Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển đàn heo ổn định

10:05, 06/05/2020

Đồng Nai được đánh giá là tỉnh thuộc tốp đầu cả nước trong việc tái đàn, tăng đàn heo. Tổng đàn heo của Đồng Nai hiện có trên 2,03 triệu con. Mục tiêu đến cuối năm 2020, tổng đàn sẽ khôi phục được 2,5 triệu con như thời điểm trước khi chưa xảy ra dịch tả heo châu Phi.

Đồng Nai được đánh giá là tỉnh thuộc tốp đầu cả nước trong việc tái đàn, tăng đàn heo. Tổng đàn heo của Đồng Nai hiện có trên 2,03 triệu con. Mục tiêu đến cuối năm 2020, tổng đàn sẽ khôi phục được 2,5 triệu con như thời điểm trước khi chưa xảy ra dịch tả heo châu Phi.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT thăm Trang trại chăn nuôi Hoa Phượng tại xã Tân An, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: B.Nguyên
Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT thăm Trang trại chăn nuôi Hoa Phượng tại xã Tân An, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: B.Nguyên

[links()]Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, quy mô đàn heo của Đồng Nai chiếm tỷ trọng cao trong tổng đàn heo cả nước. Tỉnh cũng có tổng đàn nái, trong đó có đàn giống cụ kỵ cao là nguồn tài nguyên rất lớn về nguồn giống cho tăng đàn, tái đàn trong thời gian tới.

* Đồng Nai đang dẫn đầu cả nước về tái đàn

Theo Sở NN-PTNT, đến nay, 10/11 địa phương của Đồng Nai đã thực hiện tái đàn với 328 cơ sở đã tái đàn, tăng đàn đạt số lượng gần 220 ngàn con, tăng khoảng 14% so với tháng 1-2020. Trong đó, số cơ sở bị dịch tả heo châu Phi tái đàn là 247 cơ sở, số cơ sở không bị dịch nhưng ngưng nuôi tái đàn là 81 cơ sở.

Trong đó, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lớn đi đầu trong công tác tăng đàn, tái đàn; đặc biệt là tập trung khôi phục đàn nái bị thiệt hại sau dịch. Ông Nguyễn Hữu Thắng, chủ trang trại Hoa Phượng (xã Tân An, H.Vĩnh Cửu) chia sẻ, từ tháng 9-2019, trang trại đã bắt tay tái đàn với quy mô 5 ngàn con heo và hiện đã gầy lại được 93 con nái. Hiện trang trại đang nuôi lứa thứ 2 nhưng chỉ được khoảng 2 ngàn heo thịt vì giá heo giống quá cao.

Do giá heo hậu bị cũng bị đội lên rất cao, lại rất khan hiếm nên ông Thắng tiếp tục tăng đàn nái sinh sản bằng cách chọn heo hậu bị từ đàn heo thịt trong trại. Dự kiến đến tháng 9 tới, trang trại sẽ tăng đàn nái lên được 700 con nái và khôi phục lại việc tự sản xuất heo giống. Theo ông Thắng: “Dự kiến đến cuối năm, quy mô đàn heo nái sẽ đạt 700 con, tổng đàn heo thịt của trang trại cũng sẽ tăng lên nhiều lần so với hiện nay. Tuy nhiên, trang trại cần thời gian hằng năm và vốn đầu tư mới khôi phục lại quy mô nuôi vốn có của trang trại là 1,5 ngàn con nái và 12 ngàn heo thịt”.  

Đánh giá cao về kết quả khôi phục chăn nuôi heo của Đồng Nai hậu dịch tả heo châu Phi, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng nhấn mạnh, tình hình tái đàn, tăng đàn của Đồng Nai cao hơn mức trung bình toàn quốc. Do là tỉnh chăn nuôi đứng đầu cả nước về tổng đàn, Đồng Nai chỉ cần tăng đàn lên 10% cũng bằng tổng lượng heo của 2 tỉnh khác. Địa phương cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ tái đàn, tăng đàn như hỗ trợ về nguồn vốn, quỹ đất... Tỉnh cũng cần tăng cường công tác phòng, chống dịch đảm bảo an toàn cho tái đàn.

* Nhất thiết phải phục hồi chăn nuôi bền vững

Đồng Nai có điều kiện rất thuận lợi trong tái đàn và khôi phục ngành chăn nuôi heo theo hướng bền vững vì có tổng đàn nái lớn, nhất là có nhiều trại giống lớn của cả nước tập trung. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 815 con heo giống cụ kỵ ông bà, 215 ngàn nái sinh sản, trên 64,5 ngàn nái hậu bị, 3,7 ngàn heo đực giống. Đây được cho là nguồn tài nguyên để ngành chăn nuôi tỉnh nhà sớm phục hồi, khôi phục lại ngành chăn nuôi heo.

Ông Nguyễn Hữu Tỉnh, Phó viện trưởng Viện Chăn nuôi, Giám đốc Viện Chăn nuôi Nam bộ, đại diện cho trại heo giống Bình Minh (xã Bình Minh, H.Trảng Bom) nhận xét, khi xuất hiện ổ dịch, trại giống Bình Minh hao hụt khoảng 8% tổng đàn nái. Nhưng trại giống vẫn nỗ lực duy trì sản xuất. Cụ thể, ngay từ tháng 11-2019, đơn vị này đã bắt đầu cung cấp con giống ra thị trường. Hiện trại giống cơ bản đã phục hồi được toàn bộ 500 con nái cụ kỵ để sản xuất ra heo ông bà - bố mẹ nhằm đảm bảo cung ứng ra thị trường. Trung bình mỗi tháng, trang trại này xuất từ 200-250 con heo giống bố mẹ đến các trại có nhu cầu nuôi heo đẻ.

Ông Tỉnh cho biết thêm, một số cơ sở, trang trại nuôi heo đang tái đàn theo kiểu chọn trong đàn heo thịt trưởng thành để nuôi thành con heo hậu bị. Điều này cũng làm giảm lượng heo thịt cung cấp ra thị trường trong giai đoạn hiện nay. Nếu giai đoạn này, các cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt việc tái đàn, tăng đàn thì dự kiến đến cuối năm, nguồn cung heo giống, heo thịt sẽ tốt trở lại và giá heo hơi mới có thể về mức ổn định hơn. “Sự thành bại trong khôi phục chăn nuôi heo, đặc biệt là nguồn giống, phụ thuộc rất lớn vào công tác phòng, chống không để dịch tả heo châu Phi tái phát” - ông Tỉnh khẳng định.

Đánh giá Đồng Nai có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng đàn và phát triển ngành chăn nuôi heo bền vững, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, Đồng Nai có rất nhiều lợi thế để tái đàn như: có nhiều cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học; là một trong những tỉnh đi đầu trong triển khai truy xuất nguồn gốc và xây dựng các chuỗi liên kết chăn nuôi an toàn…

Trong đó, an toàn sinh học vẫn là giải pháp tối ưu. Nhiều địa phương hiện công suất nuôi của các chuồng kín, đảm bảo an toàn sinh học chỉ đạt từ 50-70% trên tổng công suất. Đồng Nai nên quan tâm rà soát lại các cơ sở chăn nuôi trên và cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để các trang trại này sử dụng hết công suất của các trại nuôi đảm bảo an toàn sinh học trong việc tái đàn, tăng đàn.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều