Đồng Nai hiện có trên 38 ngàn doanh nghiệp (DN), trong đó DN nhỏ và vừa chiếm trên 86%. Trong đại dịch Covid-19, DN nói chung, DN nhỏ và vừa nói riêng vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Đồng Nai hiện có trên 38 ngàn doanh nghiệp (DN), trong đó DN nhỏ và vừa chiếm trên 86%. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, DN nói chung, DN nhỏ và vừa nói riêng vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Để thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng DN, UBND tỉnh đang xây dựng đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa đến năm 2025. Đề án hiện đang được tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện trước khi trình HĐND tỉnh xem xét thông qua trong kỳ họp sắp tới.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong ảnh: Một doanh nghiệp nhỏ ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh thiếu mặt bằng sản xuất. Ảnh: Vương Thế |
[links()]Mới đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Hiệp hội DN Đồng Nai và Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai tổ chức tọa đàm, lấy ý kiến rộng rãi DN về vấn đề này.
* Nhiều chính sách hỗ trợ căn cơ
DN nhỏ và vừa trên địa bàn Đồng Nai không chỉ có số lượng đông đảo, mà đây còn là thành phần kinh tế năng động và ngày càng có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tính đến cuối năm 2019, Đồng Nai có gần 33 ngàn DN nhỏ và vừa với tổng vốn đăng ký trên 107 ngàn tỷ đồng, chiếm trên 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và đem đến cho người lao động nguồn thu nhập trên 21.200 tỷ đồng hằng năm.
Dự kiến, tổng kinh phí để thực hiện chính sách cho năm 2020 và giai đoạn 2021-2025 để thực hiện đề án này là 13,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa. Tổng kinh phí nói trên chưa bao gồm kinh phí hỗ trợ mặt bằng sản xuất theo Nghị quyết số 200 năm 2019 của HĐND tỉnh; kinh phí hỗ trợ pháp lý; kinh phí hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và kinh phí giúp DN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị… Đây là những gói kinh phí lớn, được tính riêng và phân bổ theo hằng năm. |
Theo UBND tỉnh, những năm qua, nhìn nhận được vai trò to lớn của DN tư nhân, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển, trong đó có Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có hiệu lực từ năm 2018. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều thuận lợi, các DN cũng gặp không ít khó khăn, trong đó có khó khăn về mặt bằng sản xuất, về nguồn vốn… Những rào cản ấy là vấn đề mà tự thân nhiều DN chưa thể vượt qua được. Hiện nay, kinh tế Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ, do vậy, để đón nhận những cơ hội mới từ hội nhập kinh tế mang lại, công tác hỗ trợ thúc đẩy DN phát triển phải được đặt lên hàng ưu tiên.
Mục tiêu của đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa đến năm 2025 mà Đồng Nai thực hiện là nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, địa phương nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trên địa bàn. Phát huy nội lực của DN, thúc đẩy phát triển về số lượng và chất lượng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho tỉnh.
Theo đó, Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đề cập đến 9 nhóm vấn đề với rất nhiều nội dung. Trong đó, nhóm chính sách hỗ trợ chung bao gồm: hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa; hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh đối với DN ngành công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, quản trị DN, nâng cao chất lượng lao động; hỗ trợ sử dụng các dịch vụ tư vấn; đăng ký thành lập DN miễn phí; tư vấn, hướng dẫn thủ tục về thuế và hỗ trợ về các vấn đề pháp lý…
Một cụm công nghiệp dành cho doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng ở H.Vĩnh Cửu |
Về nhóm chính sách hỗ trợ trọng tâm cho DN nhỏ và vừa bao gồm: hỗ trợ DN chuyển đổi lên từ hộ kinh doanh cá thể; hỗ trợ DN nhỏ và vừa là DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ DN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sản xuất…
Hiện nay, Sở KH-ĐT được UBND tỉnh giao chủ trì xây dựng dự thảo đề án đang tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện. Chính sách hỗ trợ bao gồm nhiều nội dung, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN song nguyên tắc hỗ trợ là trong cùng một thời điểm, nếu có nhiều chính sách ưu đãi từ Nhà nước với cùng nội dung và đối tượng hỗ trợ thì DN được hưởng mức hỗ trợ cao nhất.
* Phải “nhắm” vào những điều DN cần
Mục tiêu của tỉnh là nhằm hướng tới một cộng đồng DN mạnh nên xây dựng đề án với nhiều chính sách hỗ trợ rộng rãi. Điều đó rất cần thiết, tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh và việc triển khai các gói chính sách hỗ trợ từ Nhà nước trong nhiều năm qua, DN cho thấy họ vẫn rất khó khăn để tiếp cận, mặc dù mỗi chính sách hỗ trợ đều có quy định riêng của mình.
Mục tiêu cụ thể của đề án là số lượng DN nhỏ và vừa thành lập mới giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng 9% hằng năm, tổng số DN thành lập mới trong 5 năm là trên 30,6 ngàn DN. Các DN mới thành lập từ ngày đề án được phê duyệt tạo ra khoảng 300 ngàn việc làm mới cho lao động trên địa bàn tỉnh. |
Để các ưu đãi về chính sách được thực thi đúng tinh thần hỗ trợ DN và dễ tiếp cận hơn, trong điều kiện nguồn lực của tỉnh có hạn, các DN kiến nghị tỉnh cần tập trung vào 3 lĩnh vực chính đang vướng mắc nhiều nhất hiện nay là: mặt bằng sản xuất, nguồn vốn tín dụng và đào tạo cán bộ quản trị DN.
Ông Đặng Quốc Nghi, Giám đốc Công ty TNHH MTV Rồng Nam Việt chuyên ngành vận tải, logistics nhận định, cộng đồng DN nhỏ và vừa đang phát triển rất nhanh chóng, tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn lực của DN quá nhỏ bé, rất khó cạnh tranh với DN nước ngoài trên cùng lĩnh vực nếu không được tiếp sức. Do vậy, đề án hỗ trợ đặc biệt cần thiết trong giai đoạn hiện nay và cần triển khai sớm, nhất là về vấn đề tài chính, mặt bằng sản xuất, hỗ trợ DN phục hồi sau đại dịch Covid-19 ngay trong năm 2020.
Cũng theo ông Nghi, để đề án có thể đi vào cuộc sống, tỉnh nên thành lập một cơ quan đầu mối có đủ chức năng, thẩm quyền để cung cấp thông tin; đồng thời tiếp nhận, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh của DN.
Tương tự, ông Mai Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa) cho hay Vinastar nhận được nhiều đơn hàng của DN nước ngoài trên địa bàn và các DN đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Từ một DN nhỏ, hiện nay Vinastar đã bước lên hàng ngũ DN vừa nhưng để giữ vững và phát triển gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Mai Khanh cho rằng, đối với các DN ngành công nghiệp hỗ trợ thì sự hỗ trợ của Nhà nước cần phải mạnh hơn bởi đây là ngành sản xuất có giá trị cao và có thể tận dụng được các lợi thế kinh tế khi hội nhập. “Đồng Nai nên có cụm công nghiệp cho DN công nghiệp hỗ trợ để các DN nhỏ và vừa tập trung lại. Khi đó, đối tác nước ngoài tới làm việc họ sẽ dễ hình dung ra chuỗi liên kết và cũng cho họ thấy năng lực thực sự của DN Việt Nam. Nếu cứ mãi nằm nhỏ lẻ bên ngoài thì rất khó để thuyết phục họ đưa nguồn hàng, hay chấp nhận đặt hàng xuất khẩu của mình” - ông Mai Khanh nhận định.
Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Đặng Văn Điềm, là địa phương có số lượng DN đông đảo, việc Đồng Nai xây dựng các đề án hỗ trợ rất cần thiết. Với trách nhiệm của mình, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai khuyến khích và tiếp tục ghi nhận những đóng góp của DN, hội viên trực thuộc để tham vấn chính sách cho tỉnh. Ngay cả khi chính sách đã có hiệu lực, những vấn đề quan trọng có vướng mắc nào DN cần cũng sẽ phối hợp các ngành liên quan kiến nghị sửa đổi phù hợp với thực tế, đi vào trọng tâm, giúp DN, doanh nhân yên tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Vương Thế
Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát Nguyễn Duy Hưng:
Mặt bằng sản xuất là ưu tiên đối với DN nhỏ và vừa
DN nhỏ và vừa trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn. Việc tỉnh xây dựng đề án là rất cần thiết, nhất là đối với các DN trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Thực tế hiện nay, ngành công nghiệp hỗ trợ Đồng Nai tuy có phát triển nhưng còn rất manh mún. Điều khó khăn lớn nhất là thiếu về mặt bằng sản xuất, từ đó kéo theo những vấn đề khác như: vốn, kỹ thuật cũng yếu đi bởi không có tài sản thế chấp để có thể vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Không chỉ DN công nghiệp hỗ trợ mà các DN ngành sản xuất khác cũng cần được hỗ trợ về lâu dài, trước mắt là hỗ trợ mặt bằng, xây dựng các khu, cụm công nghiệp để DN có thể tiếp cận, thuê đất được chứ không phải ở mức giá quá cao. Bên cạnh hỗ trợ chính sách, DN cần thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là một khâu yếu của DN nhỏ và vừa, nhất là thông tin định hướng sản xuất, định hướng nền kinh tế của Nhà nước.
Thời gian tới, DN rất mong muốn được tỉnh hỗ trợ tiếp cận thông tin nhiều hơn, đặc biệt là các hiệp định như CPTTP, EVFTA để DN khi bước ra khỏi địa phương hay làm ăn với nước ngoài tránh được những vụ kiện, rắc rối phát sinh do thiếu thông tin.
Giám đốc Công ty Xây dựng Xu Hướng Việt Nguyễn Ngọc Hà:
Tăng hỗ trợ đào tạo cho DN
Trong đề án của tôi có vấn đề hỗ trợ mặt bằng sản xuất tại các cụm công nghiệp. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng vào được các cụm sản xuất, rất nhiều công ty nhỏ lẻ, hoạt động dịch vụ vẫn ở bên ngoài. Những DN này mong muốn có thể được hỗ trợ một phần chi phí về mặt bằng, hoặc Nhà nước có thể xây dựng môi trường làm việc chung, quy hoạch các khu văn phòng dùng chung cho DN nhỏ và vừa thuê để tận dụng những lợi thế của nhau.
Một vấn đề nữa, DN nhỏ và vừa còn rất yếu về khâu đào tạo nhân lực cũng như quản trị sản xuất, quản trị kinh doanh. Do đó, công tác hỗ trợ đào tạo cũng cần phải được quan tâm nhiều hơn để thay đổi thói quen sản xuất cũ, từ đó có cơ sở tăng đầu tư cho kỹ thuật, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Biết rằng bản thân DN phải chủ động kết nối với các hội ngành nghề, hiệp hội DN và cơ quan chính quyền, song Nhà nước cũng cần tạo cơ chế để phát huy vai trò của các hiệp hội bởi bản thân các DN, hiệp hội ngành nghề chính là nơi có thể đóng góp nhiều ý kiến đối với việc thực thi chính sách hỗ trợ.
Giám đốc Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh Nguyễn Đức Tuấn Hải:
Đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật là điều tối quan trọng
Đối với các DN sản xuất hàng xuất khẩu, vấn đề đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm, tiêu chí môi trường, lao động là rất quan trọng. Đó là lý do vì sao mà DN của chúng tôi chuyển hoạt động sản xuất vào khu công nghiệp, dù quy mô còn nhỏ. Đối tác nước ngoài, nhất là các đối tác đến từ Âu - Mỹ một khi làm ăn với chúng ta thì rất coi trọng các vấn đề tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an toàn sản xuất, vệ sinh nhà xưởng cũng như sự ổn định lao động. Nếu thiếu các yếu tố này, dù khả năng DN có thể sản xuất được sản phẩm họ cần nhưng cũng sẽ rất khó hợp tác. Do vậy, vấn đề là Nhà nước cần hỗ trợ DN trong đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như xây dựng thương hiệu, sản phẩm hợp chuẩn hợp quy để DN có thể đáp ứng đủ.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Thế Linh, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Phạm Thế Linh:
Tạo môi trường thông thoáng để DN sản xuất, kinh doanh
Đối với cộng đồng DN nhỏ và vừa, bên cạnh những vấn đề hỗ trợ về vốn, mặt bằng sản xuất, công nghệ… như các DN đã đề cập thì việc tạo môi trường thông thoáng, cải thiện các điều kiện kinh doanh cũng rất cần thiết. Trong thực tế, địa phương nào có sự thân thiện, cởi mở với DN thì ở đó, đội ngũ DN ngày một phát triển lớn mạnh, điều này cần thể hiện nhất quán từ tỉnh tới các sở, ngành, địa phương.
Với vai trò của mình, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai sẽ nỗ lực kết nối với các địa phương, sở, ngành để trao đổi thông tin, tìm cách tháo gỡ những khó khăn mà DN gặp phải nhằm xây dựng đội ngũ DN lớn mạnh. Từ đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, giúp DN dễ tiếp cận chính sách của Nhà nước.
Văn Gia