Để thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong nhiệm kỳ tới, lãnh đạo Tỉnh ủy xác định, trước hết phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PCTN.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng của tỉnh, tình hình tham nhũng trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra trên nhiều lĩnh vực. Trong đó chủ yếu là hành vi tham nhũng trong lĩnh vực quản lý, thu chi tài chính.
Các thí sinh tham dự Hội thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2020 do UBND tỉnh tổ chức. Ảnh: Đoàn Phú |
Trước thực tế đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp phòng ngừa để ngăn chặn các hành vi vi phạm.
* Chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý tham nhũng
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong nhiệm kỳ tới, lãnh đạo Tỉnh ủy xác định, trước hết phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PCTN. Trong đó, người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền phải thực sự coi công tác PCTN là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, việc chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo quy định của Chính phủ. Kết quả đến tháng 12-2019, trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi vị trí công tác đối với 3.649 trường hợp. Trong đó, năm 2015: 1.129 trường hợp; năm 2016: 1.127 trường hợp; năm 2017: 444 trường hợp; năm 2018: 770 trường hợp và năm 2019: 179 trường hợp. |
Theo đó, các cấp ủy Đảng phải lựa chọn, bố trí những cán bộ có năng lực, bản lĩnh và phẩm chất đạo đức làm công tác PCTN. Bên cạnh đó, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các đơn vị, địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đưa công tác PCTN vào công tác hằng tháng, quý, năm. Các tổ chức Đảng phải xem đây là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Trong các cấp ủy, tổ chức đảng phải đẩy mạnh đấu tranh tự phê bình và phê bình; chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng ngay trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đặc biệt các cơ quan, đơn vị phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chủ động tự phát hiện hành vi tham nhũng trong cơ quan, đơn vị, địa phương.
Một trong các giải pháp mà lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện để góp phần vào công tác PCTN đó là đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức… Các tổ chức Đảng, chính quyền các địa phương phải xác định nhiệm vụ trọng tâm trong công tác PCTN là công tác cải cách hành chính.
* Xây dựng đội ngũ chuyên trách chống tham nhũng đủ mạnh
Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, để thực hiện tốt công tác PCTN, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án tham nhũng xảy ra trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan tố tụng phải đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm, đúng pháp luật các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm.
Tăng cường tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Trong ảnh: Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào tặng bằng khen cho tập thể đoạt giải nhất Hội thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2020 do UBND tỉnh tổ chức |
Viện trưởng Viện KSND tỉnh Huỳnh Văn Lưu cho rằng, Công tác PCTN là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, với những bước đi vững chắc; thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp chính trị, tư tưởng, gắn với công tác chuyên môn có trọng tâm, trọng điểm.
“Để công tác PCTN đạt hiệu quả cần phải thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, nhất là trong các khâu tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật theo đúng trình tự, thủ tục thẩm quyền theo quy định” - Viện trưởng Viện KSND tỉnh Huỳnh Văn Lưu nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Chánh Thanh tra tỉnh cũng cho biết, để công tác PCTN đạt hiệu quả, các cơ quan quản lý nhà nước phải nghiên cứu hoàn thiện cơ chế giám sát, đo lường, đánh giá hiệu quả công tác PCTN. Đồng thời, phải xây dựng đội ngũ chuyên trách chống tham nhũng đủ mạnh, có đạo đức và phẩm chất chính trị tốt; có kỹ năng nghiệp vụ phù hợp và chuyên sâu. Các cơ quan, tổ chức phải thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác PCTN tại đơn vị, địa phương.
Bên cạnh đó, theo Thanh tra tỉnh, đối với các đơn vị, sở, ngành, địa phương phải nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua công tác thanh, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, giải quyết tố cáo, xử lý tố giác tin báo tội phạm, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng trong quá trình thanh tra, kiểm toán. Ngoài ra, cũng cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể, nhân dân và các cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác giám sát, tuyên truyền đối với công tác PCTN để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong từng cơ quan, đơn vị.
Thành Vinh