Ngay đầu học kỳ I năm học 2019-2020, trên địa bàn cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng xảy ra các vụ tai nạn từ xe đưa đón học sinh gây xôn xao dư luận. Cụ thể như vụ bỏ quên học sinh trên xe đưa đón dẫn đến tử vong ở Trường quốc tế Gateway (TP.Hà Nội); 2 vụ xe đưa đón làm rơi học sinh xuống đường ở TP.Biên Hòa và H.Trảng Bom...
Ngay đầu học kỳ I năm học 2019-2020, trên địa bàn cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng xảy ra các vụ tai nạn từ xe đưa đón học sinh gây xôn xao dư luận. Cụ thể như vụ bỏ quên học sinh trên xe đưa đón dẫn đến tử vong ở Trường quốc tế Gateway (TP.Hà Nội); 2 vụ xe đưa đón làm rơi học sinh xuống đường ở TP.Biên Hòa và H.Trảng Bom... Từ các vụ việc này gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự mất an toàn trong hoạt động của xe đưa đón học sinh đến từ các nguyên nhân: ý thức của người dân tham gia đưa đón học sinh chưa cao; chất lượng xe kém, hết hạn đăng kiểm, không đảm bảo an toàn giao thông...
Có thể thấy rằng, ngay sau các vụ tai nạn liên quan đến xe đưa đón học sinh nói trên, các cơ quan chức năng đã vào cuộc rà soát, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các xe đưa đón học sinh vi phạm quy định của pháp luật về an toàn giao thông và vận tải hành khách. Nhiều trường học cũng siết chặt hơn trong việc thuê xe đưa đón học sinh đảm bảo các quy định về vận tải hành khách, Luật Giao thông đường bộ năm 2008...
Tuy nhiên, hiện nay tình hình hoạt động của các xe đưa đón học sinh ở một số trường học trên địa bàn tỉnh cũng còn không ít tồn tại, hạn chế cần sớm chấn chỉnh, khắc phục, nhất là ở các trường vùng ven, gần các khu công nghiệp. Qua rà soát, kiểm tra trong năm học 2019-2020, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 85 trường hợp xe đưa đón học sinh không đảm bảo điều kiện hoạt động; 24 trường hợp hết hạn đăng kiểm, hết hạn sử dụng hoặc sử dụng xe tải để chở học sinh. Nếu lực lượng chức năng không kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp này hoạt động thì hậu quả sẽ khôn lường.
Do đặc thù công việc, nhiều gia đình không thể đưa, đón con hằng ngày nên nhu cầu thuê xe đưa, đón học sinh rất bức thiết. Mặt khác, trước tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp cũng như tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng tại các đô thị vào giờ cao điểm, việc học sinh đến trường bằng xe đưa đón dù sao cũng đảm bảo an toàn hơn việc học sinh tự đến trường bằng xe máy, xe đạp điện...; đồng thời góp phần rất lớn trong việc giảm ùn tắc giao thông. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để đảm bảo an toàn cho các chuyến xe đưa đón học sinh, để không còn xảy ra các tai nạn từ chính xe đưa đón, để con đường từ nhà đến trường (và ngược lại) của các em luôn được đảm bảo an toàn.
Trước mắt, ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý của ngành chức năng, nhà trường cũng phải có trách nhiệm giám sát hoạt động của xe đưa đón học sinh; kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp thay đổi xe quá cũ, không đảm bảo an toàn cho học sinh. Về phía phụ huynh cần mạnh dạn phản hồi với nhà trường khi phát hiện các xe đưa đón không đảm bảo an toàn để có sự điều chỉnh phù hợp. Về phía doanh nghiệp cũng cần bố trí các xe đưa đón học sinh đảm bảo quy chuẩn, lựa chọn tài xế ngoài có kỹ năng lái xe còn phải có “tâm” hướng dẫn học sinh lên, xuống xe an toàn.
Về lâu dài, việc xây dựng hệ thống xe buýt trong các trường học sẽ là một giải pháp tối ưu cho tương lai. Đó cũng là một trong những giải pháp quan trọng về giao thông đô thị. Để phát triển xe buýt học đường, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi cũng như các quy định hoạt động riêng, phù hợp nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư để đảm bảo an toàn cho học sinh. Có như vậy mới hạn chế, tiến tới không còn xảy ra những tai nạn đáng tiếc liên quan đến xe đưa đón học sinh như trong thời gian vừa qua.
Đặng Ngọc