Hiện tại, một số tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới đang có hiện tượng tính toán, phân bổ lại chuỗi cung ứng sản xuất để tránh sự lệ thuộc hoàn toàn vào một số ít quốc gia.
Hiện tại, một số tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới đang có hiện tượng tính toán, phân bổ lại chuỗi cung ứng sản xuất để tránh sự lệ thuộc hoàn toàn vào một số ít quốc gia. Dự tính, một phần dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ dịch chuyển về Việt Nam, và Đồng Nai với những lợi thế của mình, có thể đón nhận dòng vốn trên thuận lợi hơn nếu có môi trường đầu tư tốt.
Sản xuất thịt gà xuất khẩu sang Nhật Bản tại Công ty TNHH Koyu & Unitex Việt Nam ở Khu công nghiệp Loteco (TP.Biên Hòa). Ảnh:K. Minh |
Hiện nay, các tỉnh, thành trên cả nước đều rất quan tâm đến chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh hằng năm do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam đánh giá. Đây cũng là kênh để các tỉnh, thành xem xét lại những lĩnh vực nào trong môi trường đầu tư của mình còn yếu để tìm giải pháp cải thiện.
* Vẫn còn những “nút thắt”
Khâu giải quyết hồ sơ lâu sẽ kéo theo dự án triển khai chậm, doanh nghiệp sẽ mất đi cơ hội sản xuất, kinh doanh. Vì thế, dù Đồng Nai có nhiều tiềm năng hơn các tỉnh lân cận, nhưng nếu không có những thay đổi đột phá trong giải quyết các thủ tục liên quan đến đầu tư thì sẽ bỏ lỡ dòng vốn FDI đến từ nhiều quốc gia. Chẳng hạn như, Bình Dương đi sau Đồng Nai gần một thập niên về thu hút vốn FDI nhưng hiện đã vượt lên trước. Đến nay, về sự đa dạng trong thu hút dòng vốn, Bình Dương đã có 65 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào, trong khi đó Đồng Nai mới chỉ thu hút vốn FDI từ 45 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai Cao Tiến Sỹ cho biết: “Quỹ đất dành cho công nghiệp của Đồng Nai còn rất ít. Vừa qua, có một số doanh nghiệp FDI muốn tìm thuê khoảng 10ha đất trong KCN để thực hiện dự án nhưng tìm không được. Hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 KCN đang triển khai gối đầu nên việc thu hút đầu tư FDI năm nay và năm tới có thể tiếp tục khó khăn vì thiếu diện tích đất lớn cho các tập đoàn FDI thuê”. Cũng theo ông Sỹ, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đã kiến nghị UBND tỉnh, việc quy hoạch, đầu tư một KCN mới mất thời gian 2-3 năm trở lên. Do vậy, năm 2021, UBND tỉnh tập trung giải phóng mặt bằng, giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư để mở rộng diện tích các KCN trên địa bàn đã được phê duyệt.
Việc giải phóng mặt bằng cho các dự án mở rộng KCN ở Đồng Nai triển khai rất chậm.Có những dự án vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài 5-10 năm chưa có đất sạch để hoàn thành hạ tầng KCN, cho doanh nghiệp thuê. Ví dụ như: dự án mở rộng các KCN Hố Nai, Sông Mây (H.Trảng Bom), Amata (TP.Biên Hòa)... Dự án KCN công nghệ cao Long Thành (H.Long Thành) đầu tư mới nhưng chậm tiến độ gần 3 năm và chưa biết đến khi nào hoàn tất bồi thường giải phóng mặt bằng để thu hồi đất làm hạ tầng kỹ thuật để cho nhà đầu tư thứ cấp thuê.
Mới đây, trong cuộc họp về kinh tế 10 tháng của năm 2020 và đưa ra phương hướng nhiệm vụ cho 2 tháng cuối Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh: “Đồng Nai còn rất ít đất trong KCN với diện tích 5ha trở lên để mời gọi các doanh nghiệp FDI lớn đầu tư vào. Vì thế, các sở, ngành phối hợp với các địa phương quy hoạch, thực hiện nhanh các KCN Phước Bình (H.Long Thành), Phước An (H.Nhơn Trạch), Cẩm Mỹ (H.Cẩm Mỹ) để xây dựng hạ tầng và mời gọi doanh nghiệp FDI rót vốn vào”.
* Tăng lợi thế, hạn chế điểm yếu
Nếu không chuẩn bị nhanh các điều kiện cần thiết để đón dòng vốn FDI trong giai đoạn tới, Đồng Nai có thể sẽ để “thất thoát” mất dòng vốn lớn có chất lượng. Hiện nay, FDI đang đóng góp hơn 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, nộp ngân sách nhà nước gần 1 tỷ USD/năm. Trái lại, nếu kịp thời “gỡ” được các “nút thắt” nói trên thì thu hút được các dự án FDI chất lượng, có giá trị gia tăng cao sẽ đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế.
Chỉ số PCI cấp tỉnh đo lường chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trên 10 lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh tế tư nhân. Theo đó, một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; chi phí không chính thức thấp; thời gian thanh kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; mội trường cạnh tranh bình đẳng; chính quyền tỉnh năng động sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp...
Từ năm 2017 đến nay, Đồng Nai chuyển từ xếp hạng chỉ số PCI cấp tỉnh từ trung bình sang khá và có sự cải thiện, nhưng vẫn chưa có bước đột phá để nâng được năng lực cạnh tranh cấp tỉnh lên hạng tốt. Những chỉ số Đồng Nai đang bị giảm dần là: gia nhập thị trường và tiếp cận đất đai.
Theo ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam ở KCN Biên Hòa 2, để cộng đồng doanh nghiệp hồi phục, nhất là sau những khó khăn của đại dịch Covid-19 và tiếp tục phát triển vững mạnh, chính quyền tỉnh nên thường xuyên lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục kiên trì bám sát các mục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra không cần thiết, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh. Đồng Nai cần có những chính sách hoàn thiện môi trường đầu tư để các doanh nghiệp vững tin vào đường lối và chính sách thu hút đầu từ của tỉnh.
Khánh Minh