Dù đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm thiểu rác thải nhựa (túi ny-lông, hộp nhựa, hộp xốp dùng một lần), thế nhưng để thay đổi thói quen của người tiêu dùng cần phải có giải pháp quyết liệt hơn,...
Dù các cấp, các ngành, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong giảm thiểu rác thải nhựa (túi ny-lông, hộp nhựa, hộp xốp dùng một lần), thế nhưng để thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong việc hạn chế sử dụng các sản phẩm túi ny-lông, hộp nhựa dùng một lần cần phải có giải pháp quyết liệt hơn, cần sự vào cuộc từ nhiều phía, trong đó có cả người tiêu dùng.
Công nhân Nhà máy xử lý rác Quang Trung (huyện Thống Nhất) phân loại rác để giảm lượng rác phải xử lý. |
* Nói không với rác thải nhựa
Theo đánh giá của Bộ TN-MT, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Số lượng rác thải nhựa thải ra tăng dần theo từng năm. Đây là một “gánh nặng” cho môi trường,
Trong lễ ra quân toàn quốc chống chất thải nhựa (tháng 6-2019), Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa, túi ny-lông dùng một lần; đến năm 2025, cả nước không sử dụng loại sản phẩm và bao bì này nữa.
Để hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, mới đây UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025 nhằm tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí, từ đó, giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Theo kế hoạch này, dự kiến, giai đoạn 2020-2025, rác thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn theo 4 nhóm: chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải cồng kềnh; chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác. Tỷ lệ chôn lấp giảm còn 15%, điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm thiểu lượng rác thải nhựa phải chôn lấp.
UBND tỉnh cũng triển khai đến các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy trong các hoạt động, đặc biệt không sử dụng chai nhựa, ly nhựa, bìa hồ sơ nhựa và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn.
* Cần sự thống nhất, đồng bộ
Về vấn đề hạn chế, tiến đến loại bỏ rác thải nhựa ra khỏi đời sống, bà Đặng Thị Thùy Dương, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh (Sở TN-MT) cho rằng, cần phải có sự đồng bộ, thống nhất trong triển khai và thực hiện.
Theo bà Dương, đối với những nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn, cần có chế tài bắt buộc thông qua việc xử phạt; đánh thuế cao nguồn cung cấp các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; khuyến khích các cơ sở kinh doanh chuyển đổi sang những sản phẩm thân thiện với môi trường; có chính sách hỗ trợ ưu đãi đối với những doanh nghiệp đầu tư xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa; tạo điều kiện cho những doanh nghiệp sản xuất và đưa ra thị trường các sản phẩm, bao bì thân thiện với môi trường với giá cả dễ chấp nhập để thay thế dần các sản phẩm, bao bì nhựa, nhằm khống chế lượng rác thải nhựa. Trong đó, ngành Công thương phối hợp với các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ có giải pháp hạn chế sử dụng bao bì nhựa trong hoạt động mua bán, kinh doanh.
Tuy nhiên theo bà Dương, điều tiên quyết trong cuộc chiến “Nói không với rác thải nhựa” phải bắt đầu từ ý thức của mỗi người dân trong cộng đồng qua việc sử dụng có trách nhiệm các bao bì, sản phẩm dùng một lần; sử dụng thay thế bằng các sản phẩm ngoài nhựa và đặc biệt là tái sử dụng nhiều loại bao bì, sản phẩm để giảm lượng rác thải nói chung và rác thải nói riêng ra môi trường không chỉ thích thì làm, mà là trách nhiệm của mỗi người dân góp sức cùng chung tay bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp và không còn rác thải nhựa trong tương lai.
Theo luật sư Ngô Văn Định, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), hiện Việt Nam chưa có quy định xử phạt việc thải, đổ rác nhựa sai quy định. Do đó, ngoài việc giáo dục, tuyên truyền người dân phân loại, thu gom rác thải nhựa đúng quy định, thì cần phải có biện pháp cứng rắn hơn nữa bằng việc đề ra mức xử phạt cụ thể đối với hành vi không phân loại rác thải nhựa, hành vi thải đổ rác nhựa không đúng nơi quy định. Việc ban hành mức xử phạt nhằm chế tài đối với những người dân thiếu ý thức trong thải đổ rác thải nhựa, hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.
An Nhiên