Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) vừa yêu cầu lực lượng cảnh sát giao thông, công an các đơn vị, địa phương mở cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội ...
Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) vừa yêu cầu lực lượng cảnh sát giao thông, công an các đơn vị, địa phương mở cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội nhằm bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các hoạt động kỷ niệm của Nhà nước và đi lại an toàn của nhân dân trong dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2-9) trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Trong đó có tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lái xe sử dụng chất kích thích (ma túy, rượu, bia).
Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm sẽ góp phần phát hiện, xử lý kịp thời các lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma túy. Trong ảnh: Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên quốc lộ 1, đoạn qua TP.Long Khánh |
[links()]Trong thời gian qua, tình trạng lái xe sử dụng chất kích thích luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Do đó, mục tiêu của việc kiểm tra lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy là không để những lái xe không đảm bảo yêu cầu sức khỏe theo quy định hành nghề; góp phần hạn chế, ngăn ngừa các vụ TNGT xảy ra mà nguyên nhân chính là do lái xe sử dụng các chất kích thích.
* Nhiều vi phạm bị xử lý
Thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy, trong 6 tháng của năm 2020, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã lập biên bản xử lý gần 2 triệu trường hợp vi phạm trật tự ATGT. Trong đó, có hơn 86 ngàn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 653 trường hợp lái xe dương tính với ma túy. Qua phân tích của các ngành chức năng, người điều khiển ô tô vi phạm chiếm 18,4%, người điều khiển mô tô vi phạm chiếm 81,6%.
Tại Đồng Nai, theo Công an tỉnh, từ đầu năm 2020 đến nay, các lực lượng công an trong toàn tỉnh đồng loạt ra quân xử lý mạnh tay đối với những vi phạm về sử dụng ma túy, nồng độ cồn. Theo đó, đã kiểm tra nhanh ma túy đối với gần 6,5 ngàn lái xe (bao gồm: 971 lượt xe khách, hơn 2,2 ngàn lượt xe tải, 953 lượt xe container và hơn 2,3 ngàn lượt xe ô tô, xe mô tô). Kết quả, đã phát hiện 29 trường hợp dương tính với chất ma túy.
Đối với vi phạm nồng độ cồn, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 3 ngàn trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt gần 2,4 ngàn trường hợp, phạt tiền trên 11 tỷ đồng và tước giấy phép lái xe với hơn 1,5 ngàn trường hợp. Các đơn vị công an xử lý tốt vi phạm nồng độ cồn như: Trảng Bom, Nhơn Trạch, Tân Phú, Long Thành, Long Khánh và Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh.
Đồ họa thể hiện thông tin kết quả kiểm tra, xử lý lái xe sử dụng ma túy, rượu, bia trong 6 tháng đầu năm 2020. (Thông tin: THANH HẢI - Đồ họa: DƯƠNG NGỌC) |
Theo Sở Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng số bệnh nhân đến cấp cứu do TNGT tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh là hơn 14 ngàn trường hợp. Tất cả các trường hợp này đều được kiểm tra, xét nghiệm về nồng độ cồn ngay khi nhập viện. Kết quả có khoảng 7,6 ngàn trường hợp bệnh nhân nhập viện mà trong máu có nồng độ cồn. Đáng chú ý, thông qua việc kiểm tra, xét nghiệm về ma túy đối với các trường hợp bệnh nhân khi nhập viện do tai nạn đã có 68 trường hợp dương tính, tăng rất cao so với kết quả 3 mẫu được phát hiện trong năm 2019.
Phó giám đốc Sở Y tế, BS Lê Quang Trung cho rằng, thời gian qua, ngành Y tế đã đẩy mạnh công tác cấp cứu cũng như kiểm tra, xét nghiệm nồng độ cồn, ma túy đối với các trường hợp nhập viện do TNGT. Công tác này không những tạo thuận lợi trong việc điều trị mà còn là cơ sở để phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền rộng rãi đến người dân về tác hại của việc sử dụng rượu, bia, ma túy khi tham gia giao thông.
* Cần sự đồng bộ, quyết liệt
Theo đánh giá của Ủy ban ATGT quốc gia, trước tình trạng lái xe sử dụng chất kích thích có chiều hướng ngày càng tăng, lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý lái xe sử dụng ma túy, rượu, bia, góp phần hạn chế các vụ tai nạn xảy ra. Trong 6 tháng đầu năm 2020, dù TNGT giảm sâu nhưng tai nạn liên quan xe tải nặng, xe container, xe khách do nguyên nhân uống rượu, bia gây ra tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra gây thiệt hại lớn về người và tài sản khiến dư luận xã hội bức xúc.
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, quá trình triển khai thực hiện kiểm tra vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, điển hình là khi phát hiện lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, rất nhiều tài xế tìm mọi cách để trốn tránh, tỏ thái độ thiếu hợp tác như không cho lấy nước tiểu để xét nghiệm.
Thực tế hiện nay cho thấy, vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm, chú trọng đến vấn đề kiểm tra sức khỏe định kỳ cho các lái xe. Trong khi nhiều lái xe phải chịu áp lực rất lớn về mức doanh thu và thời gian do các doanh nghiệp đưa ra. Do đó, lực lượng cảnh sát giao thông cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không nể nang, bỏ qua hành vi sai phạm. Các cơ quan chức năng cũng cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, có cơ chế sử dụng dữ liệu dùng chung trong giám sát người vi phạm.
Một cán bộ cảnh sát giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh) cho hay, theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (Nghị định 100) ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, các mức phạt đối với lái xe vi phạm tăng rất cao. Cụ thể, với lái xe sử dụng chất ma túy sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức cao nhất là 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng. Chính mức xử phạt cao như vậy nên nhiều trường hợp vi phạm đã tìm mọi cách trốn tránh, chống đối.
Một khó khăn nữa đó là quy trình kiểm tra, xử lý lái xe trong cơ thể có chất ma túy mất khá nhiều thời gian. Trong khi đó, để đảm bảo tính chính xác, sau khi kiểm tra nhanh phát hiện lái xe dương tính với ma túy, lực lượng chức năng phải đưa lái xe đến bệnh viện, trung tâm y tế xét nghiệm để đảm bảo căn cứ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Để ngăn chặn tình trạng lái xe vi phạm sử dụng rượu, bia, ma túy khi tham gia giao thông, ngoài việc ra quân xử lý quyết liệt của lực lượng chức năng rất cần có sự phối hợp đồng bộ từ 3 phía: cơ quan quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp và lái xe.
Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam Trần Quang Bình cho hay, nhiều chủ doanh nghiệp vận tải vì lợi nhuận mà bao che, vẫn thuê tài xế có sử dụng ma túy. Hiện nay, pháp luật chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý tài xế, chủ doanh nghiệp khi xảy ra vi phạm hoặc gây TNGT. Bộ GT-VT đang hoàn thiện cơ sở dữ liệu về lái xe để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp có căn cứ kiểm tra đối với lịch sử hành nghề của từng tài xế.
Theo đó, các thông tin về doanh nghiệp, HTX vận tải, lái xe trước khi xuất bến sẽ được ghi nhận ngay từ giai đoạn đầu. Các cơ quan quản lý sẽ dễ dàng nắm bắt và quản lý, từ chối tiếp nhận với những trường hợp tài xế sử dụng ma túy, rượu, bia khi tham gia giao thông, góp phần hạn chế các trường hợp vi phạm.
Tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng nhấn mạnh, để tránh những tai nạn giao thông nghiêm trọng có thể xảy ra, cơ quan chức năng, trực tiếp là Bộ GT-VT, Bộ Công an cần phải tăng cường công tác kiểm soát người điều khiển phương tiện giao thông nói chung và nhóm lái xe container nói riêng. Đặc biệt là kiểm soát tình trạng sử dụng rượu, bia, ma túy cần được thực hiện xuyên suốt và có trọng tâm. Đồng thời, phải quản lý từ gốc các vấn đề về đào tạo lái xe, cấp giấy phép lái xe cũng như giám sát chặt chẽ về khâu sức khỏe, thời gian điều khiển phương tiện kéo dài đối với mỗi tài xế. |
Thanh Hải