Báo Đồng Nai điện tử
En

Long Thành - Nhơn Trạch: Cực tăng trưởng mới của Đồng Nai

04:11, 09/11/2020

Với tiềm năng, dư địa phát triển còn rộng mở, cùng với hàng loạt dự án hạ tầng lớn đang được triển khai, H.Long Thành và H.Nhơn Trạch được  xác định sẽ là cực tăng trưởng mới...

Với tiềm năng, dư địa phát triển còn rộng mở, cộng hưởng với “lực đẩy” từ hàng loạt dự án hạ tầng lớn đang được triển khai thực hiện, H.Long Thành và H.Nhơn Trạch được Đồng Nai xác định sẽ là cực tăng trưởng mới của tỉnh trong những năm tới.

Đồ họa thể hiện quy mô diện tích và dân số hiện nay của 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch (Thông tin: Phạm Tùng - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện quy mô diện tích và dân số hiện nay của 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch (Thông tin: Phạm Tùng - Đồ họa: Hải Quân)

* Nhiều lợi thế tăng trưởng

Long Thành - Nhơn Trạch là 2 địa phương nằm ở khu vực phía Nam của Đồng Nai. Đây cũng là 2 địa phương nằm ở vị trí trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với vị trí “chiến lược” này, H.Long Thành và H.Nhơn Trạch từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư.

Thực tế, hiện nay 2 địa phương này cũng chính là những địa phương có số lượng khu công nghiệp (KCN) trong “tốp” đầu trên địa bàn tỉnh. Trong đó, với 9 KCN đã được thành lập và đi vào hoạt động, H.Nhơn Trạch là địa phương có nhiều KCN nhất trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, với 5 KCN đã được thành lập và đi vào hoạt động, H.Long Thành cũng đứng ở vị trí thứ 3 trong số các địa phương có nhiều KCN nhất trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 7-2020, UBND tỉnh đã có kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ từ ngân sách trung ương số tiền hơn 2 ngàn tỷ đồng để triển khai thực hiện giai đoạn 1 của dự án Tuyến đường liên cảng (từ KCN Ông Kèo đến cảng Việt Thuận Thành, H.Nhơn Trạch). Theo quy hoạch, tuyến đường liên cảng có chiều dài hơn 14km. Khi được xây dựng hoàn thành, tuyến đường này sẽ giúp rút ngắn hành trình, tiết giảm chi phí vận tải hàng hóa khi đi đến TP.HCM, các tỉnh miền Tây Nam bộ và các cảng biển thuộc hệ thống nhóm cảng biển số 5. Từ đó, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các khách hàng trong các KCN của H.Nhơn Trạch.

Ngoài các KCN đã thành lập và đi vào hoạt động, H.Long Thành đang đề xuất đưa vào quy hoạch thêm 4 KCN mới. Tương tự, H.Nhơn Trạch cũng đề xuất đưa vào quy hoạch thêm 1 KCN mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, dù đã có nhiều KCN được thành lập và đi vào hoạt động, tuy nhiên, sức hấp dẫn của 2 địa phương này với các nhà đầu tư vẫn rất lớn. “Trên địa bàn H.Long Thành, H.Nhơn Trạch hiện nay còn dư phần diện tích đất nào là lập tức có nhà đầu tư vào ngay” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh lợi thế về vị trí, dư địa đất phục vụ cho nhu cầu phát triển cũng là một tiềm năng to lớn của 2 địa phương này. Tại H.Long Thành, chỉ tính riêng quỹ đất cao su còn khoảng 3 ngàn ha. Với quỹ đất cao su lớn, việc mở thêm các KCN mới rất thuận lợi bởi công tác giải phóng mặt bằng thuận lợi hơn, rút ngắn được thời gian thực hiện.

Ngoài ra, với sự đầu tư lớn từ ngân sách trung ương và địa phương trong nhiều năm qua, hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trên địa bàn 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch đã được hoàn thiện khá đồng bộ. Đây chính là chất “xúc tác” làm tăng thêm tiềm năng phát triển của 2 địa phương này.

Xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định, về định hướng không gian phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh sẽ quan tâm đầu tư phát triển đối với các địa phương có tiềm năng và lợi thế. Trong đó xác định H.Long Thành và H.Nhơn Trạch là 2 địa phương có tiềm năng và dư địa lớn cần có cơ chế, chính sách đầu tư thỏa đáng nhằm đáp ứng tốt cho yêu cầu thúc đẩy sự phát triển của Đồng Nai, nhất là lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ - thương mại. Đồng thời xác định các trục (tuyến), bao gồm tuyến phía Bắc, tuyến phía Tây, tuyến phía Đông để phát triển và đầu tư phát triển đối với các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế như: phát triển đô thị; du lịch sinh thái - văn hóa - tâm linh, nghỉ dưỡng chất lượng cao, dịch vụ vui chơi, giải trí…

* Thêm động lực từ các dự án hạ tầng

Giữa năm 2020, dự án Xây dựng đường 319 đoạn cuối tuyến (từ ngã ba Bến Cam đến đường kết nối với cảng Phước An) và dự án Đường kết nối với cảng Phước An trên địa bàn H.Nhơn Trạch đều đã hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động.

Đường 319 đoạn từ ngã ba Bến Cam đến nút giao với tuyến đường nối cảng Phước An hoàn thành thi công đưa vào sử dụng giúp khơi thông kết nối cho các khu công nghiệp trên địa bàn H.Nhơn Trạch
Đường 319 đoạn từ ngã ba Bến Cam đến nút giao với tuyến đường nối cảng Phước An hoàn thành thi công đưa vào sử dụng giúp khơi thông kết nối cho các khu công nghiệp trên địa bàn H.Nhơn Trạch. Ảnh:Q. Nhi

2 dự án này đã tạo thành tuyến giao thông huyết mạch nối liền các KCN trên địa bàn. Trong khi đó, đoạn đầu tuyến dự án Đường 319 (từ ngã ba Bến Cam đến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) theo dự kiến cũng sẽ hoàn thành xây dựng vào cuối năm 2020. Như vậy, vào cuối năm 2020, khi toàn bộ dự án Đường 319 được thông tuyến, một trục kết nối mới giữa H.Nhơn Trạch, H.Long Thành với đô thị lớn nhất cả nước TP.HCM thông qua đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được hình thành.

Đường 319 sẽ là tuyến giao thông khai thông thế bế tắc đối với các KCN trên địa bàn H.Nhơn Trạch. Qua đó, giúp cho việc lưu thông hàng hóa tại các KCN trên địa bàn trở nên thuận lợi hơn, đặc biệt, thời gian lưu thông đến TP.HCM cũng sẽ được rút ngắn.

Mới đây nhất, Đồng Nai đã thực hiện bàn giao gần 2,6 ngàn ha đất phục vụ xây dựng cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1. Theo dự kiến, sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ được khởi công xây dựng trong quý I-2021. “Siêu” sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực tăng trưởng to lớn đối với Đồng Nai nói chung và khu vực H.Long Thành, H.Nhơn Trạch nói riêng.

Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Tuấn Anh cho biết, theo ước tính, đóng góp trực tiếp của sân bay Long Thành giai đoạn 1 là gần 1% vào GDP chung của cả nước, đồng thời sẽ tạo ra 200 ngàn việc làm mới. “Con số này có thể lớn hơn nếu xét tới tác động lan tỏa của dự án với tổng thể kinh tế - xã hội” - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Bên cạnh dự án xây dựng Sân bay Long Thành, một loạt các dự án hạ tầng khác đã và đang được triển khai trên địa bàn H.Long Thành và H.Nhơn Trạch cũng được kỳ vọng tạo thêm động lực để đưa 2 địa phương này trở thành cực tăng trưởng mới của Đồng Nai như: đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường vành đai 3, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Cát Lái… 

Tháng 8-2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương thành lập thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM trên cơ sở sáp nhập Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức với tên gọi dự kiến TP.Thủ Đức. Đến tháng 10-2020, HĐND TP.HCM đã thống nhất chủ trương lấy tên gọi là TP.Thủ Đức. Hiện nay, việc thành lập thành phố phía Đông vẫn đang được thực hiện theo đề án đã được phê duyệt. Thành phố phía Đông tương lai sẽ là một thành phố phát triển. Khu vực này có tốc độ ứng dụng công nghệ cao, mức độ đào tạo và nghiên cứu khoa học cao nhất cả nước, có khu đô thị mới, trung tâm tài chính quốc tế. Đây là các yếu tố tác động tạo nên vùng tăng trưởng mới trong thời gian tới. Điều này cũng được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực thúc đẩy tăng trưởng cho Đồng Nai, đặc biệt là khu vực H.Long Thành và H.Nhơn Trạch.

Quỳnh Nhi

Tin xem nhiều