Việc lái xe sử dụng chất kích thích (ma túy, rượu, bia) khi tham gia giao thông rất nguy hiểm. Nhất là trong trường hợp sử dụng ma túy đá hoặc lạm dụng rượu, bia khiến người điều khiển phương tiện không đủ tỉnh táo, không làm chủ được tay lái khi lưu thông trên đường dẫn đến nguy cơ gây tai nạn giao thông rất cao.
Việc lái xe sử dụng chất kích thích (ma túy, rượu, bia) khi tham gia giao thông rất nguy hiểm. Nhất là trong trường hợp sử dụng ma túy đá hoặc lạm dụng rượu, bia khiến người điều khiển phương tiện không đủ tỉnh táo, không làm chủ được tay lái khi lưu thông trên đường dẫn đến nguy cơ gây tai nạn giao thông rất cao. Trên thực tế đã có nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cả nước do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm về nồng độ cồn và ma túy.
Trong thời gian qua, việc phòng ngừa, ngăn chặn lái xe sử dụng ma túy, rượu, bia đã được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương, trong đó có tỉnh Đồng Nai, đặc biệt quan tâm. Hàng loạt các giải pháp nhằm ngăn chặn lái xe sử dụng chất kích thích khi lưu thông trên đường đã được thực hiện.
Tuy nhiên, trên thực tế, các vi phạm do người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng chất ma túy, rượu, bia vẫn còn xảy ra; những vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ việc người điều khiển phương tiện sử dụng ma túy, rượu, bia vẫn tiếp diễn... Qua đó cho thấy, công tác phòng ngừa, ngăn chặn lái xe sử dụng các chất kích thích vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định cần được quan tâm tháo gỡ như: doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm, chú trọng đến vấn đề kiểm tra sức khỏe định kỳ cho các lái xe; quy trình kiểm tra, xử lý lái xe khi trong cơ thể có chất ma túy mất khá nhiều thời gian...
Ngoài ra, một trong những điều đáng lo lắng hiện nay là số người sử dụng ma túy tổng hợp (ma túy đá, thuốc lắc...) ngày càng gia tăng. Loại ma túy này ngoài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần của người nghiện còn gây ảo giác, rối loạn tâm thần, gây nên những hành vi vô cùng nguy hiểm cho cộng đồng, xã hội, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Do đó, bên cạnh việc xử phạt, tuyên truyền sâu rộng về tác hại của hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma túy đối với người điều khiển phương tiện giao thông thì ngành chức năng cũng cần tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các hành vi mua bán, sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy. Theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác đấu tranh, phòng chống ma túy chưa tương xứng với tình hình, diễn biến thực tế xã hội, chưa phát hiện và đánh trúng, ngăn chặn được những đường dây, tổ chức, ổ nhóm lớn cung cấp ma túy vào địa bàn.
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020 đã tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy. Từ khi nghị định này có hiệu lực đã tác động rất tích cực đến ý thức chấp hành quy định cấm sử dụng ma túy, rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông.
Có thể nói rằng, chế tài xử phạt trong Nghị định 100 tăng cao đã đủ sức răn đe, vấn đề hiện nay là các ngành chức năng triển khai thực hiện xử lý vi phạm làm sao cho hiệu quả, tạo được chuyển biến rõ nét công tác phòng ngừa ngăn chặn lái xe sử dụng ma túy, rượu, bia; góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông trên các tuyến đường.
Đặng Ngọc