Theo quy hoạch sử dụng đất, Đồng Nai có hơn 300 dự án khu dân cư, khu đô thị. Trong đó, phần lớn các dự án đã có chủ đầu tư, thế nhưng các dự án hoàn thành chưa nhiều.
Theo quy hoạch sử dụng đất, Đồng Nai có hơn 300 dự án khu dân cư, khu đô thị. Trong đó, phần lớn các dự án đã có chủ đầu tư, thế nhưng các dự án hoàn thành chưa nhiều. Do đó, tỉnh vẫn thiếu các khu dân cư tầm vóc tạo điểm nhấn cho các khu vực.
Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là một trong những điểm nhấn tạo sức hút cho bất động sản Đồng Nai. Ảnh: Khánh Minh |
[links()]Theo quy định của Luật Đất đai, dự án không triển khai đúng lộ trình Nhà nước có thể thu hồi và không bồi thường về tài sản và đất. Tuy nhiên, có những dự án khu dân cư, khu đô thị kéo dài 5-10 năm chưa hoàn thành mà không thể thu hồi. Vì thế, siết chặt lại thời gian thực hiện các dự án khu dân cư sẽ giúp cho tỉnh có những khu dân cư bài bản, phù hợp với kiến trúc tổng thể.
* Có đất “sạch” mới có thể “siết” tiến độ
Trong Luật Đất đai nêu rõ, dự án được cấp phép đầu tư trong 24 tháng không triển khai có thể được gia hạn thêm 24 tháng nữa, hết thời gian gia hạn mà chủ đầu tư vẫn không thực hiện dự án thì sẽ bị thu hồi. Tuy nhiên, trong Luật Đất đai lại không quy định những trường hợp dự án vướng bồi thường giải phóng mặt bằng thì xử lý như thế nào? Vì vậy, rất nhiều dự án khu dân cư cứ “nhẩn nha” ở khâu giải phóng mặt bằng đợi thời điểm giá bất động sản lên mới rốt ráo thực hiện. Tại Đồng Nai, dự án có sẵn đất sạch rất ít, đa số các dự án khu dân cư, khu đô thị phải thu hồi đất của người dân và các đơn vị. Việc thu hồi đất có khi kéo dài 5-6 năm chưa xong nên đồng nghĩa với việc dự án cũng kéo dài.
Gần đây, tỉnh có những khu đất sạch tại H.Nhơn Trạch, H.Long Thành... đấu giá làm khu dân cư. Với những dự án có sẵn đất sạch này thì doanh nghiệp (DN) trúng đấu giá buộc phải triển khai nhanh nếu quá thời hạn sẽ bị thu hồi.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng cho biết: “Các khu đất công sau đấu giá sẽ được theo dõi chặt chẽ để nhắc nhở nhà đầu tư thực hiện đúng quy hoạch và tiến độ. Trong đấu giá đất, UBND tỉnh buộc các công ty mua được mảnh đất phải thực hiện đúng lộ trình như Luật Đất đai quy định, trường hợp quá thời hạn sẽ bị thu hồi và không bồi thường”.
Theo Sở Kế hoạch - đầu tư và Sở Tài nguyên - môi trường, hằng năm 2 đơn vị này đều có những đợt kiểm tra, rà soát các dự án trên địa bàn tỉnh. Trường hợp phát hiện dự án quá thời hạn chưa triển khai sẽ đề xuất UBND tỉnh thu hồi.
* Lựa chọn nhà đầu tư đủ tiềm lực
Tìm hiểu của phóng viên tại địa bàn H.Nhơn Trạch, H.Long Thành, TP.Biên Hòa cho thấy, lâu nay có không ít dự án khu dân cư kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành khiến người dân sống trên khu đất đó bị ảnh hưởng rất lớn. Nguyên nhân là do đất đai, nhà ở vướng vào quy hoạch, việc chuyển nhượng khó khăn và giá thấp. Bên cạnh đó, người dân khi sống trong các dự án “treo” mà muốn sửa sang, xây dựng nhà mới rất khó khăn.
Ông Trần Văn Minh ở xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch) bày tỏ: “Gần 1ha đất của gia đình tôi bị quy hoạch làm khu dân cư, nhưng dự án nhiều năm chưa thực hiện xong và tôi chưa nhận được tiền bồi thường. Do đó, nhiều năm nay, gia đình tôi sống tạm trong căn nhà đã xuống cấp và không được xây dựng lại”. Hầu hết người dân rơi vào các dự án “treo” đều bức xúc và mong muốn UBND tỉnh có rà soát kỹ, nếu chủ đầu tư không đủ vốn, kinh nghiệm để thực hiện thì thu hồi giao cho những DN có đủ năng lực thực hiện.
Thực tế, có không ít dự án khu dân cư đã được DN bán qua bán lại cho nhau bằng hình thức chuyển nhượng cổ phần trong công ty (việc này pháp luật cho phép). Cách chuyển nhượng dự án bằng bán cổ phần cho nhau, đơn vị có 51% cổ phần của công ty nào sẽ làm chủ công ty đó và tất cả các dự án sẽ giảm được nhiều thủ tục, chi phí so với chuyển nhượng dự án.
Toàn tỉnh có hàng trăm dự án khu dân cư, khu đô thị đã có nhà đầu tư, việc giám sát rất cần thiết và cần siết chặt hơn. Vì các dự án triển khai chậm không chỉ ảnh hưởng đến người dân sống trong khu dự án mà còn ảnh hưởng chung đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đó. Đơn cử như H.Nhơn Trạch là nơi quy hoạch 74 dự án khu dân cư với hơn 3.390ha, đất đai chủ yếu của người dân phải thu hồi. Đất đai bị quy hoạch người dân khó vay vốn và hạn chế trong việc đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập.
Hiện nay, giá bồi thường đất đai tại Đồng Nai đã tăng cao nên có thể nhiều chủ đầu tư sẽ không đủ khả năng thực hiện. Về phía người dân sẽ yêu cầu giá bồi thường tăng để không bị thiệt thòi, việc thu hồi đất sẽ khó khăn hơn.
Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Thị Giang Hương đánh giá: “Giá đất giai đoạn 2020-2024 tăng nên việc bồi thường thu hồi đất cho các dự án cũng khó khăn hơn, vì nhà đầu tư phải tốn thêm một khoản lớn cho bồi thường. Đồng thời, giá đất tại H.Nhơn Trạch thời gian qua bị đẩy lên rất cao nên một số hộ dân đòi chi trả bồi thường gần bằng giá giao dịch ngoài thị trường cũng gây khó cho huyện trong việc tính toán bồi thường và thu hồi đất giao cho các dự án”.
Khánh Minh