Để kích cầu du lịch, hiện không ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch chấp nhận gác lại lợi nhuận, đưa ra những chương trình khuyến mãi hấp dẫn với giá rẻ để thu hút du khách...
Dịch Covid-19 đã tác động xấu đến ngành du lịch Việt Nam. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã từng khiến ngành du lịch rơi vào những thời khắc “đóng băng” do phải thực hiện giãn cách xã hội. Trải qua những sóng gió, ngành du lịch hiện còn nhiều khó khăn, thị trường du lịch quốc tế vẫn tạm đóng cửa, đòi hỏi du lịch nội địa phải nỗ lực vươn lên, “vượt sóng” để tồn tại.
Khu du lịch Thiền Tâm (TP.Biên Hòa) thu hút du khách với mô hình du lịch chăm sóc sức khỏe. Trong ảnh: Hồ tắm nước khoáng tại Khu du lịch Thiền Tâm. Ảnh:N. Liên |
Để kích cầu du lịch, không ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch chấp nhận gác lại lợi nhuận, đưa ra những chương trình khuyến mãi, combo, tour du lịch hấp dẫn với giá rẻ để thu hút du khách. Quá trình phục hồi, ngành du lịch đã bắt đầu có những hướng đi mới, hiệu quả, đặc biệt là trong thu hút khách du lịch.
* Sôi động thị trường du lịch trong nước
Nếu những năm trước, thị trường du lịch cuối năm sôi động với những tour nước ngoài như: Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu… thì năm nay, ngành du lịch tập trung hoàn toàn cho thị trường trong nước. Các địa phương cũng tìm những hướng đi mới, tạo các sản phẩm du lịch mang đậm nét văn hóa, phong tục địa phương để du khách trải nghiệm và bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực. Điển hình trong đó là một số tỉnh miền Tây Nam bộ như: Đồng Tháp, Trà Vinh, An Giang…
Ông Nguyễn Thanh Sang, Giám đốc Công ty TNHH du lịch Chuyến đi vàng (Golden Trip, TP.Biên Hòa) cho biết, vừa qua, các doanh nghiệp lữ hành của Đồng Nai và một số tỉnh khác có chuyến khảo sát một số điểm du lịch mới tại các tỉnh miền Tây Nam bộ. Một trong số những địa phương nổi lên với sản phẩm du lịch mới là tỉnh Trà Vinh. Trước đây, Trà Vinh vốn không có thế mạnh về du lịch nhưng lại vừa cho ra sản phẩm du lịch cộng đồng chất lượng với những chính sách kích cầu hấp dẫn. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành hoạt động trong các chuyến du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, chính quyền địa phương đã có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xử lý phát sinh trong quá trình đưa khách đi tham quan. Ông Sang chia sẻ: “Sản phẩm du lịch tái hiện cuộc sống của người dân vùng sông nước với những món ăn truyền thống, những đặc sản địa phương để du khách trải nghiệm. Cùng với đội ngũ hướng dẫn viên chính là người dân địa phương được đào tạo bài bản đã tạo cho du khách cảm giác thoải mái, thích thú trong quá trình trải nghiệm”.
Khác với miền Tây Nam bộ và khu vực Nam bộ, mùa thu - đông được xem là mùa du lịch thú vị nhất ở các tỉnh miền Bắc với nhiều nét đặc trưng riêng về khí hậu, cảnh sắc thiên nhiên cùng những lễ hội mà chỉ riêng miền Bắc mới có, như: lễ hội ruộng bậc thang Mù Cang Chải ở tỉnh Yên Bái; lễ hội thác Bản Giốc ở tỉnh Cao Bằng; hoa tam giác mạch ở tỉnh Hà Giang với những cánh đồng hoa tam giác mạch bạt ngàn được du khách cả nước biết đến từ nhiều năm nay; lễ hội mùa thu Sa Pa của tỉnh Lào Cai với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi động…
Tại Hà Nội, tháng 10 là thời điểm bắt đầu của mùa thu, tiết trời mát trong cùng với những sự kiện, lễ hội, hội chợ về văn hóa, du lịch, ẩm thực, nông sản cũng được tổ chức, thu hút khách du lịch. Vừa trải qua chuyến du lịch dài 10 ngày tại các tỉnh miền Bắc với bạn bè, chị Trần Kim Hoa (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) vẫn chưa hết cảm giác thích thú với cảnh đẹp và những nét đặc trưng trong ẩm thực ở một số địa phương. Ấn tượng nhất đối với chị Hoa là những món ăn ngon trong tiết trời mát mẻ của mùa thu Hà Nội. “Lần đầu tiên được ra Hà Nội và các tỉnh phía Bắc nên tôi cảm nhận rõ sự khác biệt về khí hậu, môi trường cũng như con người nơi đây. Hà Nội rất đẹp, nhất là khu vực Phố cổ, hồ Gươm với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc mà không nơi nào có được. Tôi sẽ quay trở lại miền Bắc vào các mùa khác để tiếp tục khám phá thủ đô cổ kính này” - chị Hoa cho hay.
Ngoài ra, tại các điểm du lịch nổi tiếng như: Đà Lạt, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu… thu hút du khách bằng những mùa hoa, lễ hội, sự kiện văn hóa, văn nghệ hoặc những điểm đến mới lạ, hấp dẫn.
* Liên kết khai thác thế mạnh du lịch nội địa
Theo các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, dù những điểm đến có đầu tư sản phẩm du lịch mới với chính sách ưu đãi, trong khi thị trường du lịch quốc tế đang tạm ngưng do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng lượng khách tham quan so với những năm trước không tăng. Theo dự báo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, dịch Covid-19 đã gây thiệt hại cho ngành du lịch khoảng 23 tỷ USD (tương đương 533 ngàn tỷ đồng).
Đoàn khách du lịch Đồng Nai trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng tại tỉnh Trà Vinh. Ảnh:N. Liên |
Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số ít những quốc gia kiểm soát tốt nhất dịch bệnh Covid-19, đây là cơ sở để kỳ vọng vào sự phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Trong bối cảnh đó, sự liên kết để phục hồi, phát triển du lịch là xu thế tất yếu để ngành du lịch Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng vượt qua khó khăn, cùng nhau phát triển. Tại Đông Nam bộ và Đồng Nai đã diễn ra các diễn đàn như: Hội thảo khoa học về liên kết phát triển du lịch sinh thái vùng Đông Nam bộ; Hội nghị liên kết phát triển du lịch miền Đông Nam bộ với sự tham gia của các tỉnh, thành Đông Nam bộ; Hội nghị ký kết hợp tác kích cầu du lịch giữa các địa phương vùng Đông Nam bộ và Bình Thuận với thông điệp “7 địa phương - Du lịch an toàn và hấp dẫn” và mới đây là Hội chợ du lịch TP.HCM, Hội chợ du lịch quốc tế VITM 2020 tại Hà Nội… Các sự kiện trên là nhịp cầu giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch của Đồng Nai và các địa phương có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm, cùng nhau kết nối, khai thác, tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng.
Ông Phạm Châu An, Phó tổng giám đốc Công ty CP đầu tư du lịch Suối Mơ cho biết, để tạo sự phong phú về sản phẩm du lịch, khu du lịch Công viên Suối Mơ đã kết nối với các điểm đến du lịch cùng kết nối, tạo tour tham quan để thu hút du khách. Ngoài ra, với doanh nghiệp lữ hành, khách du lịch theo đoàn, học sinh, sinh viên đơn vị cũng có những chính sách ưu đãi riêng. “Khu du lịch Công viên Suối Mơ đang xây dựng thêm một số cảnh quan mới để chuẩn bị phục vụ du khách trong dịp cuối năm. Hy vọng rằng với những thay đổi, Suối Mơ sẽ thu hút khách trở lại như trước đây” - ông An cho biết thêm.
Khu du lịch Suối Mơ được đầu tư thêm một số hạng mục mới và nhiều chương trình kích cầu du lịch. Ảnh:N. Liên |
Sở VH-TTDL là đơn vị chủ trì tham gia các sự kiện về du lịch của khu vực và cả nước. Bà Nguyễn Thị Mộng Bình, Phó giám đốc Sở VH-TTDL cho hay, qua các chương trình tiếp xúc, giao lưu với các địa phương, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cơ hội trao đổi, học hỏi để tạo ra các sản phẩm du lịch mới. Thời gian qua, một số doanh nghiệp du lịch của tỉnh đã đưa ra một số sản phẩm mới có chất lượng cao được du khách và các chuyên gia trong ngành đánh giá rất tốt. Hy vọng thời gian tới, Đồng Nai sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong khu vực cũng như cả nước.
Đồng Nai tham gia đợt kích cầu du lịch lớn nhất trong năm Từ ngày 18 đến 21-11-2020 vừa qua, Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2020 đã được tổ chức tại Hà Nội. Đây được xem là sự kiện kích cầu du lịch lần thứ 3 và cũng là lần kích cầu lớn nhất trong năm. Hội chợ có 300 gian hàng của hàng trăm doanh nghiệp tại 48 tỉnh, thành trên cả nước cùng sự tham gia của văn phòng đại diện của 6 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Việt Nam gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, Peru và Colombia. Nhằm giới thiệu đến khách du lịch trong nước những đặc sản, điểm đến du lịch hấp dẫn của mình, tỉnh Đồng Nai với sự đại diện của Sở VH-TTDL và một số doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp sản xuất các đặc sản địa phương như: Khu du lịch Bửu Long, Vườn quốc gia Cát Tiên, Làng bưởi Tân Triều, Công ty Ca cao Trọng Đức… đã tham gia 2 gian hàng triển lãm các sản phẩm du lịch, sản phẩm nông nghiệp tại hội chợ. |
Ngọc Liên