Các tập đoàn trong nước, nước ngoài đang chú ý đến 5 lĩnh vực BĐS của tỉnh bao gồm: BĐS công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng, logistics, thương mại dịch vụ, đất nền và căn hộ.
Hiện nay, giữa lúc thị trường bất động sản (BĐS) trên cả nước đang có dấu hiệu trầm lắng thì ở Đồng Nai lại khá sôi động. Các tập đoàn trong nước, nước ngoài đang chú ý đến 5 lĩnh vực BĐS của tỉnh bao gồm: BĐS công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng, logistics, thương mại dịch vụ, đất nền và căn hộ.
TP.Biên Hòa là nơi thu hút các nhà đầu tư bất động sản vào lĩnh vực nhà ở, thương mại dịch vụ. Ảnh: H.GIANG |
Theo CLB Bất động sản Việt Nam, gần 100 doanh nghiệp (DN) là thành viên CLB mới có cuộc khảo sát tìm hiểu thị trường BĐS ở nhiều tỉnh, thành phía Nam. Qua tìm hiểu cho thấy, Đồng Nai là nơi còn rất nhiều tiềm năng cho các DN muốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS. Vì thế, thời gian tới sẽ có nhiều DN đến tỉnh đầu tư vào các lĩnh vực BĐS nêu trên.
* Nhiều tiềm năng chưa khai thác hết
Lâu nay, vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS ở Đồng Nai chủ yếu tập trung vào đất nền, căn hộ ở những khu vực đông dân cư, công nghiệp phát triển. Còn lại 4 lĩnh vực BĐS khác chưa được các DN trong và ngoài nước chú ý nhiều nên tiềm năng còn khá lớn, hiện đang chờ đợi các DN có kinh nghiệm, vốn lớn vào khai thác.
Đơn cử là BĐS công nghiệp, Đồng Nai hiện đã quy hoạch 27 cụm công nghiệp, trong đó còn nhiều khu chưa lựa chọn được nhà đầu tư hạ tầng. Hoặc dự tính trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh sẽ quy hoạch và mời gọi đầu tư mới và mở rộng khoảng 8 khu công nghiệp.
Theo Sở Xây dựng, với chiến lược phát triển “Về hướng Đông” thì các đô thị vệ tinh như: Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch sẽ đáp ứng được các yêu cầu trong việc giãn dân, đồng thời chia sẻ các chức năng cấp vùng và quốc gia với đô thị TP.HCM trên các lĩnh vực: tài chính, thương mại dịch vụ, nghiên cứu, đào tạo, y tế, văn hóa, du lịch, giải trí. Đồng Nai đầu tư BĐS các lĩnh vực trên đúng mức sẽ thúc đẩy và đón đầu được các làn sóng “Về hướng Đông” trong tương lai. |
Đây là lĩnh vực đang “nóng” vì tỉnh không còn nhiều đất công nghiệp cho DN trong nước, nước ngoài thuê làm nhà xưởng, văn phòng để sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, nhiều DN nước ngoài đã đến Đồng Nai ngỏ ý thuê diện tích đất lớn từ
20-100ha làm khu sản xuất nhưng không có. Vì thế, DN đầu tư BĐS công nghiệp khi có sản phẩm sẽ khá đắt hàng.
Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Cao Tiến Sỹ cho biết: “Các khu công nghiệp của tỉnh còn rất ít đất cho thuê, vừa qua nhiều tập đoàn nước ngoài đến thuê diện tích đất lớn để đặt nhà máy nhưng không đáp ứng được nên bỏ lỡ một số dự án lớn. Do đó, tỉnh đang gấp rút thực hiện mở rộng một số khu công nghiệp Đồng Nai đã lấp đầy và quy hoạch thêm những khu công nghiệp mới”.
BĐS du lịch nghỉ dưỡng tại Đồng Nai hiện cũng được nhiều DN chú ý, vì Đồng Nai có diện tích rừng tự nhiên lớn, sông hồ, thác rất đẹp. Đồng Nai là nơi đông dân cư với hơn 3,1 triệu người, nhiều chủ DN, cán bộ quản lý, chuyên gia nước ngoài nên nhu cầu về du lịch, nghỉ dưỡng khá lớn. Hiện lĩnh vực này đang thiếu những nhà đầu tư lớn để xây dựng các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng xứng tầm.
Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng cho hay: “Đồng Nai quy hoạch gần 20 khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ở các địa phương để mời gọi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Thời gian qua, có một số tập đoàn lớn đến tìm hiểu và dự tính đầu tư vào du lịch sinh thái nghỉ dưỡng của tỉnh như: Tập đoàn FLC, Vingroup... Tỉnh sẽ hỗ trợ các DN trong thực hiện thủ tục hồ sơ để đẩy nhanh việc triển khai các dự án về du lịch”. Hiện Đồng Nai có gần 10 hồ chứa lớn, hơn 140 ngàn ha rừng tự nhiên, gần 10 thác chưa được khai thác du lịch đúng với tiềm năng.
Phối cảnh một khu dân cư có vốn đầu tư trên 1 ngàn tỷ đồng tại H.Long Thành |
Các chuyên gia bất động sản đánh giá, trong thời gian tới, BĐS logistics, thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh sẽ rất sôi động. Vì Đồng Nai là cửa ngõ giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và kết nối với khu vực Tây nguyên, miền Tây Nam bộ. Đồng thời, đây là nơi có công nghiệp phát triển nhất cả nước nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa rất lớn, sẽ cần diện tích lớn dành cho phát triển logistics, thương mại dịch vụ.
Trên lĩnh vực BĐS đất nền, nhà ở, UBND tỉnh đã quy hoạch hơn 300 khu dân, khu đô thị và hiện có hơn 100 khu đang được triển khai. Tuy nhiên, có rất ít dự án đã hoàn thiện và tạo được điểm nhấn cho Đồng Nai.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhiều lần nhấn mạnh: “Đồng Nai rất cần những nhà đầu tư có tiềm lực để đầu tư các dự án khu đô thị hiện đại để từng bước xây dựng thành những khu đô thị thông minh, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn”.
* Tập trung cho 3 vùng kinh tế
Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Đồng Nai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, tỉnh sẽ tập trung phát triển 3 vùng kinh tế gồm: Vùng kinh tế Tây Nam của tỉnh có TP.Biên Hòa, H.Long Thành, H.Nhơn Trạch. Khu vực này sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ vận tải, kho bãi, cảng biển, cảng cạn, dịch vụ hậu cần sau cảng, logistics và các dịch vụ hàng không sau khi sân bay được xây dựng và đi vào hoạt động. Do đó, tỉnh đang kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong nước vào lĩnh vực BĐS logistics, công nghiệp, thương mại dịch vụ, khu dân cư.
Vùng kinh tế Đông Nam của tỉnh có 5 địa phương là TP.Long Khánh, H.Trảng Bom, H.Thống Nhất, H.Xuân Lộc, H.Cẩm Mỹ. Vùng này có không gian, diện tích đất rộng, thuận lợi cho phát triển công nghiệp, nông nghiệp, chế biến nông sản, thực phẩm và phát triển làng nghề.
Vùng kinh tế phía Bắc của tỉnh có 3 huyện là H.Vĩnh Cửu, H.Định Quán, H.Tân Phú tập trung phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, công nghiệp, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với chế biến sâu...
BĐS Đồng Nai ở các lĩnh vực trên đều hấp dẫn nhiều nhà đầu tư, song vấn đề các DN quan tâm, muốn biết để quyết định lộ trình đầu tư là tiến độ và kết nối hạ tầng giao thông của những tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, Dầu Giây - Liên Khương, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3 và vành đai 4, cầu Cát Lái...
Ông Lê Mạnh Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho hay: “Các dự án về hạ tầng giao thông cấp vùng, cấp quốc gia đang được ưu tiên nguồn vốn và nhân lực để triển khai. Khi hoàn thành sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho nhà đầu tư trên các lĩnh vực. Tỉnh đang yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ cảng Phước An và tìm giải pháp, nguồn vốn sớm khởi công xây dựng cầu Cát Lái”. Cũng theo ông Dũng, cầu Cát Lái cần vốn đầu tư hơn 200 triệu USD (chưa kể đường nối hai đầu cầu). Xây dựng được cầu Cát Lái sẽ nâng sức hút cho H.Nhơn Trạch.
Ông Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc Công ty TNHH Giao nhận vận tải hội nhập (TP.HCM) chia sẻ: “Tôi đang đầu tư nhà xưởng logistics ở Khu công nghiệp Amata Đồng Nai. Vừa qua, có nhiều DN nước ngoài nhờ tôi tìm nơi đầu tư tại các khu công nghiệp Đồng Nai với diện tích vài ha trở lên, nhưng do vướng dịch bệnh Covid-19 nên họ chưa thể qua Việt Nam xem xét và xin cấp chứng nhận đầu tư”. Ông Minh còn nhận định thêm, tới đây, khi đại dịch Covid-19 qua đi, BĐS công nghiệp, logistics, thương mại dịch vụ của Đồng Nai sẽ hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam, với hệ thống hạ tầng giao thông thuận tiện và được kết nối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh, thành khác, trong giai đoạn 5-10 năm tới, 5 lĩnh vực BĐS của Đồng Nai sẽ thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn của các thành viên trong CLB Bất động sản Việt Nam cũng như doanh nghiệp nước ngoài.
Hương Giang