Ngày 17-1-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải (KDVT) bằng xe ô tô (gọi tắt là Nghị định 10) trong bối cảnh xe taxi công nghệ và vận tải truyền thống có sự cạnh tranh gay gắt; hoạt động KDVT ở Việt Nam có bước phát triển nhanh, nhộn nhịp và đa dạng.
Ngày 17-1-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải (KDVT) bằng xe ô tô (gọi tắt là Nghị định 10) trong bối cảnh xe taxi công nghệ và vận tải truyền thống có sự cạnh tranh gay gắt; hoạt động KDVT ở Việt Nam có bước phát triển nhanh, nhộn nhịp và đa dạng.
Lực lượng Thanh tra giao thông xử phạt một trường xe vi phạm kinh doanh vận tải |
Tại Đồng Nai, những năm gần đây, hoạt động KDVT bằng ô tô không ngừng phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 500 doanh nghiệp, HTX, cá nhân được cấp phép KDVT với trên 50 ngàn phương tiện, chỉ đứng sau TP.HCM và TP.Hà Nội.Tuy nhiên, thực tế hoạt động một số doanh nghiệp vì lợi nhuận đã vi phạm các quy định về KDVT khiến các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Tình trạng “xe dù - bến cóc” nở rộ, xe khách hoạt động trá hình ngày một ngang nhiên khiến thị trường vận tải hoạt động lộn xộn gây bức xúc dư luận.
Lâu nay, dù đã có nhiều quy định đối với loại hình xe KDVT, nhưng vẫn còn lỏng lẻo nên các đơn vị vận tải chỉ hợp thức hóa điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động, “núp bóng” xe hợp đồng đón trả khách dẫn đến kiểu kinh doanh không lành mạnh. Thời gian qua, nhiều địa phương siết chặt quản lý điều kiện KDVT, nhưng việc thiếu quy định chặt chẽ, sát sườn với thực tế khiến hoạt động vận tải càng quản càng “phình to”.
Để “vá” lỗ hổng này, các quy định của pháp luật đối với việc thành lập doanh nghiệp KDVT cần phải khắt khe hơn. Theo đó, Nghị định 10 đã đưa ra các quy định cụ thể đối với những doanh nghiệp, chủ xe không đảm bảo chất lượng dịch vụ phương tiện và an toàn giao thông. Trong đó, bắt buộc các doanh nghiệp phải kết nối, chia sẻ, liên thông toàn bộ dữ liệu giám sát hành trình, hình ảnh, ghi, lưu trữ lâu dài từ camera trên xe với các cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó, làm cơ sở để gắn trách nhiệm của lái xe, doanh nghiệp trong việc để xảy ra tai nạn giao thông.
Vẫn biết việc cắt giảm các thủ tục hành chính và những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp để thúc đẩy hoạt động vận tải phát triển nhanh chóng và thuận lợi là điều cần thiết. Tuy nhiên, đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nếu không có giám sát, quản lý chặt chẽ từ các quy định pháp luật thì về lâu dài sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn giao thông. Để xây dựng môi trường KDVT lành mạnh, an toàn và văn minh thì doanh nghiệp vận tải không thể đứng ngoài cuộc. Ngoài chấp hành, đáp ứng đủ các điều kiện về KDVT thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm xã hội về an toàn giao thông.
Bên cạnh các quy định chặt chẽ trong quản lý KDVT, việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng đối với các doanh nghiệp và lái xe cũng cần được thực hiện quyết liệt và công bằng. Những trường hợp không tuân thủ các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh, quản lý vận tải bằng xe ô tô cần phải được xử lý, thu hồi phù hiệu và giấy phép KDVT theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, những lái xe cố tình vi phạm, tái phạm nhiều lần cần phải bị xử lý nghiêm, nhằm từng bước đưa hoạt động KDVT vào nền nếp, bảo đảm an toàn cho cộng đồng.
Hải Dương