Hiện các doanh nghiệp (DN) ở Đồng Nai đang tập trung khai thác Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu.
Đại dịch Covid-19 ở một số nước đã bắt đầu lắng xuống, giao thương giữa các nước đang dần được khơi thông. Hiện các doanh nghiệp (DN) ở Đồng Nai đang tập trung khai thác Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, Đồng Nai được đánh giá có nhiều mặt hàng lợi thế khi xuất vào các nước thành viên của CPTPP.
Sản xuất linh kiện điện tử tại một công ty thuộc Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3. Ảnh: Khánh Minh |
CPTPP có 11 nước tham gia, bao gồm: Việt Nam, Nhật Bản, Canada, Malaysia, Australia, Mexico, Singapore, Chile, New Zealand, Peru và Brunei. Tính đến nay, CPTPP đã có hiệu lực gần 2 năm, đây là thị trường có hơn 500 triệu dân, GDP chiếm 13,5% toàn cầu.
* Nhiều lợi thế trong cùng một thị trường
Năm 2019 và quý I-2020, xuất khẩu của Đồng Nai vào thị trường CPTPP đã tăng trên 10%. Tuy nhiên, sang đến quý II-2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên xuất khẩu vào thị trường CPTPP giảm mạnh, song từ quý III đến nay đã bắt đầu hồi phục. Những mặt hàng chính mà các DN Đồng Nai xuất khẩu vào thị trường này nhiều là giày dép, dệt may, sản phẩm từ gỗ, xơ sợi dệt, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, máy tính điện tử và linh kiện.
Thị trường CPTPP có lợi thế là hàng hóa sản xuất từ các nước tham gia không cùng loại nên thị trường tiêu thụ trong khối không bị cạnh tranh. Việt Nam được ưu ái hơn so với các nước cùng tham gia CPTPP. Cụ thể là lộ trình giảm thuế quan cho hàng Việt Nam nhanh và nhiều hơn. Đơn cử là mặt hàng cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% vào các nước trong CPTPP ngay khi hiệp định có hiệu lực. Bên cạnh đó, các nước như: Nhật Bản, Canada, Peru, Mexico còn có những cam kết giảm thuế hàng loạt mặt hàng cho nước ta sớm hơn. Những mặt hàng của Việt Nam được xóa bỏ thuế quan sớm đều là những sản phẩm chủ lực như: giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ, thủy sản, gạo, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Sản xuất thiết bị máy móc xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản tại Công ty TNHH Công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom). Ảnh: H.GIANG |
Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc đối ngoại Công TNHH Rohm and Hass Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 cho biết: “Sản phẩm chính của công ty là các loại hóa chất, thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Từ trước khi CPTPP có hiệu lực, công ty đã chú ý đến thị trường nhiều tiềm năng trên và có sự chuẩn bị từ trước. Do đó, tháng 1-2019 khi CPTPP có hiệu lực, công ty tiến hành mở rộng thị trường tiêu thụ ở các nước cùng tham gia hiệp định để hưởng các ưu đãi về thuế quan”. Cũng theo ông Sơn, sản phẩm của công ty bán vào thị trường CPTPP được hưởng thuế thấp hoặc không còn thuế đã giúp tăng khả năng cạnh tranh với hàng hóa cùng loại đến từ các quốc gia khác.
Tại hội nghị gặp gỡ DN Nhật Bản để tháo gỡ khó khăn về chính sách do Cục Hải quan Đồng Nai tổ chức đầu tháng 10-2020, ông Okada Hideyuki, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM cho biết: “Các DN Nhật Bản đầu tư vào Đồng Nai hơn 270 dự án với tổng vốn đăng ký gần 4,8 tỷ USD. Năm 2019 và 3 tháng đầu năm 2020, các DN Nhật Bản tại Đồng Nai khai thác khá tốt thị trường CPTPP, nhưng đến quý II-2020, các DN bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 rất nặng nề và hiện đang trong quá trình khôi phục khá tốt”. Theo ông Okada Hideyuki, nhiều DN Nhật Bản đầu tư vào Đồng Nai đang tập trung khai thác thị trường CPTPP và EVFTA để đạt mức tăng trưởng theo kế hoạch đề ra từ đầu năm nay. Đây cũng là 2 hiệp định thương mại tự do song phương lớn nhất của Việt Nam đã có hiệu lực.
Đồ họa thể hiện số lượng thành viên và quy mô của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân) |
Từ năm 2019, Nhật Bản trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Đồng Nai (sau Hoa Kỳ) với gần 2 tỷ USD/năm. Riêng 9 tháng của năm 2020, các DN trên địa bàn tỉnh đã xuất vào Nhật Bản gần 1,45 tỷ USD, chiếm gần 11% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Từ năm 2019, hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường Canada, Malaysia, New Zealand, Australia... cũng tăng. CPTPP là thị trường xuất siêu lớn của Đồng Nai.
* Khai thác thế mạnh của DN Việt Nam
Các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam (trong đó có Đồng Nai) không trùng với các nước thành viên của CPTPP. Đây chính là lợi thế cho các DN tại Việt Nam, nếu khai thác tốt thị trường trên với các mặt hàng chủ lực của mình. Do đó, các DN ở Việt Nam có thể liên kết, ký hợp đồng cung ứng với DN của các nước thành viên CPTPP đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu.
Ông Lục Văn Thủy, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công thương cho rằng, Đồng Nai có có 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực là giày dép, dệt may, sản phẩm từ gỗ, xơ sợi dệt, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng đã xuất được sang nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã. “Các DN tại Đồng Nai chỉ cần đáp ứng các quy định về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa là có thể hưởng các ưu đãi về thuế, khi xuất hàng vào các nước thuộc CPTPP. Hàng hóa xuất khẩu giảm thuế từ 5-10% cũng giúp cho DN tăng được khả năng cạnh tranh với hàng hóa cùng loại đến từ Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan” - ông Thủy nói.
Sản xuất sản phẩm đèn xuất khẩu tại Công ty CP Chiếc Lá Xanh ở Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom). Đây là sản phẩm có 95% nguyên liệu trong nước |
Hiện nay, khó khăn lớn nhất của nhiều DN ở Đồng Nai là quy định về nguồn gốc sản phẩm đầu vào, do nguyên liệu phần lớn vẫn đang phải mua nhiều từ Trung Quốc và Ấn Độ. Các nước trên lại không thuộc CPTPP nên nhiều DN không được hưởng ưu đãi về thuế quan. Do đó, các DN đã quay về tìm nguyên liệu ở thị trường nội địa hoặc nhập từ các nước trong khối CPTPP. Đây là cơ hội để trong nước thu hút phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, thu hút phát triển thêm cả ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng để có nguyên liệu thô cho công nghiệp hỗ trợ.
Ông Mai Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa) cho biết: “Công ty đang tập trung khai thác thị trường xuất khẩu ở những nước thuộc CPTPP, trong đó thị trường chủ lực là Nhật Bản. Vì thế, nguồn nguyên liệu công ty buộc phải tìm mua trong nước hoặc nhập từ những nước còn lại trong CPTPP để hưởng lợi về thuế”. Ông Khanh còn chia sẻ thêm, DN muốn đưa hàng vào nước nào cần phải tìm hiểu chi tiết ngành hàng đó đòi hỏi những hàng rào kỹ thuật gì, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm là bao nhiêu để đáp ứng. Cuối năm là dịp các DN đang dồn lực tìm đơn hàng để sản xuất, xuất khẩu đảm bảo kế hoạch, doanh thu cho năm 2020 và chuẩn bị cho năm tới.
TS Nguyễn Hoàng Phương, giảng viên Học viện Chính trị khu vực II (TP.HCM), chuyên gia trên lĩnh vực kinh tế cho biết: “Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP trong quý I-2020 tăng hơn 10% so với quý I-2019. Điều này chứng tỏ nhiều DN đã có sự chuẩn bị khá tốt để khai thác điểm mạnh của Việt Nam tại thị trường CPTPP. Trong đó, hàng hóa vào thị trường Nhật Bản chiếm tỷ lệ 50%, tiếp đến là thị trường Canada, Malaysia, Singapore, Mexico. Các nước còn lại trong khối lượng hàng xuất khẩu vào chưa nhiều”.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson thì CPTPP sẽ giúp Việt Nam tăng thêm 2% GDP vào năm 2030 nhờ vào xuất khẩu hàng hóa và thu hút các nguồn vốn đầu tư từ trong khối. Đồng thời, hiệp định đang mở với hy vọng Hoa Kỳ sẽ quay lại để tham gia.
CPTPP gồm có 30 chương và 9 phụ lục với những nội dung quan trọng được quy định là thuế nhập khẩu, cam kết về sở hữu trí tuệ, lao động, quy tắc xuất xứ, thương mại điện tử, mua sắm Chính phủ, dịch vụ và đầu tư... CPTPP được Việt Nam đàm phán trong gần 9 năm mới được ký kết và có hiệu lực. Việt Nam tham gia vòng đàm phán chính thức đầu tiên của hiệp định vào tháng 3-2010. CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14-1-2019. |
Hương Giang