Với nhiều điểm mới, Nghị định số 10 của Chính phủ và Thông tư số 12 của Bộ GTVT ra đời được hy vọng sẽ siết chặt quản lý đối với xe kinh doanh vân tải, ngăn chặn tình trạng "xe dù", "bến cóc"...
Ông Lê Văn Đức |
[links()]Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải (KDVT) bằng xe ô tô (gọi tắt là Nghị định 10) và Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (gọi là Thông tư 12) có nhiều điểm mới, được hy vọng sẽ siết chặt quản lý đối với xe KDVT, ngăn chặn tình trạng “xe dù”, “bến cóc”, xe hợp đồng hoạt động trá hình. Ông Lê Văn Đức, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện Sở GT-VT cho biết:
- Nghị định 10 được ban hành thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước về KDVT bằng xe ô tô, cắt giảm các thủ tục hành chính và những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp. Đồng thời, tạo lập môi trường KDVT minh bạch, công bằng, thuận lợi, hiện đại tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh hoạt động ổn định, phát triển.
* Ông có thể nói rõ một số điểm mới trong Nghị định 10 và Thông tư 12 quy định về hoạt động xe KDVT?
- Đầu tiên, phải kể đến là việc quy định về cấp giấy phép KDVT. Trước đây, giấy phép KDVT chỉ có thời hạn 7 năm, sau khi hết hạn thì doanh nghiệp bắt buộc phải làm thủ tục gia hạn. Tuy nhiên, theo nghị định mới giấy phép kinh doanh là không thời hạn, khi nào có sự thay đổi mới thì sẽ cập nhật bổ sung. Đối với người điều hành tham gia hoạt động vận tải phải có trình độ trung cấp chuyên ngành Vận tải để quản lý tốt hơn lĩnh vực mình hoạt động. Ngoài ra, với những tuyến cố định hoạt động liên tỉnh có thể được chấp nhận hoạt động tạm thời nếu doanh nghiệp đảm bảo đúng yêu cầu đưa ra…
* Quy định mới được đánh giá chặt chẽ, liệu có xóa bỏ được tình trạng “xe dù”, “bến cóc” lén lút hoạt động như lâu nay không?
- Đối với những xe du lịch, xe khách hợp đồng thì Nghị định 10 quy định rõ và chặt chẽ hơn. Theo đó, nếu xe hoạt động trên địa bàn nào mà chiếm tỷ lệ 70% thì phải xin giấy phép và phù hiệu theo đúng quy định. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xin phù hiệu ở đâu thì phải báo cáo về địa phương đó để Sở GT-VT kiểm soát hợp đồng hoạt động có đúng không, tránh trường hợp hoạt động trá hình. Quan trọng hơn, nghị định mới cũng quy định đã là xe hợp đồng hoạt động theo yêu cầu của hành khách thì hành trình không được lặp đi lặp lại mỗi ngày. Nếu đã lặp lại thì buộc phải chuyển thành tuyến cố định. Như vậy sẽ ngăn chặn tình trạng “xe dù”, “bến cóc”, doanh nghiệp, chủ xe lợi dụng quy định pháp luật chưa chặt chẽ để hoạt động trá hình.
Lực lượng Thanh tra giao thông xử phạt một trường xe vi phạm kinh doanh vận tải |
* Trách nhiệm của lái xe, doanh nghiệp trong việc để xảy ra tai nạn giao thông được quy định ra sao?
- Theo quy định các doanh nghiệp làm ăn tùy tiện, không đảm bảo chất lượng dịch vụ và an toàn giao thông sẽ bị kiểm tra, xử lý, đồng thời gắn trách nhiệm của chủ xe khi xảy ra các sự cố như tai nạn giao thông. Khi xe hoạt động thì mọi vấn đề phương tiện phải đảm bảo chất lượng; kể cả lái xe phải có đầy đủ các điều kiện về bằng lái, sức khỏe, thời gian hoạt động trên đường theo đúng quy định của Nghị định 10 và Thông tư 12.
* Liên quan đến xe KDVT, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 58/2020 quy định về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển từ biển số trắng sang biển số vàng; trong khi ngành GT-VT cũng quy định doanh nghiệp, người dân tham gia KDVT phải có phù hiệu, giấy phép kinh doanh. Liệu có gây chồng chéo, thiếu thống nhất giữa 2 ngành hay không, thưa ông?
- Theo quy định hiện nay, đối với những xe tham gia KDVT phải được cấp phép và gắn phù hiệu. Tương tự, theo Thông tư 58/2020 của Bộ Công an thì xe KDVT bắt buộc phải chuyển từ biển số trắng sang biển số vàng. Tuy nhiên, trong KDVT có nhiều loại hình như: vận tải hành khách cố định (gồm vận tải hành khách nội tỉnh, liên tỉnh), vận tải hành khách hợp đồng, du lịch, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hàng hóa… Mỗi lĩnh vực có một loại phù hiệu riêng phù hợp với loại hình đó nên không có sự trùng lắp hay thiếu thống nhất giữa hai bên.
* Xin cảm ơn ông!
Võ Nguyên (thực hiện)