Gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai đang tập trung phát triển công nghiệp trong nông nghiệp. Trong đó, đặc biệt ưu tiên phát triển ngành chế biến nông sản, thực phẩm...
Gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai đang tập trung cho nhiệm vụ phát triển công nghiệp trong nông nghiệp. Trong đó, tỉnh đặc biệt ưu tiên phát triển ngành chế biến nông sản, thực phẩm để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, phát triển nông nghiệp bền vững.
Chế biến hạt sen tại Cơ sở Trường Phát, H.Nhơn Trạch. Ảnh: B.Nguyên |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh, ngoài chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào ngành chế biến, Đồng Nai đã chọn Cụm công nghiệp Phú Túc (H.Định Quán) và Cụm công nghiệp Long Giao (H.Cẩm Mỹ) thực hiện thí điểm mời gọi nhà đầu tư xây dựng cụm công nghiệp điểm trong lĩnh vực chế biến nông sản. Các cụm công nghiệp đã và đang được đầu tư tại các địa phương cũng phải ưu tiên dành quỹ đất cho ngành chế biến nông sản.
* Cơ hội phát triển
Ngoài thế mạnh về sản phẩm chăn nuôi và cây công nghiệp, Đồng Nai không thiếu những vùng nguyên liệu trái cây có quy mô lớn để phát triển ngành chế biến. Tuy nhiên, trong thực tế, trái cây tươi của tỉnh chủ yếu vẫn bán tươi nên chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn được mùa mất giá, giá trị gia tăng chưa cao, đặc biệt là giai đoạn hiện nay khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi cho rằng, thời gian qua, ngành nông nghiệp giữ được mức độ tăng trưởng tốt nhưng thiếu sự bền vững do ngành chế biến nông sản phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng của tỉnh. “Trong đầu tư cho ngành chế biến, tỉnh nên quan tâm ưu tiên cho ngành chế biến thịt và trái cây là hai thế mạnh của Đồng Nai. Trong đó, nên chọn các trung tâm vùng nguyên liệu như các huyện: Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất, TP.Long Khánh... để xây dựng các cụm công nghiệp chế biến trái cây, rau củ, qua đó hình thành được các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ” - ông Gọi nói.
Theo nhiều doanh nghiệp, hiện có những thuận lợi khi đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản vì Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm và có nhiều chính sách ưu đãi cho lĩnh vực này. Doanh nghiệp đến các tỉnh đầu tư đều được chính quyền các địa phương tạo mọi điều kiện để phát triển. Gần đây, nhiều hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước được ký kết mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cũng như khuyến khích đầu tư chế biến nông sản.
GS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, nông sản Việt Nam chủ yếu vẫn xuất theo dạng nguyên liệu thô, không có thương hiệu với giá rẻ, giá trị thấp. Cần đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chế biến sâu để tăng giá trị. Tiềm năng xuất khẩu nông sản chế biến còn rất lớn vì ở nhiều nước hàng rào kỹ thuật cho nông sản chế biến dễ hơn xuất tươi.
* Hình thành những cụm công nghiệp chuyên về chế biến
Cũng theo GS-TS Nguyễn Hồng Sơn, trong việc tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành chế biến nông sản cần lưu ý là làm sao để các nhà máy hoạt động hiệu quả trong bối cảnh nền sản xuất nhỏ, phân tán. Theo đó, các nhà máy chế biến phải ở ngay tại vùng nguyên liệu để tiết kiệm chi phí.
Ông Hoàng Việt Hùng, Giám đốc HTX Chế biến xoài xuất khẩu La Ngà (H.Định Quán) chia sẻ, ngành chế biến nông sản còn manh mún, nhỏ lẻ và phân tán khắp nơi vì chưa có khu, cụm công nghiệp tập trung nên nhiều cơ sở còn gây ô nhiễm môi trường. Việc các địa phương hình thành được những cụm công nghiệp chuyên cho chế biến là rất cần thiết. “Trong đó, doanh nghiệp chúng tôi mong các chính sách ưu đãi đầu tư về vốn, cơ sở hạ tầng… sớm đi vào thực tế để khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư vào ngành này” - ông Hùng nói.
Cùng quan điểm, Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trí Phương cho biết, qua làm việc với các huyện, TP.Long Khánh và TP.Biên Hòa, nhiều cơ sở chế biến nông sản tại các địa phương đều mong muốn có những khu chuyên cho ngành sơ chế, chế biến trái cây, nông sản. “Quan điểm của Sở là ở các vùng nguyên liệu nông sản lớn cần có cụm công nghiệp chuyên sâu về chế biến. Hoặc các địa phương cần làm việc lại với các chủ đầu tư cụm công nghiệp trên địa bàn để ưu tiên một phần quỹ đất cho các doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm kết nối với các vùng nguyên liệu” - ông Phương cho hay.
2 huyện được chọn đầu tư các cụm công nghiệp chế biến hiện đang tích cực triển khai để các cụm công nghiệp sớm đi vào hoạt động. Phó chủ tịch UBND H.Định Quán Trần Nam Biên cho biết, Cụm công nghiệp Phú Túc được quy hoạch với diện tích hơn 48ha. Cụm công nghiệp Phú Túc đã cơ bản hoàn thành đầu tư các đường giao thông kết nối cũng như hệ thống điện phục vụ sản xuất.
Dự kiến trong năm nay, dự án Đường nối cụm công nghiệp với 3 huyện có vùng nguyên liệu nông sản lớn gồm: Định Quán, Thống Nhất, Xuân Lộc sẽ được đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển nguyên liệu về nơi chế biến. Dự kiến, cụm công nghiệp này sẽ dành 60% quỹ đất công nghiệp để ưu tiên bố trí ngành nghề liên quan đến chế biến nông sản, thực phẩm; 40% diện tích còn lại sẽ bố trí cho việc xây dựng kho bãi, kho đông lạnh dùng để chứa và bảo quản nguyên liệu trước và sau khi chế biến, cũng như bố trí một số ngành công nghiệp có lợi thế ở địa phương...
Lê Quyên