Thời gian qua, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó có tập trung xử lý vi phạm chuyên đề nồng độ cồn, ma túy.
Ông Não Thiên Anh Minh, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh |
Thời gian qua, lực lượng chức năng trong toàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT); trong đó, tập trung xử lý vi phạm chuyên đề nồng độ cồn, ma túy. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, ông Não Thiên Anh Minh, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh cho biết:
[links()]- Năm 2020 là năm đầu tiên cả nước thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Vì vậy, Chính phủ chỉ đạo triển khai Năm ATGT 2020 với chủ đề Đã uống rượu, bia không lái xe với mục tiêu giảm từ 5-10% số vụ, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) so với năm 2019.
* Năm ATGT 2020 với chủ đề Đã uống rượu bia thì không lái xe, vậy đến nay công tác này được triển khai thực hiện ra sao, thưa ông?
- Tại Đồng Nai, ngay từ đầu năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các thành viên Ban ATGT tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả kế hoạch Năm ATGT 2020 với chủ đề Đã uống rượu, bia không lái xe. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT, xây dựng văn hóa giao thông an toàn; vận động cán bộ, công chức, viên chức nêu gương, toàn dân thực hiện Đã uống rượu, bia không lái xe; huy động lực lượng, với nòng cốt là cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông, ra quân kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về ATGT, trong đó tập trung xử lý nghiêm vi phạm quy định nồng độ cồn, ma túy, tốc độ…
* Thưa ông, từ đầu năm 2020 đến nay, Công an tỉnh đã mở các đợt cao điểm về xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy đối với các lái xe. Hiệu quả của công tác này như thế nào?
- Ngày 30-12-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ với nhiều điểm mới, có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Trong đó, đáng lưu ý là quy định tăng mạnh chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn. Trước hết phải thấy rằng, việc thông qua nghị định này thể hiện quyết tâm của Chính phủ về việc nghiêm cấm khi đã sử dụng rượu, bia và chất kích thích khác thì bất kể nồng độ cồn bao nhiêu cũng không được lái xe.
Theo số liệu từ Công an tỉnh, từ đầu năm 2020 đến nay, các lực lượng chức năng trong toàn tỉnh đã đồng loạt ra quân xử lý mạnh tay đối với những vi phạm về nồng độ cồn. Kết quả, đã phát hiện và xử lý gần 3 ngàn trường hợp vi phạm (tăng 600 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019) gồm 105 xe ô tô và hơn 2,6 ngàn xe mô tô. Qua đó, TNGT liên quan đến hành vi này đã giảm đáng kể.
Để người dân tuân thủ quy định đã uống rượu, bia thì không lái xe, công tác tuyên truyền được chú trọng ra sao, thưa ông?
- Để ngăn chặn, phòng ngừa từ xa hành vi lái xe sau khi sử dụng chất kích thích Ban ATGT tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã tập trung tuyên truyền bám sát chủ đề Đã uống rượu, bia không lái xe bằng nhiều hình thức phù hợp theo từng đối tượng. Tập trung tuyên truyền các nội dung về lỗi vi phạm thường gặp khi tham gia giao thông; nguyên nhân các vụ tai nạn; tác hại của rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; các kỹ năng tham gia giao thông an toàn..., đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết. Các lực lượng chức năng đã thực hiện tuyên truyền trực tiếp thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; thành lập các tổ công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy và các chất kích thích khác đối với người điều khiển phương tiện.
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe trên quốc lộ 51, đoạn thuộc TP.Biên Hòa |
Hơn ai hết, mọi tầng lớp nhân dân hãy cùng nhau chia sẻ và thực hiện nghiêm thông điệp Đã uống rượu, bia không lái xe; đồng thời tham gia tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT và tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng về văn hóa giao thông an toàn và văn minh.
* Thưa ông, công tác thực hiện đảm bảo ATGT thời gian tới sẽ được thực hiện như thế nào?
- Nhằm tiếp tục kiềm chế và kéo giảm TNGT đạt từ 5-10% theo mục tiêu đề ra, thời gian tới, Ban ATGT tỉnh tập trung đề ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo ATGT cho người dân. Trong đó, tiếp tục phát huy những mô hình, cách làm hay trong công tác tuyên truyền. Đặc biệt là tuyên truyền về Nghị định số 100 của Chính phủ; thực hiện nghiêm túc phương châm “Đã uống rượu bia, không lái xe”.
Bên cạnh đó, các lực lượng công an, thanh tra giao thông cần tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, tuần lưu khép kín địa bàn, tập trung các khu vực trọng điểm, các tuyến đường thường xảy ra tai nạn; tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm các lỗi vi phạm là nguyên nhân chính gây tai nạn trên các tuyến quốc lộ, các trường hợp chở quá tải, quá số người quy định, chạy quá tốc độ, không tuân thủ nguyên tắc ATGT; kịp thời xử lý các bất cập về hạ tầng giao thông, cũng như xử lý dứt điểm các ”điểm đen”, các đoạn đường thường xảy ra hoặc có nguy cơ TNGT; siết chặt quản lý kinh doanh vận tải, chất lượng kiểm định phương tiện, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe.
* Xin cảm ơn ông!
Võ Nguyên (thực hiện)