Báo Đồng Nai điện tử
En

Kích cầu, kích cung, giữ đà tăng trưởng

03:09, 11/09/2020

Từ đầu năm đến nay, kinh tế trong nước chịu nhiều tổn thất do dịch Covid-19. Chính phủ đã có các gói giải pháp tài chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, giữ cho nền kinh tế không bị giảm phát.

Chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa là kết thúc năm 2020, từ đầu năm đến nay, kinh tế trong nước chịu nhiều tổn thất do dịch Covid-19 gây ra. Chính phủ đã có các gói giải pháp tài chính để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN). Tác động tích cực của các gói giải pháp này đã giữ được cho nền kinh tế không rơi vào tình trạng giảm phát như hầu hết các nước trên thế giới, mức tăng trưởng dự báo cho cả năm có thể đạt đến 3%.

Thúc đẩy đầu tư công được coi là giải pháp tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế. Trong ảnh: Thi công hạ tầng khu tái định cư cho cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: Đào Lê
Thúc đẩy đầu tư công được coi là giải pháp tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế. Trong ảnh: Thi công hạ tầng khu tái định cư cho cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: Đào Lê

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo đà cho sức bật cho những năm tiếp theo, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương coi việc quyết liệt đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng, giải ngân nguồn vốn đầu tư công là động lực chính để kích cầu, kích cung, giữ “đà” tăng trưởng.

* Dù khó khăn, Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng

Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 8-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn duy trì ổn định. Chính sách tiền tệ được thực hiện tương đối tốt. Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, 8 tháng đạt trên 174 tỷ USD, tăng 1,6%; xuất siêu đạt gần 12 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ nét; nhiều địa phương đã cam kết giải ngân đạt 100% trong năm nay. Đời sống nhân dân ổn định; các lĩnh vực văn hóa, quốc phòng - an ninh, đối ngoại tiếp tục được chú trọng, trong đó đã tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, khẳng định uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong bối cảnh một số ý kiến dự báo về khả năng "suy thoái kép" của nền kinh tế toàn cầu thì Việt Nam vẫn là một trong những điểm sáng. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá Việt Nam vẫn nằm trong nhóm tăng trưởng dương trong khu vực và toàn cầu. "Sức khỏe" của nền tài chính Việt Nam được đánh giá tốt và hoàn toàn có thể vượt qua tác động của Covid-19, được xếp hạng 12/66 nền kinh tế mới nổi có nền tài chính khỏe mạnh. Nếu thực hiện tốt nhiệm vụ kép: vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh, vừa tích cực hồi phục sản xuất, kinh doanh thì tăng trưởng cả năm của nước ta vẫn có khả năng đạt 3% so với năm 2019.

Dù khó khăn, nhưng vẫn có những dư địa tốt để Việt Nam hồi phục tăng trưởng với tốc độ cao hơn, trong đó, Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ đầu tháng 8 vừa qua đã thúc đẩy xuất khẩu của nước ta. Tính trong tháng 8, tăng trưởng xuất khẩu theo tháng đã đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay; số lượng mặt hàng 1 tỷ USD tiếp tục tăng; cán cân thương mại duy trì ở thặng dư... Đáng mừng là xuất siêu đạt cao nhất trong 4 năm qua là kết quả tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là khu vực kinh tế trong nước có kim ngạch xuất khẩu tăng 15,3%.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả việc áp dụng Hiệp định EVFTA, Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục đôn đốc, tổng hợp kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của các bộ, ngành, địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, triển khai các kế hoạch này. Bộ cũng tổ chức tuyên truyền, phổ biến các cam kết trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phương án cam kết cắt giảm/xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng hóa và các cam kết về tiếp cận thị trường của Hiệp định EVFTA để nâng cao sự hiểu biết của người dân và DN các cam kết của hiệp định.

Thúc đẩy đầu tư công được coi là giải pháp tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế. Trong ảnh: Thi công dự án cầu vượt Dầu Giây (H.Thống Nhất)
Thúc đẩy đầu tư công được coi là giải pháp tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế. Trong ảnh: Thi công dự án cầu vượt Dầu Giây (H.Thống Nhất)

Song song với công tác nói trên, Bộ Công thương đang xây dựng kế hoạch hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2020-2025 góp phần phát triển xuất khẩu bền vững khi VIệt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Mục đích là nhằm rà soát, chọn lọc một số ngành hàng cùng các mặt hàng có tiềm năng, dư địa phát triển tại thị trường các nước đối tác đã ký kết hiệp định. Từ đó tăng cường xúc tiến thương mại, áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, quan hệ với các đối tác, hỗ trợ DN nhanh chóng tìm được bạn hàng.

* Giải ngân vốn đầu tư công là chìa khóa

Trên bình diện cả nước, trong suốt nhiều tháng qua, lãnh đạo Chính phủ cũng như các địa phương đều nhấn mạnh coi việc tăng tốc đầu tư công là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh các dự án vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm. Đặc biệt, thời gian tới phải tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, có tác động lan tỏa, tạo nền tảng tăng trưởng bền vững trong tương lai, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Riêng tại Đồng Nai, ngày 7-9, tại cuộc họp về kinh tế - xã hội 8 tháng, UBND tỉnh xác định, trong những tháng cuối năm, tỉnh sẽ hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 để nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường cũng đề nghị các địa phương phải giải ngân nhanh các dự án đầu tư công để tạo đột phá trong phát triển kinh tế.

Trước đó, khi làm việc với tỉnh vào ngày 21-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ phải giải ngân được 95% trong số vốn đầu tư công đã cấp cho địa phương. Thủ tướng yêu cầu Đồng Nai chuẩn bị tốt công tác lập kế hoạch đầu tư công, đặc biệt kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025, trong đó lưu ý các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; tập trung triển khai lập quy hoạch tỉnh nhằm phát huy lợi thế, động lực của tỉnh với vai trò là vị trí kết nối vùng Đông Nam bộ.

Cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương và sự chỉ đạo nói trên của Thủ tướng, trong tháng 8 UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 9019/KH-UBND ngày 3-8-2020 về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tiến độ đầu tư công trong năm 2020.

Theo đó, tỉnh giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, các chủ đầu tư dự án do UBND tỉnh trực tiếp giao kế hoạch và UBND các huyện, thành phố (đối với ngân sách cấp huyện) thực hiện hoàn thành giải ngân toàn bộ số vốn đầu tư công thuộc phân cấp của Đồng Nai trong năm 2020. UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị nêu trên phải ban hành kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án.

Để thúc đẩy tiến độ thực hiện, các đơn vị phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, lập kế hoạch giải ngân, đôn đốc, giải quyết kịp thời những phát sinh xảy ra trong quá trình thực hiện. Kết quả giải ngân của từng dự án là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra thì xem xét, xử lý trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu và cá nhân liên quan. Không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư các dự án và cá nhân liên quan nếu kết quả giải ngân đạt dưới 100%.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có hàng loạt các dự án hạ tầng lớn, trong đó đặc biệt là bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng khu tái định cư cho sân bay quốc tế Long Thành. Mặc dù việc giải ngân nguồn vốn hiện tại chưa cao song các dự án trên địa bàn đang ở vào giai đoạn tăng tốc. Do đó, khi tiến hành giải ngân đồng loạt sẽ có thể hoàn thành được khối lượng công việc đã giao, tạo động lực thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển mạnh hơn trong những tháng cuối năm.

Đào Lê

 

Tin xem nhiều