Báo Đồng Nai điện tử
Thứ 4, 22/01/2025, 03:54 En

Phát triển hệ thống công viên cho đô thị Biên Hòa

03:06, 16/06/2020

Trước thực trạng manh mún, nhỏ lẻ của hệ thống công viên hiện có, Đồng Nai đang có kế hoạch xây dựng các công viên hiện đại cho đô thị Biên Hòa.

 

Trước thực trạng manh mún, nhỏ lẻ của hệ thống công viên hiện có, Đồng Nai đang có kế hoạch xây dựng các công viên hiện đại cho đô thị Biên Hòa.

Việc xây dựng tuyến công viên dọc hai bờ sông Đồng Nai sẽ giúp bảo vệ môi trường và tạo không gian cảnh quan đô thị Biên Hòa. Ảnh: P.Tùng
Việc xây dựng tuyến công viên dọc hai bờ sông Đồng Nai sẽ giúp bảo vệ môi trường và tạo không gian cảnh quan đô thị Biên Hòa. Ảnh: P.Tùng

[links()] * Quy hoạch hàng ngàn ha đất làm công viên

Một trong những định hướng phát triển được Đồng Nai đặt ra đối với đô thị Biên Hòa là trở thành một thành phố có môi trường sống tốt với các giá trị lợi thế đặc trưng về văn hóa, lịch sử và cảnh quan, môi trường sông nước Đồng Nai.

Để đạt được mục tiêu này, Đồng Nai xác định việc phát triển hệ thống công viên cây xanh là yếu tố chính trong việc thực hiện mục tiêu sinh thái của đô thị Biên Hòa.

Theo Ban Quản lý dự án TP.Biên Hòa, hiện nay một trong những dự án xây dựng công viên đang được triển khai trên địa bàn thành phố là dự án Đầu tư xây dựng công viên B5, P.Tân Tiến. Hiện nay, hồ sơ dự án đã được phê duyệt. Dự án Xây dựng công viên B5 được UBND TP.Biên Hòa phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 4-2019 (đến tháng 7-2019 thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư) với diện tích hơn 3ha. Tổng vốn đầu tư theo dự kiến gần 40 tỷ đồng. Công viên B5 sẽ được xây dựng với các hạng mục gồm: quảng trường - sân khấu, khu thể dục thể thao công cộng, khu vui chơi thiếu nhi, khu bãi xe, khu công viên cây xanh, vườn dạo, khu phục vụ…

Theo UBND TP.Biên Hòa, trong quy hoạch chung điều chỉnh của TP.Biên Hòa giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt năm 2014, có hàng ngàn ha đất được quy hoạch để phát triển hệ thống công viên trên địa bàn thành phố. Trong đó, TP.Biên Hòa sẽ tập trung xây dựng để hình thành hệ thống các công viên chuyên đề kết nối với các hành lang xanh dọc theo sông suối và không gian xanh nông nghiệp ngoài đô thị.

Trong quy hoạch phát triển hệ thống công viên, công viên văn hóa - sinh thái cù lao Hiệp Hòa (P.Hiệp Hòa) là một trong những công viên được định hình để tạo nên “lá phổi xanh” cho đô thị Biên Hòa. Công viên văn hóa - sinh thái cù lao Hiệp Hòa được quy hoạch rộng hơn 130ha với các điểm không gian xanh bao quanh các công trình kiến trúc bản địa, di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, các công trình văn hóa xây mới cấp vùng và đô thị… Kết hợp với đó là các dãy cây xanh sinh thái ven sông Đồng Nai, sông Cái, hệ thống kênh rạch… Về chức năng, đây là công viên kết hợp hệ thống cây xanh tạo ra cảnh quan đô thị và phục vụ giới thiệu về lịch sử hình thành vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật tại khu trung tâm văn hóa.

Công viên Nguyễn Văn Trị (TP.Biên Hòa). Ảnh: HUY ANH
Công viên Nguyễn Văn Trị (TP.Biên Hòa). Ảnh: HUY ANH

Ông Lê Mạnh Dũng, Phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng cho hay, cù lao Hiệp Hòa ngoài quy hoạch là một đô thị mới xanh - sạch - đẹp và trở thành đô thị du lịch nghỉ dưỡng còn đóng vai trò là "lá phổi xanh" cho TP.Biên Hòa nên phải đảm bảo được diện tích đất dành cho công viên cây xanh.

Cùng với quy hoạch công viên ở cù lao Hiệp Hòa, để tận dụng lợi thế của sông Đồng Nai, trên địa bàn TP.Biên Hòa được quy hoạch tuyến công viên dọc con sông này và nhánh sông Cái cũng như hệ thống kênh rạch.

Một công viên tầm cỡ khác được quy hoạch xây dựng trong thời gian tới là công viên Xóm Mai - Trảng Dài với diện tích hơn 200 ha. Đây là công viên được quy hoạch để phục vụ cho khu đô thị trung tâm mở rộng phía Đông của TP.Biên Hòa.

Trong quy hoạch mở rộng đô thị Biên Hòa về phía Nam, một số công viên quy mô lớn cũng được quy hoạch xây dựng ở khu vực này như: các tuyến công viên sinh thái phía Nam Biên Hòa với quy mô từ
400-450ha trên nền đất thấp trũng thuộc khu đô thị phía Tây quốc lộ 51, tuyến công viên đô thị khoảng 150-160ha trên địa bàn P.Tam Phước và các công viên rừng trồng ở P.Long Bình, P.Phước Tân có diện tích khoảng 450-500ha.

* Ưu tiên tuyến công viên dọc sông Đồng Nai

Do cần nguồn lực lớn nên việc đầu tư xây dựng các công viên luôn cần có sự phân chia giai đoạn để thực hiện. Đối với đô thị Biên Hòa, việc xây dựng, phát triển các tuyến công viên dọc sông Đồng Nai sẽ được ưu tiên thực hiện sớm.

Trong định hướng phát triển không gian đô thị Biên Hòa, ngoài quy hoạch xây dựng các công viên hiện đại, các mảng xanh, không gian mở tại các khu du lịch, trung tâm thể dục thể thao cũng được ưu tiên phát triển cụ thể như các mảng xanh, không gian mở trong khu thể dục thể thao quy mô khoảng 130ha tại P.Phước Tân, khu vực sân bay Biên Hòa, Tổng kho Long Bình, sân Golf Long Thành, Khu du lịch Bửu Long, Khu du lịch Sơn Tiên, các mảng xanh mặt nước phục hồi, cải tạo từ các hồ khai thác đá.

Theo quy hoạch, khu vực dọc hai bờ sông Đồng Nai sẽ được xây dựng hệ thống công viên kết hợp các công trình công cộng, đường giao thông. Hiện nay, một trong những dự án xây dựng công viên dọc sông Đồng Nai đã được phê duyệt là dự án Xây dựng kè, đường và công viên ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu). Đây là dự án do UBND TP.Biên Hòa làm chủ đầu tư với các hạng mục xây dựng bờ kè, đường và công viên ven sông Đồng Nai.

Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết, đối với hạng mục xây dựng bờ kè của dự án sẽ được khởi công thực hiện trong năm 2020. Riêng đối với hạng mục xây dựng đường, công viên theo dự kiến sẽ khởi công vào năm 2021.

Trong định hướng quy hoạch phát triển, đô thị Biên Hòa được định hình trở thành đô thị ven sông Đồng Nai. Do đó, việc phát triển hệ thống công viên dọc sông Đồng Nai chính là yếu tố quyết định tạo ra không gian, cảnh quan và không gian sinh hoạt cộng đồng cho đô thị Biên Hòa.

Người dân tập thể dục buổi sáng tại công viên Nguyễn Văn Trị
Người dân tập thể dục buổi sáng tại công viên Nguyễn Văn Trị

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, việc xây dựng các công viên dọc sông sẽ tạo ra không gian sinh hoạt cộng đồng, cảnh quan ven sông cũng như nâng giá trị của đô thị Biên Hòa.

Đánh giá về định hướng phát triển hệ thống công viên cho đô thị Biên Hòa, kiến trúc sư Lý Thành Phương, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh cho rằng, việc ưu tiên phát triển trước hệ thống công viên dọc sông Đồng Nai là đúng “trọng điểm” và cần triển khai sớm. “Xây dựng sớm tuyến công viên dọc sông Đồng Nai sẽ mang đến rất nhiều lợi ích” - kiến trúc sư Lý Thành Phương khẳng định.

Cụ thể, theo ông Phương, sông Đồng Nai có vai trò rất lớn trong việc cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hàng chục triệu người dân. Do đó, phát triển sớm hệ thống công viên dọc sông có ý nghĩa rất lớn đối với bảo vệ môi trường, nguồn  nước sông Đồng Nai. Đó sẽ là "lá phổi xanh" “lọc” không khí. Quan trọng hơn, với tuyến công viên dọc sông sẽ hạn chế được nguồn nước thải, chất thải trong quá trình sinh hoạt, sản xuất được thải trực tiếp xuống sông Đồng Nai. “Các khu dân cư dọc sông đều có nhà xoay lưng ra sông, chất thải sinh hoạt do đó được xả thẳng xuống sông nên nguy cơ ô nhiễm nguồn nước cao. Nếu có công viên sẽ tạo được khoảng đệm ngăn cách dòng sông với các khu dân cư” - kiến trúc sư Lý Thành Phương phân tích.

Ngoài ý nghĩa về bảo vệ môi trường, việc phát triển tuyến công viên dọc sông Đồng Nai cũng sẽ tạo ra nhiều ý nghĩa khác về cảnh quan, không gian sinh hoạt cộng đồng đối với đô thị Biên Hòa. Bởi sông Đồng Nai có giá trị rất lớn trong phát triển không gian đô thị Biên Hòa. Do đó, việc xây dựng hệ thống công viên dọc con sông này, tạo ra không gian sinh hoạt cộng đồng cho người dân, du khách sẽ góp phần tạo nên bản sắc riêng cho đô thị Biên Hòa

Cũng theo kiến trúc sư Lý Thành Phương, với việc ưu tiên phát triển tuyến công viên dọc sông Đồng Nai, các cơ quan chức năng cần tính toán xây dựng các tuyến công viên dọc các kênh, suối trên địa bàn TP.Biên Hòa. Bởi cũng như phát triển hệ thống công viên dọc sông Đồng Nai, xây dựng các công viên dọc các tuyến kênh, suối mang lại nhiều giá trị trong việc bảo vệ môi trường, chống ngập úng và tạo cảnh quan đô thị.

Phạm Tùng

 

 
Tin xem nhiều