sau mổ đều phải tập vật lý trị liệu nên việc được điều trị ở gần nhà giúp cho bệnh nhân và gia đình bệnh nhân có cơ hội được điều trị lâu dài, nâng cao hiệu quả điều trị.

* Đào tạo tại chỗ cho các bác sĩ

Sau bệnh nhân, bác sĩ tuyến dưới là những người được lợi nhiều nhất từ việc chuyển giao kỹ thuật mới, kỹ thuật cao từ các chuyên gia tuyến trên. Cụ thể, các bác sĩ bệnh viện tuyến dưới có cơ hội được đào tạo tại chỗ, được các chuyên gia “cầm tay chỉ việc”, được tận mắt chứng kiến, học hỏi từ những ca mổ của các chuyên gia. Từ đó, những ca mổ sau, các bác sĩ tuyến dưới chỉ cần thầy đứng bên hướng dẫn, thậm chí có thể tự thực hiện được khi tay nghề đã vững.

Bên cạnh đó, việc chuyển giao kỹ thuật mới còn tạo dựng được mối quan hệ giữa các bác sĩ, bệnh viện tuyến dưới với các bác sĩ, bệnh viện tuyến trên. Từ đó, tạo kết nối, thuận lợi cho bệnh viện tuyến dưới ở những ca bệnh sau. Đây là tiền đề để thực hiện khám, chữa bệnh từ xa, giúp các bác sĩ tuyến dưới tự tin hơn khi thực hiện các ca phẫu thuật khó, xây dựng thương hiệu bệnh viện.

BS CKII Phạm Đông Đoài, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, khoa hiện có 8 bác sĩ. Các bác sĩ đều có tinh thần ham học hỏi, đổi mới và sáng tạo nhằm đem lại những điều tốt nhất cho người bệnh, giúp bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên. Các bác sĩ trong khoa đã và đang khắc phục những khó khăn để thời gian tới sẽ triển khai thực hiện tốt hơn nữa phẫu thuật điều trị nhiều dị tật bẩm sinh về cơ xương khớp như: chân khoèo, trật khớp háng bẩm sinh, các u bướu ở các cơ quan vận động, dị tật khớp giả bẩm sinh, bàn tay khoèo…

Cũng nhờ có sự chuyển giao kỹ thuật từ các chuyên gia mà trình độ chuyên môn kỹ thuật của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được nâng lên. TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực chia sẻ, từ ê-kíp được đào tạo có chứng nhận của Bệnh viện Chợ Rẫy và ê-kíp được đào tạo trực tiếp tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, đến nay ê-kíp ngoại khoa tim của bệnh viện có 4 bác sĩ tham gia phẫu thuật, 1 bác sĩ gây mê, 1 bác sĩ chạy máy, 5 bác sĩ hồi sức sau mổ, 2 kỹ thuật viên gây mê, 2 kỹ thuật viên chạy máy, 11 điều dưỡng.

“Sau 32 tháng tiếp nhận kỹ thuật mổ tim hở, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã có thể độc lập thực hiện các kỹ thuật mổ tim hở căn bản như: bệnh tim bẩm sinh đơn giản, tổn thương 2 van tim, hẹp động mạch vành cần làm 2 cầu nối. Chúng tôi mong muốn Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ tiếp tục hỗ trợ đào tạo nhân lực phẫu thuật viên, gây mê, chạy máy tim phổi nhân tạo và hồi sức sau mổ tim để bổ sung cho ê-kíp của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai” - TS-BS Nguyễn Anh Dũng cho hay.    

 

Mới đây, Bệnh viện đại học Y dược Shing Mark trở thành bệnh viện tư nhân đầu tiên và là bệnh viện thứ 3 trong tỉnh sau Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất triển khai Đơn vị Tim mạch can thiệp. Trực tiếp chuyển giao kỹ thuật tim mạch can thiệp cho Bệnh viện đại học Y dược Shing Mark là GS-TS-BS Trương Quang Bình, Phó giám đốc bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Bước phát triển này vừa giúp bệnh nhân có thêm cơ hội, địa chỉ để lựa chọn điều trị, vừa giúp các y, bác sĩ của Bệnh viện đại học Y dược Shing Mark có thêm cơ hội học hỏi, nâng cao tay nghề.

Hạnh Dung


Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung:

Tận dụng tốt cơ hội để phát triển

Từ năm 2010, các bệnh viện trong tỉnh đã bắt đầu triển khai các kỹ thuật cao chuyên về thần kinh, sọ não, chỉnh hình, thay khớp, nội soi, manh nha thành lập các ê-kíp về gây mê hồi sức, phẫu thuật… Với quyết tâm lớn, đội ngũ nguồn nhân lực không ngừng được nâng cao về trình độ chuyên môn cộng với điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, các bệnh viện ở Đồng Nai đã và đang làm chủ nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu mà trước đây khó thực hiện được. Trong đó, Bệnh viện Chợ Rẫy được xem là cái nôi, là bệ phóng để các bệnh viện ở Đồng Nai dựa vào những lúc khó khăn.

Các bác sĩ ở Đồng Nai cần tận dụng tốt nhất những cơ hội khi được các thầy cô ở tuyến trên về hỗ trợ, cầm tay chỉ việc, không được lãng phí cơ hội, công sức của các chuyên gia. Đó là tiền đề để thực hiện những kỹ thuật khó hơn nữa, không để xảy ra sơ suất. Các ê-kíp trong bệnh viện phải hoạt động nhuần nhuyễn hơn nữa, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Sở Y tế sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện tốt nhất để các bệnh viện phát triển các chuyên khoa, phục vụ tốt nhất cho người dân trong tỉnh.

PGS-TS Trần Quyết Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM):

Bác sĩ ở Đồng Nai tiếp nhận kỹ thuật rất tốt

 Qua 3 năm chuyển giao kỹ thuật mổ tim hở, chúng tôi nhận thấy các bác sĩ ở Đồng Nai đã tiếp nhận kỹ thuật rất tốt. Minh chứng là các bác sĩ Đồng Nai đã tự thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật mà không cần có sự hỗ trợ, hướng dẫn của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy. Chúng tôi tin tưởng đội ngũ phẫu thuật viên chính, các bác sĩ gây mê, hồi sức, chẩn đoán, siêu âm… trẻ, hăng hái, nhiệt huyết sẽ là tiền đề vững chắc để các bệnh viện ở Đồng Nai phát triển tốt hơn nữa trong tương lai.

Với một tỉnh có hơn 3 triệu dân như Đồng Nai, việc có các trung tâm tim mạch có thể điều trị tốt các bệnh lý về tim mạch bằng những kỹ thuật cao, chuyên sâu không chỉ đem lại lợi ích cho bệnh nhân mà còn giúp cho các bệnh viện tuyến trên giảm áp lực, giảm quá tải.

BS CKII Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai:

Hướng tới ghép tạng

Bệnh viện sẽ tiếp tục nỗ lực làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân thông qua việc tiếp nhận và làm chủ các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong khám, điều trị. Chúng tôi hy vọng các bệnh viện tuyến trên, nhất là Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ tiếp tục hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai trong thời gian tới để bệnh viện khi cần là có, khi khó thì có Bệnh viện Chợ Rẫy sẵn sàng giúp đỡ.

Sau khi hoàn tất đề án Mổ tim hở, 2 bệnh viện đã tiếp tục ký hợp đồng chuyển giao kỹ thuật mổ tim nâng cao với các kỹ thuật như: mổ van tim phức tạp, mổ bắc cầu động mạch vành khó, mổ động mạch chủ, mổ tim nhi, mổ tim ít xâm lấn.

Định hướng trong tương lai, sau mổ tim, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai sẽ quyết tâm vượt qua khó khăn, đào tạo nhân lực để tiến hành ghép tạng, trước mắt là ghép thận. Qua đó, đưa thương hiệu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai lên tầm cao mới.

BS CKII Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành:

Mở phòng khám chuyên gia phục vụ người dân

Bệnh viện vừa khánh thành khu khám bệnh mới với đầy đủ trang thiết bị, máy móc hiện đại, cơ sở vật chất khang trang. Khu khám bệnh mới đi vào hoạt động có thể đáp ứng nhu cầu khám bệnh của người dân địa phương từ 1,5-2 ngàn lượt khám mỗi ngày, trong đó có 2 phòng khám chuyên gia về tim mạch và hô hấp.

Phòng khám chuyên gia về tim mạch sẽ do các bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM đảm nhiệm. Phòng khám chuyên gia về hô hấp sẽ phối hợp với các thầy bộ môn Hô hấp của Bệnh viện Chợ Rẫy, trước mắt là BS CKII Nguyễn Ngọc Khánh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Nai sẽ trực tiếp thực hiện. Các phòng khám chuyên gia này hoạt động 3 ngày vào thứ hai, tư, sáu trong tuần. Người dân khi khám bệnh tại phòng khám chuyên gia chỉ phải trả tiền công khám 100 ngàn đồng/lượt. Còn lại khi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, lãnh thuốc, người dân sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế như đi khám bệnh thông thường.               

An Yên (ghi)


 

Tin xem nhiều