Trong lĩnh vực bán lẻ, hoạt động tiếp thị của một số tập đoàn, công ty lớn trong nước hay các công ty đa quốc gia được đầu tư rất nhiều, chi phí quảng cáo được công bố có thể cao đến 20% doanh số bán hàng.
Trong lĩnh vực bán lẻ, hoạt động tiếp thị của một số tập đoàn, công ty lớn trong nước hay các công ty đa quốc gia được đầu tư rất nhiều, chi phí quảng cáo được công bố có thể cao đến 20% doanh số bán hàng. Một số công ty sẵn sàng chi cả hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng dành cho kế hoạch phát triển thương hiệu mỗi năm. Điều này cho thấy, các công ty này vừa có nguồn vốn lớn, vừa rất coi trọng hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu.
Việc doanh nghiệp (DN) “mạnh tay” chi cho hoạt động marketing, tiếp thị là xu hướng phù hợp khi thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Qua các cuộc khảo sát, người tiêu dùng cho rằng nhiều sản phẩm, hàng hóa trong nước có chất lượng gần như tương đương với các sản phẩm ngoại nhập, sản phẩm của các công ty đa quốc gia cùng phân khúc, chủng loại. Tuy nhiên, cái khó là mức độ phổ biến, độ phủ về thương hiệu trong nhận thức của người tiêu dùng thì các sản phẩm trong nước còn nhiều thua kém.
Nguyên nhân là do đối với nhiều DN trong nước, nhất là các DN nhỏ và vừa ở địa phương, việc dành ra nguồn kinh phí cho hoạt động quảng bá thương hiệu là bài toán nan giải. Trên thực tế, dù muốn đa dạng các kênh quảng bá, tiếp thị sản phẩm nhưng các DN nhỏ và vừa không dễ triển khai. Hoạt động giới thiệu sản phẩm vẫn dựa nhiều vào các hoạt động triển lãm, xúc tiến thương mại...
Trong khi đó, DN ngoại có lợi thế vốn mạnh, trước khi tham gia vào thị trường Việt Nam, họ đã khảo sát nhu cầu người tiêu dùng; đồng thời có nhiều phương thức để quảng bá sản phẩm, từ quảng cáo truyền thống, quảng cáo trực tuyến đến các hoạt động khuyến mại, xây dựng đội ngũ tiếp cận, tư vấn khách hàng… đều được tiến hành bài bản, chuyên nghiệp.
Do đó, để thực sự cạnh tranh trên thị trường trong nước, bên cạnh sự hỗ trợ, kết nối của các cơ quan quản lý nhà nước về việc đẩy mạnh hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại giữa các địa phương, DN Việt Nam nói chung và DN địa phương nói riêng cần chủ động hợp tác, liên kết để có thể tăng độ nhận diện thương hiệu, mở rộng hệ thống phân phối hàng hóa, nhất là các mặt hàng thế mạnh, đặc trưng của địa phương.
Các DN cần tính toán kỹ kinh phí dành cho tiếp thị, quảng cáo sau khi đã cân nhắc về nguồn lực hiện tại. Việc đầu tư để phát triển thương hiệu cần có chiến lược dài hơi, phù hợp với nội lực của từng DN chứ không phải “ngày một, ngày hai” là có thể mang lại kết quả.
Tương tự, đối với thị trường xuất khẩu, DN địa phương cũng không thể “giậm chân tại chỗ” trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay. Câu chuyện mở rộng thị trường của DN trong nước luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu khi các hàng rào thuế quan được gỡ bỏ.Chính vì vậy, các DN địa phương cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về các FTA. Từ đó, xác định, xây dựng các phương án, kế hoạch sản xuất, cải tiến sản phẩm để “liệu cơm gắp mắm” khi tiếp cận các thị trường xuất khẩu, tìm kiếm cơ hội ở những thị trường “ngách” nhiều tiềm năng…
Muốn làm được điều này thì công tác tuyên truyền kiến thức, hành lang pháp lý về hội nhập, về các FTA thế hệ mới chính là một trong các kênh thông tin hữu hiệu giúp DN chuẩn bị điều kiện cần thiết để chủ động phòng vệ thương mại, vượt qua các rào cản, tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm địa phương tại thị trường trong và ngoài nước.
Lam Phương