Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệu quả từ công tác cải cách tư pháp

03:10, 10/10/2020

Thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP), trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, công tác CCTP trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực...

Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 2-6-2005 về Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020 (gọi tắt là Nghị quyết số 49), trong nhiệm kỳ 2015-2020, công tác CCTP trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.

Ngành Công an chú trọng đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng trao bằng khen đột xuất cho các tập thể có thành tích triệt phá băng nhóm đối tượng thu tiền bảo kê, cho vay lãi nặng ở khu vực xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: Anh Quân
Ngành Công an chú trọng đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng trao bằng khen đột xuất cho các tập thể có thành tích triệt phá băng nhóm đối tượng thu tiền bảo kê, cho vay lãi nặng ở khu vực xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: Anh Quân

 [links()]Những năm qua, công tác CCTP đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện nghiêm túc. Các cơ quan tư pháp như: công an, viện KSND, tòa án, thi hành án dân sự (THADS)… đã có nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh CCTP gắn với nâng cao chất lượng chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị, tạo nhiều chuyển biến tích trên các mặt công tác.

* Nâng cao chất lượng hoạt động xét xử, THADS

Kết quả nổi bật trong công tác CCTP trên địa bàn tỉnh trong nhiệm kỳ qua là chất lượng và hiệu quả của công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án được nâng lên, không để kết án oan người không phạm tội, không bỏ lọt tội phạm; khắc phục tình trạng án tồn quá hạn theo luật định.

Mục tiêu chính của Nghị quyết số 49 là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao.

Để thực hiện mục tiêu này, theo ông Võ Văn Phước, Chánh án TAND tỉnh, trong 5 năm qua, cán bộ, công chức TAND hai cấp tỉnh và huyện đã khắc phục khó khăn, phát huy sức mạnh và nỗ lực để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành Tòa án mà trọng tâm là công tác xét xử án và THADS.

Chuyển biến trong việc CCTP của TAND hai cấp thể hiện rõ nhất chính là việc đổi mới tổ chức phiên tòa cả về nội dung và hình thức. Việc bố trí thay đổi lại phòng xử án đã thể hiện tinh thần đổi mới, CCTP từ mô hình tố tụng xét hỏi sang mô hình tranh tụng, coi tranh tụng là khâu đột phá.

Trong 5 năm qua, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất; số lượng án hằng năm đều tăng với tính chất ngày càng phức tạp, nhưng do làm tốt công tác quán triệt về CCTP và phát động phong trào thi đua đến từng tập thể, cá nhân nên cán bộ - công chức ngành Tòa án luôn nỗ lực hết mình trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Ngành Tòa án đã đẩy mạnh công tác giải quyết và nâng cao chất lượng xét xử các loại án, phấn đấu không để án tồn quá hạn luật định; nâng cao chất lượng bản án; đồng thời tăng cường ý thức thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí…

Kết quả trong 5 năm (2015-2020), TAND hai cấp đã xét xử, giải quyết gần 82,6 ngàn vụ/hơn 85,6 ngàn vụ thụ lý (so với giai đoạn 2010-2015 đã giải quyết tăng gần 15 ngàn vụ). So với chỉ tiêu TAND tối cao đề ra thì việc giải quyết án đều vượt chỉ tiêu về tất cả các loại án.

Theo TAND tỉnh, những năm qua, việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đối với các vụ án lớn, trọng điểm, án có tính chất phức tạp, được tòa án phối hợp chặt chẽ với các cơ quan điều tra, viện KSND để sớm hoàn tất hồ sơ vụ án và đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Chánh án TAND tỉnh Võ Văn Phước cho biết, thực hiện CCTP, trong 5 năm qua ngành tòa án hai cấp không có án oan; ngành đã từng bước giảm dần và khắc phục hoàn toàn án quá hạn luật định do lỗi chủ quan của thẩm phán; đảm bảo 100% trường hợp án có hiệu lực pháp luật đều ra quyết định thi hành án đúng hạn luật định; làm tốt công tác kiểm tra, thi hành án hình sự, giải quyết 100% đơn thư khiếu nại tư pháp.

Việc thành lập các trung tâm hòa giải của ngành Tòa án góp phần giảm tải số lượng lớn án phải giải quyết. Trong ảnh: Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải, đối thoại  H.Trảng Bom hướng dẫn, phân tích để đương sự (giữa) hiểu hơn về quy định pháp luật. Ảnh: Tố Tâm
Việc thành lập các trung tâm hòa giải của ngành Tòa án góp phần giảm tải số lượng lớn án phải giải quyết. Trong ảnh: Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải, đối thoại H.Trảng Bom hướng dẫn, phân tích để đương sự (giữa) hiểu hơn về quy định pháp luật. Ảnh: Tố Tâm

Công tác CCTP trên lĩnh vực THADS trong giai đoạn 2015-2020, ngành THADS đã từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành; tổ chức thi hành dứt điểm những vụ án kéo dài; tỷ lệ thi hành về vụ và tiền đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra.

Trong 5 năm qua, toàn ngành THADS tỉnh thụ lý gần 92 ngàn vụ việc (tương ứng gần 10 ngàn tỷ đồng). Qua rà soát án có điều kiện thi hành, đã thụ lý giải quyết xong trên 86 ngàn vụ, việc (tương ứng  trên 7,5 ngàn tỷ đồng).  Cục trưởng THADS tỉnh Phan Văn Châu cho biết, từ năm 2015-2020, ngành THADS tỉnh năm nào cũng đạt và vượt chỉ tiêu 73% về việc và 33% về tiền, mỗi năm phải giảm được 10% án tồn đọng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh.

* Nỗ lực không bỏ lọt tội phạm

Nhiệm kỳ qua, ngành Kiểm sát cũng đã tập trung triển khai các nhiệm vụ CCTP. Trong đó, đáng chú ý là tổ chức các chuyên đề phục vụ cho công tác CCTP như: nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự; nâng cao chất lượng giải quyết án dân sự, hành chính... Trên cơ sở đó, lãnh đạo Viện KSND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

Đối với công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát, ngành Kiểm sát tỉnh đã thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Viện KSND tối cao, Tỉnh ủy về nhiệm vụ công tác chuyên môn của ngành. Trong đó đã tăng cường, nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, chú trọng gắn công tố với điều tra, chất lượng tranh tụng, phát biểu của kiểm sát viên tại các phiên tòa…

Từ đầu năm 2019 đến nay, ngành Kiểm sát đã kiểm sát hơn 3 ngàn tin báo, tố giác tội phạm; kiểm sát khởi tố, điều tra hơn 4 ngàn vụ, hơn 6,3 ngàn bị can. Viện KSND hai cấp cũng đã ban hành cáo trạng truy tố hơn 3,2 ngàn vụ, hơn 5,6 ngàn bị can. Ngoài ra, ngành Kiểm sát tỉnh đã phối hợp với tòa án triển khai tổ chức được 270 phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần CCTP. Qua đó tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động

Đối với ngành Công an, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, lãnh đạo tỉnh về công tác CCTP, Ban giám đốc Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch trên các mặt công tác nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ CCTP. Đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết, quán triệt chủ trương, nhiệm vụ CCTP, Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh thường xuyên chỉ đạo, nâng cao năng lực hoạt động, tạo chuyển biến tích cực trong công tác tư pháp và bổ trợ tư pháp của lực lượng công an. Trong đó, lực lượng công an đã đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là các tội phạm băng, nhóm, hoạt động có tổ chức, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội; chống các biểu hiện vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích chính đáng của cơ quan, tổ chức, công dân.

Kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ 2015-2020 là tội phạm hình sự được kiềm chế qua từng năm, tỷ lệ điều tra phá án đạt kết quả tích cực. Chất lượng điều tra các vụ án được nâng cao, nhất là các vụ án lớn, vụ án nghiêm trọng, phức tạp được dư luận đồng tình ủng hộ. 

Cụ thể, tội phạm hình sự đã được kéo giảm trung bình mỗi năm gần 3,7% số vụ (đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra). Đối với hoạt động điều tra, triệt phá các vụ án trung bình hằng năm đạt trên 78% (trong đó tỷ lệ điều tra án hình sự đạt trên 75%) cao hơn nhiệm kỳ trước 7,7%. Các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng được xử lý đạt trên 95% (đạt chỉ tiêu của nghị quyết đề ra) được người dân đồng tình cao.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, sau 15 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược CCTP đến nay, tình hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, cơ quan thi hành án và hoạt động bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét về mặt nhận thức, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở đối với hoạt động CCTP; hệ thống các cơ quan tư pháp địa phương đã được củng cố, kiện toàn một bước cả về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ; trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ tư pháp được nâng lên; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc được quan tâm đầu tư; các hoạt động bổ trợ tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng, hiệu quả hoạt động các cơ quan tư pháp được nâng lên một bước.

Trần Danh - Tố Tâm - Đoàn Phú

 

 

 

Tin xem nhiều