Năm 2020, Đồng Nai triển khai hàng trăm dự án đầu tư công trên 8 lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, nhiều dự án, công trình đầu tư công gặp khó khăn và bị chậm tiến độ giải ngân.
Năm 2020, Đồng Nai triển khai hàng trăm dự án đầu tư công trên 8 lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, nhiều dự án, công trình đầu tư công gặp khó khăn và bị chậm tiến độ giải ngân. Nguyên nhân là do có sự thay đổi trong một số chính sách nên các dự án phải làm lại đơn giá xây dựng và tính toán lại giá đất theo bảng giá đất mới.
Dự án đường trục trung tâm TP.Biên Hòa triển khai chậm nên tuyến đường nối P.Hiệp Hòa thường xuyên kẹt xe. Ảnh: H.Giang |
[links()]Sở KH-ĐT cho biết, năm 2020, theo kế hoạch thì tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh là hơn 24,8 ngàn tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương chỉ gần 7,5 ngàn tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn của Trung ương chi cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và một số dự án hạ tầng giao thông cấp quốc gia đi qua địa bàn tỉnh.
* Dự án chậm vì đơn giá mới
Từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh bị chậm lại do phải chờ điều chỉnh một số khâu theo Nghị định 68/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-10-2019.
Tại hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công vào ngày 10-4-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, nguồn vốn đầu tư công năm nay của cả nước là 700 ngàn tỷ đồng. Do đó, các địa phương phải có kế hoạch giải ngân hết nguồn vốn trên. Dự án, công trình giải ngân nhanh sẽ góp phần sớm đưa vào khai thác sử dụng. Như vậy, sẽ tạo sự đột phá, tăng tốc trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát triển kinh tế. Đồng Nai là tỉnh có “siêu dự án” là Cảng hàng không quốc tế Long Thành phải kịp thời giải ngân nguồn vốn Chính phủ đã bố trí. |
Điều đáng nói là, sau khi Nghị định 68 ban hành, các tỉnh thành phải đợi thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Cuối năm 2019, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 16/2019/TT-BXD về hướng dẫn chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng và Thông tư 09/2019/TT-BXD hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Cả 2 thông tư trên đều có hiệu lực từ ngày 15-2-2020. Vì thế, Đồng Nai cũng như tất cả các tỉnh, thành khác trong cả nước có những dự án, công trình đang ở những khâu trên buộc dừng lại chờ đợi, dẫn đến tiến độ các dự án, công trình bị chậm do phải điều chỉnh lại hồ sơ cho phù hợp.
Ông Trần Văn Thanh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết: “Nhiều dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn nhà nước ngoài ngân sách và dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trên địa bàn tỉnh bị chậm tiến độ do phải điều chỉnh lại nhiều khâu như: định mức chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí xây dựng... Giữa tháng 2-2020, thông tư hướng dẫn thực hiện các điều chỉnh trên mới có hiệu lực nên các dự án đã chậm tiến độ mất vài tháng”.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm dự án bị chậm trễ vì hồ sơ sau khi điều chỉnh phải tiến hành lấy ý kiến các sở, ngành, nếu thống nhất và được phê duyệt mới tiếp tục thực hiện.
Dự án Bờ kè đường ven sông Cái (TP.Biên Hòa) thi công lâu dẫn đến giải ngân vốn đầu tư chậm Ảnh: Hương Giang |
Phó chủ tịch UBND H.Long Thành Nguyễn Phong An cho hay: “H.Long Thành đang triển khai nhiều dự án đầu tư công nên việc thay đổi về chính sách đã khiến các chủ đầu tư phải dừng lại, tính toán lại toàn bộ các chi phí cho phù hợp với quy định. Do đó, dự án có thể bị chậm lại vài tháng”.
Bên cạnh đó, thời gian qua dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện tất cả các dự án bằng ngồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn ngoài ngân sách. Vì thế, tại Đồng Nai và các tỉnh, thành trong cả nước các dự án đầu tư công phần lớn đều giải ngân chậm so với tiến độ đã đề ra từ đầu năm 2020.
Cụ thể, một số dự án lớn đã phải chậm tiến độ vì tính toán lại chi phí xây dựng như: dự án chống ngập các suối Chùa, Bà Lúa và cầu Quan (TP.Biên Hòa); dự án đường kết nối cảng Phước An...
* Tính toán lại giá bồi thường cho dự án
Bảng giá đất mới của tỉnh giai đoạn 2020-2024 được ban hành vào đầu năm nay nên các dự án đang triển khai có thu hồi đất của người dân, các tổ chức cũng phải tính toán lại cho phù hợp.
Theo bảng giá đất mới của tỉnh, có những địa bàn giá đất tăng từ 10-200%, thực tế sẽ có lợi hơn cho người dân bị thu hồi đất, song phía các chủ đầu tư phải tính toán lại tổng mức đầu tư của dự án. Với những dự án đầu tư công, tổng vốn thực hiện tăng thêm sẽ kéo theo những thủ tục khác mất nhiều thời gian là lấy ý kiến các sở, ngành, xin điều chỉnh vốn và thông qua HĐND cấp huyện, HĐND tỉnh tùy theo quy mô dự án.
Đơn cử giữa tháng 3-2020, dự án đường ven sông Cái, dự án Đường trục trung tâm TP.Biên Hòa phải trình HĐND tỉnh lấy ý kiến một số điều chỉnh, trong đó có vốn tăng thêm do áp dụng giá đất mới. Theo giá đất mới, các dự án trên đã tăng vốn đầu tư vài trăm tỷ đồng/dự án. Số tiền tăng thêm chủ yếu nằm ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đồ họa thể hiện tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ ngân sách của tỉnh tính đến cuối tháng 4-2020. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân) |
Đến cuối tháng 4-2020, tỷ lệ giải ngân các dự án triển khai bằng nguồn ngân sách địa phương mới đạt gần 25%. Trong đó, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc này là vì nhiều dự án phải làm lại đơn giá xây dựng của công trình và tính toán lại giá đất bồi thường.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh quy hoạch thực hiện 1.866 dự án ở các lĩnh vực khác nhau. Trong đó, có những dự án được phân bổ kinh phí triển khai trong thời gian từ 2-5 năm. Tuy nhiên, rất ít dự án hoàn thành đúng kế hoạch đề ra vì hầu hết vướng ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Vấn đề khiến người dân thắc mắc nhiều và chưa đồng tình để giao đất cho chủ đầu tư là vì cho rằng giá bồi thường còn thấp. Đây cũng là khó khăn lớn trong việc thực hiện các dự án của tỉnh, kéo dài nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm.
Ông Nguyễn Hồng Quế, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh (Sở TN-MT) đánh giá: “Đất đai của Đồng Nai những năm qua bị đẩy lên khá cao so với giá trị thực. Có những khu vực mà các “cò đất” đã đẩy giá đất cao ngất ngưởng gây khó cho việc thực hiện các dự án, bởi các dự án không thể bồi thường xấp xỉ bằng giá đất đang sốt”.
Ví dụ, tại một số khu vực thuộc các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, đất nông nghiệp giao dịch ngoài thị trường tự do đã bị đẩy lên 10-30 tỷ đồng/ha, song đây chỉ là giá “ảo” rất hiếm có giao dịch thực tế. Thế nhưng, khi các dự án triển khai tính toán bồi thường, người dân sẽ căn cứ vào mức giá trên để yêu cầu đền bù. Nhiều dự án bị “ách” lại vì khâu bồi thường, kéo dài thêm 2-4 năm như: dự án Đường ven sông Cái, Hương lộ 2 và hàng chục các công trình, dự án khác.
Giá đất giai đoạn 2020-2024, ban hành ngay đầu năm 2020, song phải mất hơn 2 tháng chờ đợi UBND tỉnh ban hành hệ số giá đất, các công trình, dự án mới tiến hành áp dụng tính toán cụ thể tiền bồi thường, hỗ trợ cho các dự án. Các dự án chậm tiến độ thực hiện sẽ kéo theo giải ngân thấp. Vốn đầu tư công bố trí hằng năm cho các công trình dự án đều căn cứ theo mức độ quan trọng của từng dự án. Vì thế dự án chậm tiến độ, giải ngân thấp đồng nghĩa với công trình lâu hoàn thành, không thể đưa vào khai thác đúng tiến độ, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hương Giang