Tuy là tỉnh công nghiệp, cơ cấu ngành Nông nghiệp chỉ chiếm tỉ trọng chưa tới 6% nhưng Đồng Nai luôn chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp.
Tuy là tỉnh công nghiệp, cơ cấu ngành Nông nghiệp chỉ chiếm tỉ trọng chưa tới 6% nhưng Đồng Nai luôn chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, Đồng Nai đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thu hoạch cá tại vùng nuôi cá tra VietGAP tại xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu. Ảnh:B. Nguyên |
Việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, hướng tới phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu được tập trung chỉ đạo và đạt nhiều kết quả quan trọng.
* Tái cơ cấu cây trồng hiệu quả
Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước về đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn. Trong tái cơ cấu nông nghiệp và triển khai chính sách phát triển nông nghiệp đều có những bước đột phá... Qua đó, Đồng Nai đã tạo được cơ chế để thu hút doanh nghiệp, nông dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, tạo nên sức bật mới từ tiềm năng đã có.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiệm kỳ qua, Đồng Nai đã đạt được những kết quả khá toàn diện, sâu sắc trên tất cả các mặt: nông nghiệp, nông dân, nông thôn. |
Trong đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, giảm các loại cây có giá trị kinh tế thấp được thực hiện theo đúng định hướng. Công tác chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp đã được tập trung triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực.
Trong đó, các địa phương của tỉnh đã tập trung phát triển các nhóm cây chủ lực thế mạnh là công nghiệp lâu năm và cây ăn trái. Đến nay, toàn tỉnh có gần 107 ngàn ha cây công nghiệp lâu năm như: điều, cà phê, tiêu, cao su... Diện tích cây ăn trái đạt gần 63,8 ngàn ha. Toàn tỉnh đã hình thành được 25 vùng cây trồng chủ lực là cây công nghiệp lâu năm và cây ăn trái. Trong đó, có nhiều cây trồng đặc sản có tiếng trên thị trường như: tiêu, xoài, bưởi, sầu riêng, chôm chôm, thanh long ruột đỏ... cho lợi nhuận gấp nhiều lần so với trước khi chuyển đổi. Đến nay, trên 90% diện tích các loại cây trồng đều sử dụng giống mới.
Vĩnh Cửu là vùng chiến khu xưa với rất nhiều xã nghèo, đất đai cằn cỗi, chủ yếu trồng những cây ngắn ngày cho lợi nhuận thấp như: cây lúa, mía, tràm… Ấn tượng nổi bật của địa phương này là đã tập trung chuyển đổi cây trồng, phát triển sản xuất, không ngừng nâng cao thu nhập cho nông dân.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại H.Cẩm Mỹ. Ảnh:B. Nguyên |
Ông Phạm Minh Phước, Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu cho biết, thời gian qua, địa phương đã tập trung chuyển đổi những ruộng lúa đất cao thiếu nước, những vườn mía, vườn tràm cằn cỗi, kém hiệu quả sang trồng cây có múi như: cam, quýt, bưởi... Đến nay, huyện đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh cây đặc sản như: làng bưởi Tân Triều; vùng xoài Phú Lý, vùng cam, quýt và làng nuôi hươu, nai Hiếu Liêm… Trong đó, nhiều vùng trái cây đặc sản trù phú đã nổi tiếng xa gần về thương hiệu trái ngon. Nổi bật là thương hiệu đặc sản bưởi Tân Triều đã có chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi đường lá cam và bưởi ổi. “Địa phương đang tập trung thu hút đầu tư, quy hoạch phát triển theo định hướng du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp sạch, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, xây dựng thương hiệu nông sản bằng uy tín chất lượng” - ông Phước nói.
Những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch cho hiệu quả kinh tế cao không ngừng được nhân rộng trên địa bàn tỉnh như: mô hình trồng bưởi VietGAP cho thu nhập 1,2-2 tỷ đồng/hécta; nuôi tôm công nghệ cao đạt từ 2,5-3 tỷ đồng/hécta...
Đến nay, giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1ha đất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 228,8 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 59,6 triệu đồng/người/năm, tăng 19,44 triệu đồng so với năm 2015.
* Phát triển chăn nuôi công nghiệp
Về lĩnh vực chăn nuôi, Đồng Nai là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước khi thuộc tốp đầu về tổng đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, các loại vật nuôi chủ lực như heo, gà phát triển theo hướng chăn nuôi trang trại, chăn nuôi công nghiệp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường.
Nhà vườn làm du lịch tại xã Bình Lộc, TP.Long Khánh |
Năm 2019, ngành Chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là chăn nuôi heo thiệt hại lớn do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi. Nhưng giá trị sản phẩm chăn nuôi của tỉnh vẫn đạt hơn 21,3 ngàn tỷ đồng, chiếm tỉ trọng lớn trong toàn ngành Nông nghiệp với giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt gần 41,8 ngàn tỷ đồng.
Trong đó, ngành Chăn nuôi heo đang dần hồi phục với tổng đàn hiện đạt trên 2,1 triệu con, giảm hơn 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đã tăng hàng trăm ngàn con so với thời điểm tổng đàn heo giảm mạnh do thiệt hại bởi dịch tả heo châu Phi. Lợi thế lớn nhất của Đồng Nai là vẫn còn tổng đàn nái, trong đó có đàn giống cụ kỵ cao hơn so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nguồn giống này chủ yếu do các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lớn đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, bài bản.
Về làm việc tại Đồng Nai vào năm 2018, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước về đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn. Trong tái cơ cấu nông nghiệp và việc triển khai chính sách phát triển nông nghiệp, tỉnh đều có những bước đột phá. Qua đó, Đồng Nai đã tạo được cơ chế để thu hút nguồn đầu tư, tạo nên sức bật mới từ tiềm năng đã có; nhất là thu hút được doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. |
Trong dịp về làm việc tại Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, quy mô đàn heo của Đồng Nai chiếm tỉ trọng cao trong tổng đàn heo cả nước. Đồng Nai có rất nhiều lợi thế để tái đàn, tăng đàn như: có tổng đàn nái, trong đó có đàn giống cụ kỵ cao là nguồn tài nguyên rất lớn về nguồn giống cung cấp ra thị trường; có nhiều cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học; là một trong những tỉnh đi đầu trong triển khai truy xuất nguồn gốc và xây dựng các chuỗi liên kết chăn nuôi an toàn… Đồng Nai cần cơ cấu lại hoạt động chăn nuôi, ưu tiên phát triển mô hình trang trại quy mô lớn, đảm bảo an toàn sinh học nhằm góp phần vào đảm bảo sự tăng trưởng của toàn ngành Nông nghiệp.
Toàn tỉnh đã xây dựng được 5 vùng an toàn dịch bệnh trên gà đối với bệnh cúm và bệnh Newcastle; chăn nuôi heo đã hình thành được 3 vùng GAHP (Quy trình thực hành chăn nuôi tốt) tại các huyện Thống Nhất, Xuân Lộc và TP.Long Khánh. Tính đến hết năm 2019, Đồng Nai duy trì khoảng 18,6% sản lượng heo, 27% sản lượng gà đạt tiêu chuẩn VietGAHP có mặt trên thị trường.
Đồng Nai có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành Chăn nuôi xây dựng được liên kết chuỗi với người chăn nuôi theo hình thức gia công. Ngoài ra, một số các HTX chăn nuôi cũng đã có chuyển biến rõ nét trong tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp với chuỗi liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ không chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường nội địa mà còn đạt chuẩn xuất khẩu. Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ cho biết, chăn nuôi gà công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã qua giai đoạn chạy theo phong trào. Hiện chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90% tổng đàn, đa số các trại nuôi đều được đầu tư theo chuẩn công nghiệp hiện đại, tham gia chuỗi liên kết hoặc nuôi gia công cho các doanh nghiệp lớn. Trong đó, Đồng Nai đã hình thành được hệ thống các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ hiện đại cung cấp cho doanh nghiệp giết mổ, chế biến xuất khẩu vào thị trường khó tính là Nhật Bản.
Ngoài ra, ngành Nuôi trồng thủy sản cũng đang là thế mạnh, góp phần vào sự tăng trưởng chung của ngành Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác năm 2019 đạt trên 64 ngàn tấn, tăng hơn 2 ngàn tấn so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, người nuôi chủ động áp dụng khoa học - kỹ thuật từ khâu chăm sóc con giống đến nuôi trồng, hạn chế dịch bệnh phát sinh, góp phần tăng sản lượng nuôi trên cùng diện tích. Chỉ tính riêng diện tích nuôi trồng thủy sản ao, hồ đạt gần 8,8 ngàn ha, tăng hơn 86 ha so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó diện tích nuôi cá trên 6,7 ngàn ha; diện tích nuôi tôm trên 2 ngàn ha.
Bình Nguyên