Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn chặn hiệu quả tình trạng mua bán, làm giả giấy tờ

04:09, 07/09/2020

Trước tình hình diễn biến phức tạp của vấn nạn giấy tờ giả, từ đầu năm 2020 đến nay, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương vào cuộc điều tra...

Trước tình hình diễn biến phức tạp của vấn nạn giấy tờ giả, từ đầu năm 2020 đến nay, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương vào cuộc điều tra để kịp thời ngăn chặn các đường dây, cơ sở làm giấy tờ giả.

Rất nhiều loại bằng cấp, giấy tờ, biển số xe giả được lực lượng Công an tỉnh thu giữ trong chuyên án GTG6 vừa được triệt phá. Ảnh: Trần Danh
Rất nhiều loại bằng cấp, giấy tờ, biển số xe giả được lực lượng Công an tỉnh thu giữ trong chuyên án GTG6 vừa được triệt phá. Ảnh: Trần Danh

Với những chuyên án dày công, thời gian gần đây, lực lượng Công an Đồng Nai đã triệt xóa nhiều đường dây, cơ sở hoạt động tinh vi làm giả giấy tờ, con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức do quy mô toàn quốc, góp phần từng bước lập lại an ninh trật tự trên địa bàn.

* Liên tiếp “đánh sập” nhiều đường dây làm giấy tờ giả

Trong số các vụ án được triệt xóa liên quan đến tội phạm làm giả giấy tờ trong thời gian vừa qua phải kể đến chuyên án mang bí số GTG6 được Công an tỉnh xác lập và đeo bám trong suốt nhiều tháng qua.

Một cán bộ tham gia chuyên án cho biết, vào những tháng đầu năm 2020, thông qua các nguồn tin từ cơ sở, lực lượng trinh sát Công an tỉnh xác định trên địa bàn tỉnh có một đường dây chuyên cung cấp các loại giấy tờ giả cho nhiều người trong các lĩnh vực, nhiều nhất là trong giới lao động phổ thông khi cần đến các loại bằng cấp, giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy khai sinh… là các đối tượng này có thể đáp ứng ngay.

Quá trình thu thập và nắm thông tin, lực lượng công an xác định, đường dây sản xuất giấy tờ giả này không chỉ hoạt động trên địa bàn tỉnh mà thông qua các trang mạng xã hội, các đối tượng còn hoạt động tại nhiều tỉnh, thành khác.

Trên cơ sở thông tin thu thập được, ngày 25-8, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, các mũi trinh sát đã tiến hành bắt giữ Nguyễn Thanh Sang (27 tuổi) khi đối tượng này đang trú ngụ tại một chung cư ở Q.9 (TP.HCM).

Theo Công an tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2020, các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương đã phát hiện, xử lý hơn 10 vụ liên quan đến các hoạt động sản xuất, mua bán, sử dụng giấy tờ giả. Qua điều tra, cơ quan công an đã khởi tố nhiều vụ án, bắt xử lý hàng chục đối tượng liên quan; thu giữ hàng trăm loại giấy tờ, bằng cấp, sổ đỏ, giấy phép lái xe cùng rất nhiều máy móc, thiết bị, mộc dấu của các cơ quan chức năng để làm giả các loại giấy tờ, biển số xe...

Khám xét nơi ở của Sang, công an thu giữ 6 máy in màu, 2 bộ máy vi tính, 1 máy scan, 1 máy cắt giấy, 1 máy sấy, 11 phôi bằng đại học, 54 phôi trắng và rất nhiều giấy tờ liên quan đến hành vi làm giả các loại giấy tờ khác. Trong khi đó, một mũi trinh sát khác cũng đã ập vào “bắt nóng” Trịnh Quang Trưởng (26 tuổi, ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) là đối tượng cùng tham gia trong đường dây làm giả giấy tờ với Sang.

Cùng thời điểm này tại P.Phước Tân (TP.Biên Hòa), Công an tỉnh phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) bắt quả tang 2 đối tượng Nguyễn Trọng Dương (31 tuổi, ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) và Nguyễn Văn Đạt (22 tuổi, quê tỉnh Lâm Đồng) đang có hành vi sản xuất giấy tờ, làm biển số xe giả. Khám xét nhà của các đối tượng này, cơ quan công an phát hiện và thu giữ nhiều thiết bị, máy móc và rất nhiều giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc sản xuất bằng cấp, giấy tờ giả và nhiều máy móc để làm biển số giả.

Theo điều tra của cơ quan công an, tất cả các đối tượng trên đều nằm trong một đường dây chuyên sản xuất, cung cấp các loại giấy tờ, bằng cấp, biển số xe… giả cho nhiều người trên khắp cả nước. Để tránh bị phát hiện, các đối tượng đã chia thành nhiều địa điểm, khu vực khác nhau để hoạt động. Những địa điểm mà các đối tượng đặt cơ sở thường ở những khu vực xa trung tâm thành phố, các khu dân cư.

Theo đó, tại các địa phương: TP.HCM, 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, nhóm đối tượng này thường thuê các căn nhà “kín cổng cao tường” để làm địa điểm hoạt động. Trong suốt thời gian hoạt động, các đối tượng thường rất ít ra ngoài để tránh bị người dân địa phương nghi ngờ cũng như lực lượng chức năng theo dõi. Tại mỗi nơi, các đối tượng thường chỉ hoạt động một thời gian, sau đó lại tiếp tục chuyển đi nơi khác.

Không chỉ có những đường dây lớn có sự kết nối của nhiều đầu mối, đối tượng mà thời gian qua công an các địa phương trong tỉnh cũng đã “khui” nhiều vụ sản xuất giấy tờ giả quy mô nhỏ, lẻ trên địa bàn. Cụ thể như ngày 14-8, Công an TP.Biên Hòa bắt giữ Nguyễn Hoàng Đạt (28 tuổi, ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) là chủ cơ sở photo Hoàng Ngân (trên đường Đinh Quang Ân, P.Phước Tân) khi đối tượng đang làm giấy tờ giả.

Theo điều tra của cơ quan công an, với “vỏ bọc” chủ tiệm photo, Nguyễn Hoàng Đạt đã nhận làm giả các loại giấy tờ tùy thân, bằng cấp khi người dân có nhu cầu. Để thực hiện hành vi này, Đạt đã đặt làm nhiều mẫu con dấu khác nhau và sưu tầm các mẫu phôi bằng cấp, giấy tờ rồi tự in ra khi có khách đặt hàng. Sau đó, đối tượng sử dụng con dấu giả đóng lên các loại giấy tờ.

* Thủ đoạn tinh vi

Thượng tá Hoàng Cao Thắng, Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (đơn vị cùng tham gia Chuyên án GTG6) cho biết, qua thực tế điều tra các vụ án, chuyên án về giấy tờ giả cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi. Các đối tượng đã sử dụng kỹ thuật vi tính, công nghệ cao để làm các loại giấy tờ giả. Đối với việc giao dịch, các đối tượng lợi dụng sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội để quảng bá và tìm kiếm khách hàng.

Thiết bị làm biển số giả, con dấu giả được thu giữ tại một cơ sở làm giấy tờ giả ở P.Phước Tân (TP.Biên Hòa).
Thiết bị làm biển số giả, con dấu giả được thu giữ tại một cơ sở làm giấy tờ giả ở P.Phước Tân (TP.Biên Hòa).

Theo xác minh của cơ quan công an, tội phạm làm giấy tờ giả đã sử dụng các thuê bao “sim rác” và các tài khoản ảo trên mạng để đăng tải thông tin quảng cáo và tìm kiếm khách hàng. Sau mỗi lần kết nối và thực hiện giao dịch với khách hàng, các đối tượng vứt bỏ sim, xóa tài khoản để tránh bị phát hiện.

Đối với việc giao hàng, các đối tượng đã gửi “hàng” qua hệ thống chuyển phát nhanh của các công ty dịch vụ hoặc chuyển qua các tuyến xe khách đường dài. Nếu trong phạm vi gần, các đối tượng chuyển “hàng” qua đội ngũ xe ôm công nghệ. Tất cả các dịch vụ này đều đúng như cam kết: “nhận hàng mới thanh toán tiền”.

Theo xác minh của cơ quan công an, mỗi loại bằng cấp, giấy tờ giả thông thường được các đối tượng bán từ 1-5 triệu đồng. Riêng đối với các loại giấy tờ như: giấy đăng ký xe máy, ô tô thì ngoài giấy đăng ký còn kèm theo cả bộ biển số nên sẽ có giá cao hơn.

Bên cạnh các đường dây làm giả giấy tờ để bán cho nhiều người nhằm thu lợi bất chính, một chiêu thức khá táo bạo khác đó là làm giả công văn của các cơ quan chức năng để nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân cũng vừa được Công an H.Long Thành phát hiện, xử lý.

Cụ thể, tại địa bàn H.Long Thành thời gian gần đây, các cơ quan chức năng nhận được phản ảnh của người dân có đối tượng nghi vấn sử dụng các công văn giả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công an gửi cho UBND H.Long Thành yêu cầu giải quyết các vụ tranh chấp đất đai, chính sách cho một số người dân.

Sau khi vào cuộc xác minh, Công an H.Long Thành xác định các “công văn” này là giả và Phạm Văn Thương (40 tuổi, ngụ TX.Bến Cát, tỉnh Bình Dương) đã làm giả các công văn nói trên nhằm lừa đảo một số người dân để chiếm đoạt tài sản. Hiện đối tượng đã bị bắt giữ để điều tra về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Quá trình khám xét nhà của đối tượng, công an còn thu giữ nhiều mẫu con dấu, các loại văn bằng giả.

* Siết chặt việc quản lý

Mặc dù lực lượng công an triệt phá nhiều đường dây, cơ sở làm giấy tờ giả trên địa bàn nhưng hiện nay nhiều người dân trên địa bàn vẫn nhận được các tin nhắn từ số điện thoại lạ, tài khoản trên các trang mạng xã hội rao bán các loại giấy tờ giả với thủ tục rất đơn giản.

Chị N.T.H. (một giáo viên tại TP.Biên Hòa) cho biết, chị đã không ít lần nhận được các loại tin nhắn “quảng cáo” nhận làm các loại giấy tờ kiểu này. Gần đây, chị H. mới nhận được tin nhắn từ số điện thoại 0914.795… với nội dung: “Em nhận làm bằng lái xe, bằng đại học và các loại giấy tờ khác như: cao đẳng, trung cấp, cấp 3, sổ hồng, sổ đỏ...; nhận hàng mới thanh toán, gọi Zalo: 0353.466...”.

Cũng với tin nhắn tương tự, trước đó chị H. đã nhận được lời chào mời nhận làm tất cả các loại giấy tờ, bằng cấp từ số điện thoại: 0918.662... Để lấy niềm tin của khách hàng, tất cả các tin nhắn này đều cam kết sau khi nhận hàng thì khách mới thanh toán.

Để kịp thời xử lý các vụ việc, ngăn chặn thủ đoạn của tội phạm làm giả giấy tờ, theo thượng tá Hoàng Cao Thắng, trước hết mỗi người dân phải xác định việc sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả là hành vi trái pháp luật, cần nêu cao cảnh giác và không tiếp tay cho loại tội phạm này. Đối với lực lượng công an, nhất là công an cơ sở, ngoài việc đấu tranh, phòng ngừa phải thường xuyên tuyên truyền để nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân về hành vi sử dụng, làm giấy tờ giả là phạm pháp. Ngoài ra, công an các địa phương cũng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, quản lý chặt tại địa bàn để tránh tình trạng tội phạm, trong đó có tội phạm làm giả giấy tờ, lợi dụng hoạt động.

Tương tự, ông Nguyễn Phước Vinh, Trưởng phòng 3, Viện KSND tỉnh cho rằng, để ngăn chặn tình trạng làm, mua bán và sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả trong các ngành, lĩnh vực xã hội, trước hết các cơ quan chức năng, công ty, doanh nghiệp phải kiểm tra kỹ ở khâu tuyển dụng. Cụ thể, các cơ quan chức năng phải có một cơ chế tuyển dụng chặt chẽ để tránh việc “lọt lưới” các loại bằng cấp giả khi tuyển dụng cán bộ, công chức, người lao động. Bên cạnh đó, trong quá trình quản lý người lao động, cơ quan, doanh nghiệp cũng phải kiểm soát chặt các loại bằng cấp liên quan. Theo ông Vinh, chính việc buông lỏng quản lý đã làm nảy sinh ý định mua bằng cấp giả của người lao động.

Trần Danh


Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó trưởng phòng Tư pháp TP.Biên Hòa:

Ngăn chặn, từ chối chứng thực các loại giấy tờ giả

Theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực thì UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực nhiều loại giấy tờ. Nhu cầu chứng thực của người dân tại UBND các phường, xã rất nhiều. Để ngăn chặn tình trạng chứng thực nhầm các loại giấy tờ giả, Phòng Tư pháp đã yêu cầu các cán bộ tư pháp - hộ tịch thuộc bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND xã, phường trên địa bàn khi tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ thấy có nghi vấn, bất thường như: giả mạo, có tẩy xóa... thì liên hệ với các cơ quan chuyên môn cấp giấy tờ đó, truy cập thông tin về giấy tờ được cấp trên hệ thống hoặc nhanh chóng điện thoại, gửi hình ảnh giấy tờ qua ứng dụng Zalo đến Phòng Tư pháp, Sở Tư pháp nhờ hỗ trợ.

Việc ngăn chặn, từ chối chứng thực các loại giấy tờ giả, tẩy xóa, không hợp lệ đòi hỏi cán bộ làm công tác này phải có kinh nghiệm, kỹ lưỡng, thận trọng. Kinh nghiệm để nhận dạng các loại giấy tờ khi chứng thực như: xem độ cũ, mới của các loại giấy tờ, chất liệu giấy quá dày, nặng hơn bình thường, các chi tiết in trên giấy hơi xấu, có khi sai lỗi chính tả, có dấu hiệu cố tình bôi bẩn cho khó nhận biết, các dấu mộc chìm, nổi đều có điểm sai; chữ ký không liền nét...

Khi nhận biết các giấy tờ giả, tẩy xóa, không hợp lệ thì cán bộ tư pháp - hộ tịch kiên quyết từ chối chứng thực, lập văn bản tạm giữ và đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định về chứng thực.

Bà Phan Thị Vân Anh, Trưởng Văn phòng Công chứng Thống Nhất (TP.Biên Hòa):

Làm tốt công tác phối hợp trong xác minh các loại giấy tờ

Chiêu thức làm giả giấy tờ ngày càng tinh vi. Chính vì vậy, cán bộ kiểm tra, phát hiện phải có kiến thức, kinh nghiệm thực tế. Đối với đội ngũ công chứng viên phải được trang bị kỹ năng, kiến thức chuyên môn để kịp thời phát hiện những trường hợp có dấu hiệu sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả trong các hoạt động giao dịch.

Trong trường hợp phát hiện có những dấu hiệu nghi vấn, văn phòng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh, giải quyết. Nếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng được thực hiện tốt sẽ góp phần ngăn chặn nạn sản xuất, mua bán, sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả tồn tại trong đời sống xã hội.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh):

Hậu quả của giấy tờ giả khó lường

Người làm hồ sơ, giấy tờ giả, không hợp lệ đương nhiên phải bị chế tài theo pháp luật hình sự, hành chính khi bị phát hiện. Tuy nhiên, một khi giấy tờ, hồ sơ giả, không hợp lệ lọt qua khâu công chứng thì hậu quả rất khó lường như: vô cớ mất tài sản, bị lừa dối, rắc rối trong việc kiện tụng đòi quyền lợi... đối với người bị ảnh hưởng trực tiếp là người mua (xe cộ, nhà, đất...); người bị người khác làm giả giấy tờ hợp lệ của mình để giao dịch. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức bị ảnh hưởng khi giấy tờ, hồ sơ do mình cấp bị làm giả tinh vi, lọt qua khâu công chứng, chứng thực để giao dịch.

Để ngăn chặn hồ sơ, giấy tờ giả “lọt” qua khâu công chứng, chứng thực thì công chứng viên, cán bộ tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ chứng thực ngoài trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm thì cũng cần phải được tập huấn thường xuyên kỹ năng về nhận biết giấy tờ giả, các hành vi, thủ đoạn làm giấy tờ giả, hình thức làm giả. Đồng thời, công chứng viên, cán bộ tiếp nhận hồ sơ công chứng phải mạnh dạn, kiên quyết từ chối công chứng, chứng thực những loại hồ sơ, giấy tờ nghi không hợp lệ, thực hiện công việc đúng quy định pháp luật về công chứng, chứng thực.

Để giao dịch không bị lừa dối bởi việc giả mạo hồ sơ, giấy tờ được công chứng, chứng thực, người giao dịch (người mua, chuyển nhượng tài sản) nên tìm tới các tổ chức công chứng, chứng thực uy tín, trách nhiệm. Hoặc chọn hình thức giao dịch qua ngân hàng hay nơi mà có đất nhà, tài sản giao dịch thì sẽ được kiểm tra, soi kỹ nguồn gốc, đối tượng, giấy tờ, hồ sơ giao dịch thật hay giả mạo, hợp lệ hay chưa hợp lệ.

Diễm Quỳnh - Thành Vinh (ghi)


 

Tin xem nhiều