Các phương tiện cá nhân tăng nhanh, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng, khiến nhiều tuyến đường ở Biên Hòa thường xuyên ùn tắc...
Lưu lượng phương tiện cá nhân tăng lên nhanh chóng trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được khiến nhiều tuyến đường, nút giao thông ở TP.Biên Hòa thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc gây khó khăn trong lưu thông, ảnh hưởng đến vấn đề an toàn giao thông và phát triển kinh tế.
Đồ họa thể hiện thông tin các tuyến đường, nút giao thông trên địa bàn TP.Biên Hòa xe cộ tập trung đông đúc gây ùn tắc kéo dài. (Thông tin: THANH HẢI - Đồ họa: DƯƠNG NGỌC) |
[links()]Kẹt xe ở TP.Biên Hòa được dự báo sẽ còn diễn ra phức tạp khi nhiều công trình giao thông “giải cứu” ùn tắc vẫn chưa thể triển khai thực hiện.
* Kẹt xe “bủa vây” Biên Hòa
6 giờ 45 ngày 18-11, dòng xe trên tuyến đường Đồng Khởi hướng các phường: Trảng Dài, Tân Phong, Tân Hiệp… đổ về khu vực vòng xoay ngã tư chợ Tân Hiệp rất đông. Ô tô, xe máy chen chúc nhau ken đặc cả tuyến đường. Đến 7 giờ, lượng xe cộ đổ về đây để đi các khu công nghiệp và vào trung tâm TP.Biên Hòa càng nhiều. Lúc này, xe cộ phải nhích từng chút một để di chuyển. Nhiều người đi xe máy còn phải leo lên vỉa hè cố thoát khỏi điểm ùn tắc rất vất vả.
Chị Đỗ Quỳnh Giao (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho hay, không những xe cá nhân mà xe buýt, xe đưa đón công nhân, học sinh cũng lưu thông qua đây khiến giao thông trở nên lộn xộn. Hàng trăm người “chôn chân” trên đường cả 15-20 phút vẫn chưa đi qua vòng xoay. Họ biết rằng đi qua đây phải chịu cảnh này, nhưng chẳng còn đường nào khác bởi đây là tuyến đường chính để đến nơi làm việc và học tập.
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, về công tác quản lý trật tự giao thông đô thị, mặc dù các địa phương có triển khai nhưng chưa quyết liệt, dứt điểm dẫn đến hành vi vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè nhiều nơi còn diễn ra ngang nhiên trong thời gian dài, làm tăng nguy cơ dẫn đến ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. |
Theo chị Giao, trước đây khi chưa có hầm chui Tân Phong thì kẹt xe xảy ra ở khu vực ngã tư Tân Phong, từ khi hầm chui đưa vào sử dụng thì ùn tắc chuyển qua nút giao vòng xoay ngã tư Tân Hiệp. Vào những ngày mưa, nước ngập thì kẹt xe còn kéo dài vài trăm mét từ đây đến khu vực ngã ba Trảng Dài (giao giữa đường Đồng Khởi với đường Bùi Trọng Nghĩa, đoạn qua P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa).
Không chỉ vào giờ cao điểm mà nhiều thời điểm trong ngày, giao thông ở khu vực cầu Săn Máu (nút giao giữa đường Nguyễn Ái Quốc và đường Nguyễn Phúc Chu, KP.5, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) luôn trong tình trạng căng thẳng bởi kẹt xe kéo dài, phương tiện lưu thông hỗn loạn. Rất nhiều giải pháp được đưa ra nhằm khắc phục tình trạng này, tuy nhiên với áp lực về mật độ phương tiện, dân cư quá lớn đã khiến giao thông tại đây thực sự quá tải. Bất cứ sự cố giao thông nào xảy ra trên đường này đều có thể dẫn đến ùn tắc.
Chủ tịch UBND P.Trảng Dài Trần Mạnh Hùng cho biết, đường Nguyễn Phúc Chu là tuyến đường chính để ra vào P.Trảng Dài. Đường hẹp, chật phải “gánh” lượng phương tiện “khủng” làm cho tình trạng kẹt xe ở nút giao đường Nguyễn Ái Quốc và đường Nguyễn Phúc Chu ngày càng trầm trọng. Người dân sống trên địa bàn P.Trảng Dài phần lớn là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp nên vào giờ cao điểm, hàng vạn người cùng đổ ra đường. Ngoài ra, các tuyến đường kết nối P.Trảng Dài cũng chưa đồng bộ nên tình trạng ùn tắc xảy ra thường xuyên.
Tuyến đường Đồng Khởi đoạn gần khu vực vòng xoay chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) chật cứng xe cộ vào giờ cao điểm |
Trong khi đó, khu vực ngã tư Vườn Mít (nút giao trước Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh) luôn là “điểm nóng” về tình trạng ùn tắc giao thông của thành phố. Vào giờ cao điểm, kẹt xe ở đây diễn ra thường xuyên ở tất cả các hướng khiến cho phương tiện lưu thông gặp nhiều khó khăn.
Là nơi giao nhau của 3 con đường lớn gồm: Phạm Văn Thuận, Nguyễn Ái Quốc và 30-4 nên dù có đèn tín hiệu giao thông và lực lượng chức năng điều tiết, nhưng giao thông tại đây vẫn hay bị ùn tắc. Nguyên nhân một phần do khu vực này có Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức và Trường THCS Trần Hưng Đạo (P.Trung Dũng). Cứ vào giờ đưa đón học sinh, xe của phụ huynh từ các ngả đổ về dày đặc. Trong khi đó, rất nhiều ô tô đậu hai bên đường khiến lòng đường trở nên chật hẹp.
“Tôi rất mệt mỏi mỗi khi phải đi qua tuyến đường này vào giờ tan học. Mỗi lần kẹt xe, nhiều phụ huynh thường chạy ngược chiều trên đường 30-4 vòng qua đèn giao thông để hướng ra khu vực cổng sân bay Biên Hòa càng gây nên tình trạng ùn tắc nghiêm trọng” - ông Nguyễn Quang Phong (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết.
* Nhiều dự án giải tỏa kẹt xe bị “tắc”
Trên nhiều tuyến đường của TP.Biên Hòa hiện nay, tình trạng kẹt xe xảy ra thường xuyên vào các giờ cao điểm. Xử lý xong điểm tắc nghẽn này lại phát sinh điểm tắc nghẽn khác. Trong khi đó, đường sá tại những khu vực này khá hẹp nhưng phải tiếp nhận lượng phương tiện lớn. Bình thường đường đã đông, giờ cao điểm buổi sáng và chiều tối khi công nhân, người lao động đi qua đây thì tình trạng ùn tắc càng diễn ra trầm trọng.
Để giải quyết căn cơ ùn tắc giao thông cục bộ trên các tuyến đường hiện nay thì phải có những đường chia tải, bởi các tuyến giao thông chính gần như độc đạo. UBND tỉnh đã nêu cụ thể 3 dự án giao thông có tính chất quan trọng, cấp bách ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó có dự án đầu tư cầu Thống Nhất nối trung tâm TP.Biên Hòa với cù lao Phố (P.Hiệp Hòa). Dự án này nhằm giải tỏa tình trạng kẹt xe trên đường Đặng Văn Trơn và cầu Hiệp Hòa vào trung tâm thành phố.
Một số tuyến đường, nút giao thông trên địa bàn TP.Biên Hòa có tình trạng xe lưu thông đông, kẹt xe thường xuyên như: Đồng Khởi, Nguyễn Ái Quốc, Phạm Văn Thuận, ngã tư Tân Phong, ngã tư Tân Hiệp, ngã tư Lạc Cường, ngã ba Trảng Dài, ngã ba cầu Săn máu, ngã ba Phát Triển… |
Dự án thứ 2 là nâng cấp mở rộng tuyến đường Bùi Văn Hòa (đoạn từ vòng xoay Tam Hiệp đến nút giao tuyến tránh quốc lộ 1), tuyến đường này đi qua các khu công nghiệp và nối 2 quốc lộ (quốc lộ 1 và quốc lộ 51) nhưng mặt đường hiện hữu khá hẹp, thường xuyên ùn tắc giao thông. Đây là dự án được nhiều người dân và doanh nghiệp trông đợi từ khá lâu.
Dự án thứ 3 là đường ven sông Cái (từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản) để giảm áp lực giao thông lên đường Phạm Văn Thuận. Bên cạnh đó, tuyến đường này cũng sẽ đáp ứng nhu cầu về cảnh quan, kiến trúc đô thị cho TP.Biên Hòa.
Ngoài ra, TP.Biên Hòa cũng tập trung các giải pháp để xây dựng đường liên phường Trảng Dài - Tân Hiệp. Đây là một trong những dự án trọng điểm của TP.Biên Hòa, được kỳ vọng sẽ giải tỏa tình trạng ùn tắc đang ngày càng gia tăng ở các phường: Trảng Dài, Hố Nai, Tân Hiệp, trong đó có khu vực cầu Săn Máu. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên dự án vẫn chưa được triển khai và người dân đang “nóng lòng” chờ đợi.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết, dù là các dự án trọng điểm được ưu tiên về vốn, nhân lực để thực hiện, nhưng khâu bồi thường, tái định cư, thu hồi đất khó triển khai nhanh. Do đó, một số công trình giao thông quan trọng trên địa bàn bị chậm tiến độ vì vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Chỉ sau khi khu tái định cư hoàn thành mới tiến hành thu hồi đất cho các dự án giao thông trọng điểm.
Một cán bộ cảnh sát giao thông thuộc Đội Cảnh sát giao thông, trật tự Công an TP.Biên Hòa cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến quá tải, ùn tắc tại các tuyến đường, nút giao thông trên địa bàn thành phố do đây là những đường huyết mạch nhưng lại nhỏ hẹp, xuống cấp. Hạ tầng không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải ngày càng tăng nhanh của người dân. Ngoài ra, dọc tuyến có nhiều đường nhánh, giao lộ, xe cộ ra vào liên tục nên kẹt xe, ùn tắc thường xuyên.
Lực lượng cảnh sát giao thông giải quyết hiện trường, điều tiết giao thông liên tục mới giải tỏa được dòng kẹt xe. Quan trọng hơn, người dân cũng phải nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, cần tuân thủ, chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ, tuân thủ quy định biển báo, đèn tín hiệu giao thông.
Thanh Hải