Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành danh mục những dự án lớn để mời gọi đầu tư. Đây đều là những dự án quan trọng, nếu tìm được nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm sẽ góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế, xã hội của Đồng Nai.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành danh mục những dự án lớn để mời gọi đầu tư. Đây đều là những dự án quan trọng, nếu tìm được nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm sẽ góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế, xã hội của Đồng Nai.
Tỉnh đang dự tính thực hiện dự án Đường ven sông Đồng Nai. Ảnh: H.Giang |
[links()]Các dự án tỉnh kêu gọi đầu tư trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: giao thông, cấp thoát nước, du lịch, thương mại, hạ tầng cụm công nghiệp, khu dân cư, nông nghiệp. Trong đó, tỉnh quy hoạch rõ diện tích, tổng vốn đầu tư và tỉnh sẽ đưa vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
* Những dự án cần vốn “khủng”
Trên lĩnh vực giao thông, Đồng Nai có 6 dự án lớn đang mời gọi đầu tư là tuyến đường liên cảng H.Nhơn Trạch dài hơn 15km, rộng 38m và tổng vốn đầu tư gần 236 triệu USD. Tuyến đường Trảng Bom - Xuân Lộc dài 50km, mặt đường rộng 7m và tổng vốn đầu tư hơn 50 triệu USD (chưa bao gồm tiền bồi thường giải phóng mặt bằng). Dự án cầu Thống Nhất
(TP.Biên Hòa) và đường hai đầu cầu có tổng vốn đầu tư trên 45 triệu USD. Dự án Hương lộ 10 đoạn từ trung tâm H.Cẩm Mỹ đi quốc 1. Quy mô dự án là tuyến đường cấp III, dài 24,5km, nền đường rộng 12m và vốn đầu tư khoảng 26 triệu USD (chưa tính tiền bồi thường giải phóng mặt bằng). Dự án Đường nối từ đường Bùi Hữu Nghĩa đi quốc lộ 1K
(TP.Biên Hòa) có tổng vốn đầu tư khoảng 11 triệu USD.
Đồng Nai quy hoạch 27 cụm công nghiệp, nhưng đến thời điểm này chỉ có 4 cụm công nghiệp hoàn thành hạ tầng, còn lại đang trong quá trình xây dựng, bồi thường tái định cư hoặc chưa mời gọi được nhà đầu tư. Vì thế, UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp làm hạ tầng cụm công nghiệp từ 15-20 tỷ đồng/cụm để thu hút nhà đầu tư. |
Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho biết: “Tỉnh mời gọi các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài có thực lực đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, du lịch, thương mại, khu dân cư... để tạo đà cho phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn tới. Về phía tỉnh sẽ tạo điều kiện rút ngắn thời gian phê duyệt hồ sơ để doanh nghiệp đầu tư các dự án sớm hoàn thành thủ tục, khởi công xây dựng”.
Đặc biệt, Đồng Nai quy hoạch 21 dự án du lịch sinh thái để mời gọi các nhà đầu tư. Đây cũng là lĩnh vực tỉnh có rất nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác tốt nên trong giai đoạn tới tỉnh ưu tiên làm hạ tầng giao thông kết nối vào những nơi đã quy hoạch phát triển du lịch. Mục tiêu của tỉnh là trong giai đoạn tới sẽ đẩy mạnh khai thác trên lĩnh vực du lịch và tăng doanh thu.
Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng cho hay: “Trên địa bàn Đồng Nai có nhiều rừng tự nhiên, sông, hồ, thác rất đẹp, thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Sở đã rà soát và đưa vào danh sách các dự án du lịch cần mời gọi đầu tư, trong đó có diện tích cụ thể, tổng vốn đầu tư. Đồng thời, Sở yêu cầu các địa phương nơi có quy hoạch dự án du lịch mời gọi đầu tư thêm các sản phẩm du lịch khác để sau này kết nối với các khu du lịch tạo thêm doanh thu”.
Các dự án du lịch trên có tổng vốn đầu tư khoảng 530 triệu USD. Dự án có vốn lớn là Khu du lịch sinh thái hồ Núi Le có diện tích 122ha nằm ở TT.Gia Ray (H.Xuân Lộc) có tổng vốn đầu tư gần 55 triệu USD, loại hình xây dựng khu vui chơi giải trí kết hợp với khách sạn, nghỉ dưỡng. Dự án Hồ Gia Ui (H.Xuân Lộc) diện tích 47ha nằm ở xã Xuân Tâm (H.Xuân Lộc), cần vốn xây dựng 54,5 triệu USD. Khu du lịch Thác Hòa Bình (H.Tân Phú), tổng vốn 41 triệu USD. Hồ Đa Tôn (H.Tân Phú) tổng diện tích 760ha, vốn đầu tư 35 triệu USD. Ngoài ra, các dự án Khu du lịch hồ Bà Hào, điểm du lịch Công viên đá (H.Vĩnh Cửu) cũng cần vốn trên 20 triệu USD/dự án...
Tỉnh đang thu hút đầu tư vào dự án hồ Núi Le (H.Xuân Lộc) |
Phó chủ tịch UBND H.Tân Phú Nguyễn Văn Nghị chia sẻ: “Huyện đang mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào 2 dự án du lịch lớn là Hồ Đa Tôn và Thác Hòa Bình. Vừa qua, có một số tập đoàn đến tìm hiểu thực tế dự tính sẽ làm thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết nối với tuyến du lịch Vườn quốc gia Cát Tiên, nhưng vướng về đất lúa, đất rừng nên chưa thực hiện được”.
* Ưu tiên dự án môi trường, nhà ở
Dù tập trung phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, nông nghiệp, du lịch, nhưng tỉnh rất chú trọng trong việc đầu tư xây dựng các công trình, dự án góp phần bảo vệ môi trường. Thời gian qua, tỉnh đã quy hoạch 16 dự án trên lĩnh vực cấp thoát nước ở các địa phương với khoảng 787 triệu USD. Trong đó có những dự án có vốn lớn như: Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP.Biên Hòa giai đoạn 1 gần 329 triệu USD; Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải H.Nhơn Trạch 153 triệu USD; Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP.Long Khánh gần 105 triệu USD; Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TT.Trảng Bom (H.Trảng Bom) trên 75 triệu USD... Các dự án trên dự tính sẽ triển khai bằng nguồn vốn ODA.
Hạ tầng kỹ thuật hiện được nhiều doanh nghiệp FDI quan tâm và muốn rót vốn vào. Với những dự án khó mời gọi đầu tư, tỉnh dự tính sẽ đấu giá đất để lấy vốn thực hiện. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, các địa phương nên rà soát lại những thửa đất có lợi thế khi mở các tuyến đường giao thông để thu hồi và tiến hành bán đấu giá. Nguồn vốn bán đất sẽ dùng tái đầu tư các công trình, dự án quan trọng trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội và góp phần bảo vệ môi trường.
Phát triển công nghiệp sẽ thu hút nhiều lao động từ các tỉnh, thành khác về sinh sống. Như vậy, nhu cầu về nhà ở xã hội sẽ tăng cao, vì thế tỉnh cũng quy hoạch sử dụng đất và mời gọi các doanh nghiệp đầu tư các khu dân cư, nhà ở xã hội tại các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đánh giá: “Đồng Nai có nhiều khu vực đông dân cư rất cần nhà ở xã hội. Vừa qua, tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với các huyện, thành phố rà soát lại quỹ đất làm nhà ở xã hội và mời gọi đầu tư. Đồng thời, chọn doanh nghiệp mạnh về vốn và có kinh nghiệm để thực hiện dự án đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập thấp”.
Trong giai đoạn tới, Đồng Nai dự tính tăng doanh thu từ lĩnh vực thương mại dịch vụ, tỉnh trải thảm đỏ mời gọi các doanh nghiệp FDI rót vốn vào. Dự tính giai đoạn tới tỉnh tăng quy hoạch sử dụng đất cho lĩnh vực này để mời gọi các dự án lớn. Thực tế, nhiều tập đoàn FDI, trong nước đã đến tỉnh đầu tư vào lĩnh vực này như: Amata, Vingroup... Thời gian tới, khi những dự án giao thông lớn khởi động và hoàn thành sẽ có nhiều tập đoàn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan đến Đồng Nai thực hiện các dự án lớn về thương mại dịch vụ.
Hương Giang