Báo Đồng Nai điện tử
En

Sẵn sàng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

03:08, 29/08/2020

Năm học 2020-2021, cả nước triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu với lớp 1. Ngành GD-ĐT Đồng Nai đã và đang có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho cột mốc quan trọng này.

Năm học 2020-2021, cả nước triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, bắt đầu với lớp 1. Ngành GD-ĐT Đồng Nai đã và đang có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho cột mốc quan trọng này.

Đại diện Sở GD-ĐT trao các bộ sách mẫu cho các đơn vị trong tỉnh Cán bộ, đoàn viên thanh niên H.Nhơn Trạch tham quan, trao đổi kinh nghiệm trồng bưởi da xanh của anh Huỳnh Văn Lâm ở xã Phước An 10 Ảnh: Hải Yến
Đại diện Sở GD-ĐT trao các bộ sách mẫu cho các đơn vị trong tỉnh. Ảnh: Hải Yến

[links()]Năm học 2019-2020 được xác định là năm bản lề để triển khai chương trình GDPT mới. Do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm học này đã có nhiều xáo trộn. Công tác tập huấn cho đội ngũ giáo viên và các khâu chuẩn bị cho năm học 2020-2021 vì thế cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, có thể nói công tác chuẩn bị thực hiện giảng dạy chương trình GDPT mới cho lớp 1 trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng.

* Sẵn sàng “chạy” chương trình mới

Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 317 trường tiểu học và trường có dạy bậc tiểu học với hơn 292 ngàn học sinh. Trong đó, riêng học sinh lớp 1 là hơn 60 ngàn em. Đây là “lứa” học sinh đầu tiên được học theo chương trình GDPT mới.

Về đội ngũ giáo viên, 100% giáo viên dạy lớp 1 hoàn tất tập huấn module 1 của Bộ GD-ĐT và đã được kiểm tra đánh giá kết quả học tập trước ngày 30-7. Bước sang tháng 8, các trường vừa thực hiện công tác tuyển sinh đầu cấp, vừa tổ chức tập huấn sử dụng sách giáo khoa (SGK) cho toàn bộ giáo viên khối lớp 1.

Đảm bảo nội dung và thời lượng các môn học bắt buộc

Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, đối với các cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày (tối thiểu 32 tiết/tuần), trước tiên cần thực hiện dạy đúng, đủ nội dung và thời lượng các môn học bắt buộc. Trên cơ sở đó, các trường chủ động xác định nội dung, lựa chọn hình thức tổ chức, phân bổ thời lượng cho các môn học tự chọn, hoạt động củng cố, hoạt động giáo dục khác.

Về cơ sở vật chất, các phòng GD-ĐT đều đã tiến hành rà soát, sắp xếp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chương trình GDPT mới. Trên cơ sở thực tế, các đơn vị dành điều kiện tốt nhất cho khối lớp 1. Năm học 2020-2021, khối trường tiểu học được ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhiều hơn so với các khối học khác.

Bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Cấp tiểu học được đầu tư mạnh về cơ sở vật chất để giúp cho việc thực hiện chương trình GDPT mới vì đây là khóa đầu tiên tiếp cận SGK và chương trình GDPT mới. Đối với đề án trường học tiên tiến hiện đại, giai đoạn tới cũng có chủ trương sẽ đầu tư chủ yếu cho tiểu học. Trong đó, chúng tôi ưu tiên bổ sung trang thiết bị cho các trường ở giai đoạn 1 để các trường được trang bị đầy đủ hơn”.

Về việc sử dụng SGK, trong số 317 trường có dạy tiểu học thì 182 trường chọn bộ sách Cánh diều, 81 trường chọn bộ Chân trời sáng tạo, 28 trường chọn bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, 18 trường chọn bộ Cùng học để phát triển năng lực và 8 trường chọn bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Đối với bộ môn ngoại ngữ, có 142/317 trường chọn Tiếng Anh là môn tự chọn để giảng dạy cho học sinh lớp 1 (tỷ lệ 44,8%). Trong số 7 bộ sách tiếng Anh thì bộ sách tiếng Anh 1, I-Learn Smart Start do tác giả Nguyễn Thị Ngọc Quyên chủ biên được lựa chọn nhiều nhất với 101 trường chọn.

Đến thời điểm ngày 15-8, các trường học trên địa bàn tỉnh đều đã nhận đầy đủ SGK lớp 1 mới để cung cấp cho phụ huynh, học sinh. Hiện nay, công tác tuyển sinh năm học mới cũng đã hoàn thành, các trường đang tiến hành dọn dẹp vệ sinh trường lớp để chào đón học sinh bước vào năm học mới.

Các giáo viên dạy lớp 1 của Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đang thảo luận về sách giáo khoa lớp 1 (bộ sách Chân trời sáng tạo). Ảnh: Hải yến
Các giáo viên dạy lớp 1 của Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đang thảo luận về sách giáo khoa lớp 1 (bộ sách Chân trời sáng tạo). Ảnh: Hải yến

Ông Trần Ngọc Trác, chuyên viên Phòng GD-ĐT H.Xuân Lộc cho hay: “Công tác tuyển sinh của huyện đã đạt trên 98% số học sinh so với kế hoạch. Hiện nay, các trường đang triển khai rà soát thiết bị dạy học để phục vụ giảng dạy. Qua rà soát, các trường cho biết tình hình tạm ổn. SGK lớp 1 cũng đã được cung ứng đầy đủ. Trong tuần này, đội ngũ giáo viên của các trường tiểu học tiếp tục triển khai tập huấn, hướng dẫn đồng nghiệp về chương trình GDPT mới và lên kế hoạch dạy học phù hợp. H.Xuân Lộc ưu tiên sắp xếp cho 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày. Ngoài ra, chúng tôi có trên 50% đơn vị trường học tổ chức dạy tự chọn tiếng Anh cho học sinh lớp 1 với thời lượng 2 tiết/ tuần”.

* Tỷ lệ phòng học vẫn chưa đảm bảo

Mặc dù có nhiều nỗ lực, song do điều kiện khách quan là sĩ số học sinh tăng quá nhanh (chủ yếu là tăng cơ học do di dân) nên nhiều địa phương trong tỉnh không đáp ứng đủ số phòng học theo tiêu chuẩn. Theo thiết kế của chương trình GDPT mới, học sinh sẽ học 2 buổi/ngày (10 buổi/tuần). Tuy nhiên, có rất nhiều trường học trên địa bàn tỉnh không thể đáp ứng được tiêu chí này, trong đó chủ yếu là các trường trên địa bàn TP.Biên Hòa.

Theo số liệu tổng hợp của Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa, năm học 2020-2021, thành phố có 55 trường tiểu học công lập, trong đó có 481 lớp 1 với hơn 20 ngàn học sinh. Chỉ có 5/55 trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày dành cho 100% học sinh lớp 1. Ngoài ra, có 27 trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho một số lớp 1; những trường hợp còn lại đều tổ chức dạy học 1 buổi/ngày (bao gồm cả ngày thứ bảy). Tính chung trên địa bàn TP.Biên Hòa, có 302/481 lớp 1 phải học 1 buổi/ngày (chiếm tỷ lệ 62,8%). Riêng 12 trường ngoài công lập trên địa bàn TP.Biên Hòa đều đảm bảo dạy 2 buổi/ngày.

Ngoài việc không thể bố trí học 2 buổi/ngày theo quy định, các trường tiểu học ở TP.Biên Hòa đều trong tình trạng quá tải sĩ số học sinh. Theo thống kê, có đến 34 trường có sĩ số hơn 35 học sinh/lớp học, thậm chí có đến 5 trường có số học sinh lớp 1 từ 50-53 học sinh.

Tuy mới thành lập được 2 năm nhưng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (KP.2, P.Trảng Dài) đã luôn trong tình trạng quá tải. Năm nay, trường tuyển sinh mới 15 lớp 1. Để có đủ chỗ học cho học sinh, trường này phải đi mượn thêm 17 phòng học ở 2 nơi (Trường THCS Trảng Dài và Trường tiểu học Hà Huy Giáp). Học sinh khối 1 được sắp xếp học tại trường để thuận lợi cho công tác quản lý, triển khai hoạt động chuyên môn. Ngoài việc phải học 1 buổi/ngày, sĩ số học sinh/lớp của trường này cũng buộc phải tăng lên 42 em/lớp.

Cô Nguyễn Thị Dung, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học chia sẻ: “Nếu công tác giải phóng mặt bằng hoàn tất thì khu đất của trường có thể xây thêm 15 phòng học và hoàn thành khu hiệu bộ. Như vậy, trường có thể giải quyết được tình trạng phải đi mượn phòng học. Tuy nhiên, chúng tôi không biết đến khi nào thì mong muốn này mới thành sự thật”.

Không chỉ TP.Biên Hòa, một số địa phương khác trong tỉnh cũng gặp khó về tỷ lệ phòng học, sĩ số học sinh/lớp. TP.Long Khánh, H.Xuân Lộc, H.Định Quán là 3 đơn vị có đủ phòng học với tỷ lệ 1 phòng học/lớp học. Các địa phương còn lại đều chưa đạt được tỷ lệ này, trong đó TP.Biên Hòa chỉ đạt 0,69 phòng học/lớp. H.Trảng Bom, Vĩnh Cửu và Long Thành cũng xảy ra tình trạng phải đi mượn phòng học để giải quyết vấn đề ca ba.

Tùy theo điều kiện cơ sở vật chất, các trường học có thể tổ chức số buổi học trong một tuần của học sinh lớp 1 khác nhau. Tuy nhiên, phải đảm bảo tối thiểu 6 buổi/tuần.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, toàn tỉnh có 54 trường tổ chức học 6 buổi/tuần, 6 trường tổ chức học 7 buổi/tuần, 12 trường tổ chức học 8 buổi/tuần, 225 trường tổ chức học 9 buổi/tuần và 20 trường tổ chức học 10 buổi/tuần. Các địa phương: Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc là những đơn vị đã sắp xếp được cho toàn bộ học sinh lớp 1 học ít nhất 9 buổi/tuần.

* Tiếp tục tập huấn cho giáo viên

Theo lộ trình của Bộ GD-ĐT, giáo viên cần được tập huấn lần lượt 8 module. Vì vậy, trong thời gian tới, việc tập huấn giáo viên sẽ được tiếp tục tiến hành. Trong sinh hoạt chuyên môn, nội dung và hình thức sinh hoạt cũng được đổi mới, thông qua hoạt động dự giờ, nghiên cứu bài học. Các bài giảng trong SGK sẽ được đưa ra để bàn luận, góp ý kiến cho giáo viên trong quá trình soạn bài. Các trường học phải xem đây là một nội dung sinh hoạt chuyên môn bắt buộc.

Bộ sách Cánh diều được nhiều trường tiểu học lựa chọn nhất để giảng dạy trong năm học này
Bộ sách Cánh diều được nhiều trường tiểu học lựa chọn nhất để giảng dạy trong năm học này

“Ngoài soạn giảng theo bộ SGK đã được trường lựa chọn, giáo viên sẽ tham khảo thêm các bộ sách khác để soạn giảng. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên có thể đặt câu hỏi để trao đổi với cán bộ tập huấn của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT để làm rõ những thắc mắc nhằm soạn giảng tốt hơn” - bà Huỳnh Lệ Giang chia sẻ.

Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các phòng GD-ĐT giao quyền chủ động cho các trường tiểu học trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Hiện, Sở GD-ĐT đang tiến hành biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương cấp tiểu học. Tài liệu này sẽ được giáo viên sử dụng trong tổ chức hoạt động trải nghiệm và tích hợp vào dạy các môn học khác theo quy định của chương trình.

Một trong những nhiệm vụ mà bậc tiểu học tiếp tục thực hiện trong năm học này là đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh. Được biết, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học vào đầu năm học theo hướng đánh giá, khen thưởng thực chất. Qua đó, việc đánh giá, khen thưởng sẽ giúp phát huy nhiều nhất năng lực, phẩm chất học sinh và không gây áp lực cho giáo viên, phụ huynh, học sinh. Về hình thức khen sẽ có cả thư khen và giấy khen. Trong đó, thư khen nhằm khích lệ học sinh; giấy khen phải đảm bảo đúng, trúng, thiết thực, tránh tình trạng khen tràn lan, khen chưa thực chất dẫn đến hiệu ứng ngược.

Cần tháo gỡ điều kiện trường, lớp

Ngày 25-8, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với giáo dục tiểu học. Hội nghị đã dành nhiều thời gian để đánh giá về công tác chuẩn bị cho giảng dạy chương trình lớp 1 mới trên toàn quốc. Qua đó, một số khó khăn chung đã được nêu rõ như: ở các đô thị lớn và khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều trường có sĩ số học sinh/lớp học lên đến 50 em (trong khi chuẩn là 35 học sinh/lớp học); chương trình được thiết kế để dạy học 2 buổi/ngày nhưng nhiều nơi chỉ có thể dạy học 1 buổi/ngày; tỷ lệ giáo viên/lớp học vẫn chưa đạt theo quy định…

Những khó khăn trên cũng chính là những vướng mắc mà nhiều trường học ở Đồng Nai đang gặp phải, nhất là ở TP.Biên Hòa và các trường học gần các khu công nghiệp. Do vậy, khó khăn về trường lớp, đội ngũ giáo viên cần phải được sớm khắc phục để có thể triển khai hiệu quả chương trình GDPT mới trong những năm tiếp theo.

Hải Yến


Bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT:

Mong phụ huynh đồng hành cùng ngành Giáo dục

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thực hiện chương trình GDPT mới. Chúng tôi cho rằng khi bước vào chương trình GDPT mới, nhất là với học sinh lớp 1 thì việc bỡ ngỡ là đương nhiên. Nhưng chúng tôi tin rằng các em sẽ vui vẻ để tiếp cận với chương trình mới và hy vọng với những bộ SGK mới lần này sẽ mang đến sự đổi mới đối với ngành Giáo dục.

Đối với phụ huynh, sắp tới đây, có thể có những phụ huynh phản ứng khi thấy con mình học lớp 1 không giống như những khóa trước. Đội ngũ giáo viên của chúng tôi sẽ giải thích để phụ huynh hiểu rõ về nội dung, hình thức đổi mới của chương trình. Bên cạnh đó, tôi cũng hy vọng là phụ huynh sẽ tham khảo thông tin trên báo chí để hiểu hơn về việc đổi mới giáo dục. Chúng tôi hy vọng rằng phụ huynh sẽ đồng hành với ngành Giáo dục để giúp cho việc học tập của con em mình đạt kết quả tốt nhất.

Ông Nguyễn Minh Kiếm, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ 1 (Sở GD-ĐT), phụ trách bậc tiểu học:

Chuẩn bị cho triển khai chương trình lớp 2

Song song với việc thực hiện chương trình lớp 1, trong năm học này, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục tổ chức lựa chọn SGK lớp 2 theo quy định, thực hiện kế hoạch bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để triển khai chương trình GDPT mới đối với lớp 2 vào năm học 2021-2022.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã có chỉ đạo về việc chọn SGK. Theo đó, việc chọn sách sẽ thực hiện theo Luật Giáo dục năm 2019, trên cơ sở tôn trọng ý kiến của địa phương. Theo đó, các trường học sẽ thảo luận, phân tích ưu, nhược điểm của các bộ sách sau đó đề xuất lên phòng GD-ĐT. Các phòng GD-ĐT tổng hợp ý kiến của các trường rồi gửi lên Sở GD-ĐT. Trên cơ sở này, Sở GD-ĐT sẽ phân tích và lựa chọn ra bộ SGK phù hợp.

Hiện nay, chúng tôi đang ráo riết yêu cầu các trường lập danh sách giáo viên dạy lớp 2 để chuẩn bị triển khai tập huấn, bồi dưỡng, đảm bảo 100% giáo viên được bồi dưỡng về chương trình GDPT mới và hướng dẫn sử dụng SGK lớp 2 trước khi năm học 2021-2022 bắt đầu.

Trong ngày 3-9, chúng tôi sẽ tổ chức tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2020-2021 theo hình thức trực tuyến. Tất cả hiệu trưởng của các trường tiểu học trong tỉnh sẽ tham dự hội nghị này. Chúng tôi cũng đã “đặt hàng” mỗi đơn vị huyện, thành phố một nội dung tham luận để các đơn vị trình bày rõ hơn về kinh nghiệm thực hiện, qua đó có thể giúp nhau thấy rõ khó khăn và các biện pháp khắc phục nhằm triển khai tốt chương trình GDPT mới trong thời gian tới.

Ông Võ Văn Minh, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa:

Tập trung giải quyết vấn đề trường, lớp

Về triển khai chương trình GDPT mới, TP.Biên Hòa có thể yên tâm về đội ngũ giáo viên. Khó khăn chủ yếu và lớn nhất của TP.Biên Hòa trong triển khai chương trình GDPT mới là chưa đáp ứng được về trường lớp, cơ sở vật chất. Biên Hòa có rất ít trường đáp ứng được tiêu chuẩn dạy học 2 buổi/ngày. Tất nhiên, việc dạy học 1 buổi/ngày vẫn được Bộ GD-ĐT chấp nhận, trên tinh thần các trường phải dạy đúng, dạy đủ chương trình bắt buộc. 

Về phương án giải quyết khó khăn, TP.Biên Hòa đã tiến hành rà soát toàn bộ các trường học trên địa bàn. Phòng GD-ĐT cũng đã đề xuất chủ trương UBND TP.Biên Hòa cho xây dựng thêm phòng học trên diện tích đất hiện hữu của các trường. Đối với những trường gặp khó khăn về quỹ đất sẽ làm theo phương án kiên cố hóa trường lớp, xây thêm tầng lầu để sử dụng cho hội trường, các phòng chức năng; khu phòng học ở phía dưới. Chúng tôi đã tham mưu UBND TP.Biên Hòa về lộ trình xây dựng phòng học trên địa bàn TP.Biên Hòa đến năm 2025. Dự kiến sẽ có 34 trường xây thêm phòng học trong giai đoạn này.

Tường Vi (ghi)


 

 

Tin xem nhiều